| Hotline: 0983.970.780

Vết xe lăn xuyên đỉnh Ca Rài

Thứ Hai 26/11/2012 , 10:27 (GMT+7)

Những con chữ từ ý chí kiên cường. Những con chữ từ tình thương vô bờ bến. Những con chữ từ máu huyết của nhiều thế hệ khát khao, dồn tụ. Hoa chữ…

Những con chữ từ ý chí kiên cường. Những con chữ từ tình thương vô bờ bến. Những con chữ từ máu huyết của nhiều thế hệ khát khao, dồn tụ. Hoa chữ…

Vết xe lăn xuyên đỉnh Ca Rài

Sương ùn ùn lên đỉnh dốc Ca Rài. Sương phủ trắng như hoa mơ, hoa mận ở núi Kéo Khao và Kéo Tắt. Sương bắt nắng long lanh trên những cụm hoa bạc hà tím ngắt, những đám thân ngô đã héo tàn ở nương cũ. Ông bố người Mông, Lý Văn Khiào lại cõng đứa con tật nguyền Lý Văn Của vượt Lũng Đắc xuống Lũng Rì đi học.

1. Chân Của teo, vắt thèo lẽo bên đùi. Mỗi bước đi của cha, hai cái chân của con lại đung đưa như cái cành củi khô. Dốc nối dốc, vực tiếp vực. Nắng chang chang, mồ hôi cha ướt đầm phía lưng áo, thấm rịn xót cả ngực, cả bụng con. Mưa dầm dề, tấm nylon, phần lành xoay xở che cho con, phần rách phất phơ ở phía thân bố. Từng ngón chân trần của Khiào choãi ra bấm xuống bùn lầy, ghim xuống từng hòn đá, bậc dốc.

Lắm lúc đến trường, hai bố con đều bê bết bùn đất, ướt lạnh run người, phải đốt một đống lửa to sưởi một hồi lâu mới hồi tỉnh. Hình ảnh Của ngày ngày vượt Lũng Đắc xuống Lũng Rì đi học nặng hơn mọi lời vận động, sinh động hơn mọi panô, áp phích tuyên truyền cho đồng bào Mông ở xã Đức Xuân (Hòa An, Cao Bằng) về tầm quan trọng của cái chữ.


Của (người ngồi đầu tiên) trong lớp học

Trùng trùng điệp điệp núi cao, vực sâu vây bọc, Đức Xuân là một trong những nơi rét nhất của Cao Bằng với mùa đông tuyết đóng trắng trên mái nhà, tuyết đọng từng lớp dày trên đỉnh núi. Hồi trước, cái xã chỉ có vỏn vẹn 96 hộ, 512 khẩu, xấp xỉ 70% hộ nghèo, 90% người Mông là một thế giới riêng nhiều tăm tối bởi thiếu con chữ.

Lạc hậu, đói nghèo cứ như những cơn gió ngày ngày u u thổi quẩn quanh Lũng Rì, Lũng Đắc. Người lớn ở đây đa số mù chữ, cái tay đi xe máy đổ đèo, băng dốc rất cừ mà chẳng bao giờ dám ra đến thị trấn vì không có bằng lái. Hễ có việc gì liên quan đến chính quyền họ chỉ còn nước lóng ngóng giơ tay ra mà điểm chỉ.

Chuyện vận động học hành đối với đồng bào Mông khó ngang với lên trời bởi cái lý luận con gái lớn đi lấy chồng không cần biết chữ, con trai làm nương, phát rẫy cái chữ cũng chẳng giúp cho bắp ngô, hạt lúa thêm to.

Lớp 1, lớp 2 học sinh Mông đã biết trông em, chăn bò, nấu cơm, rửa bát. Lớp 3, lớp 4 chúng đã thành một lao động chủ lực trong nhà biết cầm cuốc trồng ngô, biết dắt dao xuyên rừng kiếm củi. Mùa nương rẫy những lớp học vùng cao trống tuếch toác bởi học sinh đồng loạt nghỉ ở nhà đi làm. Lên đến cấp hai, con chữ lại càng xa cách. Cả trường THCS Đức Xuân vỏn vẹn có 36 học sinh…

2. 25 ngày tuổi, Lý Văn Của bị một trận sốt cao, bại liệt cả hai chân. Bố mẹ Của ôm con đi chữa hết bệnh viện huyện, lại bệnh viện tỉnh tình trạng liệt cũng chẳng hề thuyên giảm. Họ mất bao lợn béo, bao bò to cho thầy lang, thầy cúng bản gần, bản xa cũng chẳng thể đuổi được cái bệnh của con đi. Chân Của mãi vẫn chỉ là một mớ thịt gân bèo nhèo vô dụng. Ngày ngày em nằm bệt một xó ở góc nhà, chong mắt ra phía cửa sổ nhìn cuộc sống bên ngoài mà thèm, mà khát.

Cô Lê Thị Tuyên, giáo viên dạy Của từ hồi lớp 3, kể với tôi về buổi mình cùng cô hiệu trưởng trường cấp 1 xã đi vận động học sinh đặc biệt này: “Đến nhà Khiào chúng tôi thấy Của nằm lê lết ở một góc giường, ái ngại quá liền hỏi vu vơ một câu bằng tiếng Mông rằng: “Tụ mi nhọ tùa cặn tở”? (Em nhỏ có thích đi học không?). Không ngờ mắt Của sáng lên, em đáp luôn: “Muốn nhưng chân mình không bước đi được”. Nghe thấy thế, bố em liền bảo: “Nếu mày muốn đi học thì tao sẽ đưa đi”…


Của nô đùa cùng chúng bạn

Lời nói của người Mông chắc như nhát dao đi rừng ghăm vào thân cây ghiến, đã nói là không bao giờ rút lại. Bố Của mù chữ, mẹ cũng mù chữ, họ có bốn mặt con, Của là con út trong nhà. Tư duy của người đàn ông sinh năm 1974 này rất giản dị rằng: “Mình già rồi không biết chữ ngượng lắm, trẻ con nên biết chữ mới phải. Nó thích học thì mình đưa đi học thôi”.

Hồi Của học lớp 1, cô giáo Hứa Thị Miên thương cậu học trò nhỏ nên ngày ngày tình nguyện cõng Của vượt nửa cái dốc xuống nhà vệ sinh ở lưng chừng đồi. Hôm nào học cả ngày, Của ăn cơm cùng các thầy cô rồi ôn bài bên ngọn đèn dầu mù mịt khói. Đến lớp 2, lớp 3 các bạn đã có sức để xúm vào 2-3 người thay nhau dìu Của mỗi lần đi vệ sinh.

Từ lớp 1-3, lúc bố cõng, lúc mẹ, chị cõng, Lý Văn Của đi học trên những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của người thân, băng qua con đường bên đá núi lở, bên vực thẳm cận kề. Ngày ngày gia đình anh Khiào bớt một người đi làm nương rẫy, lấy cỏ bò để luân phiên nhau đưa Của đi học. Chị gái đầu học xong lớp 9 cũng chấp nhận nghỉ học để dồn cơ hội đến trường cho em trai.

Năm Của vào lớp 4 có một nhà hảo tâm phương xa cảm tấm gương hiếu học tặng cho một chiếc xe lăn, từ đó ngày ngày vết xe vẫn lăn tròn qua dốc trên, lũng dưới của Đức Xuân. Của thích học nhất môn toán, không bao giờ chịu bỏ học dù là một buổi. Khi em học, cái xe lăn ngay ngắn đứng ở cạnh bàn. Cái xe lăn như một học sinh đặc biệt trong lớp. Vừa ngồi học một tay Của phải giữ chặt lấy đôi chân tật nguyền kẻo ngã xuống đất mà tay kia cái bút không bao giờ chịu rời trang vở.


Cả gia đình quây quần

Hoàng Thị Mỵ sinh năm 1996, ở Khau Pàu (Hồng Trị, Bảo Lạc, Cao Bằng) khi đang học lớp 9 đã bị bố mẹ nhận tiền lễ ép lấy chồng. Muốn theo cái chữ nhưng phản đối mãi không được, ngày họ nhà trai đến làm thủ tục ở ngoài nhà thì trong buồng Mỵ lén lấy nắm lá ngón ra ăn.

Thấy con lả đi, người chếnh choáng mẹ Mỵ bỗng hiểu nguồn cơn, hốt hoảng vội đổ mì chính vào mồm con tạo nôn rồi cho uống nước đường mới thoát khỏi cửa mả. Giờ đây Mỵ đã học lớp 10 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện, rất thích học tiếng Anh, văn, sử và nuôi ước mơ được làm nữ công an sau này.

Giờ ra chơi, tôi lặng ngắm cảnh Của nhoài người xuống đất rồi bò bằng cả hai tay ra sân cùng chơi bắn bi với chúng bạn. Em cười. Tiếng cười giòn tan. Cái miệng cười, đôi mắt cũng cười, long lanh sức sống…

Ngày ngày chứng kiến cảnh chiếc xe lăn miệt mài đi về Ca Rài, người già ở Đức Xuân bảo con cháu: “Nhìn vào gương Của mà học chữ”. Không ai còn cho con ở nhà nữa, tỷ lệ đi học lớp 1 của xã đạt 100%. Đến ngay cuộc vận động xóa mù chữ cho người lớn vào buổi tối, vượt cái lạnh, vượt nỗi sợ hãi bóng đêm, 15 học viên chong đèn đến lớp.

3. Tôi đến nhà Lý Văn Khiào. Trong ngôi nhà vách gỗ tuềnh toàng, vợ anh đang cắm cúi bên cái cối xay mèn mén (món ăn bằng bột ngô hấp của người Mông), còn đứa con gái đầu lặng lẽ nhặt một ôm rau cải to chuẩn bị cho bữa tối. Tiếng gà mái túc túc gọi con, tiếng vịt trống cạc cạc đùa vịt mái, tiếng mõ bò lốc cốc khua ngoài hiên.

Bên bếp lửa, Lý Văn Của cùng Lý Thị Dung vẫn chụm đầu ê a đọc sách. Dung nhà bên, học giỏi hơn Của, từ lâu tự nguyện sang dạy bạn tiếng Anh và toán. Lắm buổi làm xong việc nhà, mệt quá Dung ngủ vùi quên sang là Của lại ời ời gọi. Tiếng kêu đập vào vách đá vọng lại thành muôn tiếng động núi, động rừng.

  • Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực
    Phóng sự 27/03/2024 - 08:15

    Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

  • [Bài 3] Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa
    Phóng sự 27/03/2024 - 06:02

    Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

  • [Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn
    Phóng sự 26/03/2024 - 06:00

    Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển
    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập
    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công
    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm
Phát triển Tiền Giang với '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'

TIỀN GIANG Theo Thủ tướng, tinh thần 'ba cùng' là 'cùng lắng nghe, thấu hiểu', 'cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động', 'cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển'.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Người dân bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Đê Đông xuống cấp, xâm nhập mặn uy hiếp ngàn ha đất canh tác

Bình Định Tràn Dương Thiện thuộc hệ thống đê Đông dài 250m, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp giờ đã như ‘răng rụng’.

Bình luận mới nhất