| Hotline: 0983.970.780

Vị cựu sỹ quan tình báo& bài thuốc lạ

Thứ Sáu 08/10/2010 , 10:53 (GMT+7)

Gãy tay trái đắp thuốc bên tay phải, gãy chân phải bọc thuốc bên chân trái. Đó chính là bài thuốc chữa xương độc nhất vô nhị của ông Dương Thanh Nghị.

Ông Dương Thanh Nghị
Gãy tay trái đắp thuốc bên tay phải, gãy chân phải bọc thuốc bên chân trái. Nhờ sở hữu bài thuốc chữa xương độc nhất vô nhị đó, ông Dương Thanh Nghị, ở xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã giữ lại biết bao đôi tay, bàn chân cho những bệnh nhân nghèo sống heo hút nơi dãy núi Tam Đảo trập trùng. 

Cầm súng và chữa bệnh 

Căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình ông Nghị nằm tách biệt hẳn với khu dân trên lưng chừng quả núi thuộc quần thể dãy Tam Đảo. Dáng người chắc nịch, mái đầu nhuốm màu hoa râm, da đỏ như gà chọi, ông Nghị cất giọng khàn khàn, đục đục tựa cụ Mết trong tác phẩm “Rừng Xà Nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành, mời tôi vào uống nước.

Sinh năm 1935, tuổi thơ của ông Nghị là những ngày đất nước ta đang chìm trong đêm dài nô lệ. Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Nghị được cử đi học sư phạm rồi sau đó trở về chính mảnh đất quê hương làm nghề gõ đầu trẻ. Năm 1966, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt, thanh niên sức dài vai rộng không đành lòng an phận nơi quê nhà hưởng cuộc sống bình yên, ông Nghị gác lại công việc dạy học, viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ khi tuổi đời đã 32. Thân hình cao trên 1,83 mét, vốn kiến thức Đông Tây kim cổ uyên bác cộng với tinh thần thép nên ông Nghị được tín nhiệm giao trọng trách hoạt động trong ngành tình báo.

Trong câu chuyện vẫn còn phảng phất hương vị trinh thám quá khứ bản thân, thi thoảng tôi lại thấy ông Nghị nhăn trán suy tư khi hồi ức lại cái thời điểm mà sự sống và cái chết chỉ là một lằn ranh mỏng manh. Chính trong thời khắc căm go ấy, ông đã cứu chữa cho không biết bao nhiêu người lính trong đó có cả những người ở bên kia chiến tuyến không may bị trúng bom đạn chiến tranh. Ông Nghị cho biết, ngoài công việc chính là xâm nhập vào các căn cứ của địch để quan sát rồi vẽ lại sơ đồ chi tiết mọi đường đi lối lại trong các trại binh chuyển cho bộ đội của ta, ông còn thường xuyên tham gia cứu chữa người bị thương.

Bỏ lại sau lưng dư âm cuộc chiến tranh và mùi thuốc súng khét lẹt, ông Nghị trở về quê hương tiếp tục công việc “chở đò qua sông”. Đây chính là thời gian ông đem phương thuốc bí truyền của mình đi cứu chữa cho dân làng. Ông Nghị bảo phương thuốc mà ông đang sở hữu là do một cán bộ tiền khởi nghĩa truyền lại cho bố vợ ông, ông là đời thứ 3 có trách nhiệm cao cả lưu giữ bài thuốc cổ phương này. 

Bài thuốc kị… chăn gối 

Qua tìm hiểu tôi được biết bài thuốc nam bó xương của ông Nghị vô cùng đơn giản được tạo nên từ ba loại cây có sẵn ngoài tự nhiên. Đầu tiên đó là cây phu quân (người chồng), thứ hai là cây phu thê (người vợ) và cuối cùng là cây ái tử (người con). Theo lời ông Nghị mỗi loại cây có một công dụng khác nhau với vết thương. Riêng cây phu quân có tác dụng làm xương liền lại, cây phu thê sẽ thực hiện công đoạn hồi phục các gân, cơ bị tổn thương còn ái tử sẽ là cây giúp lưu thông lại các mạch máu.

Đem thắc mắc tại sao gãy chân tay bên này mà lại đắp thuốc bên đối diện hỏi, ông Nghị vô tư bộc bạch: “Nhiều người cứ nghĩ tôi chữa bằng mẹo nhưng thực chất không phải. Khi tôi đắp thuốc ở bên không bị thương, nhựa và các chất của cây sẽ thấm quá các lỗ chân lông (tĩnh mạch) và truyền sang bên phía bị đau giúp vết thương mau lành hơn”.

Để bài thuốc có được hiệu quả cao nhất, ngoài việc người thầy thuốc phải biết cách nắn cố định xương trước khi đắp thuốc thì những luật lệ, thủ tục, công đoạn bào chế thuốc cũng là điều vô cùng quan trọng. Liếc mắt về phía người bạn đời đã gắn bó bao nhiêu năm qua, ông Nghị mỉm cười tiết lộ: “Nếu hôm nào dự định đi hái thuốc thì tuyệt nhiên tối hôm đó không được ngủ với vợ. Tất cả ba loại thuốc đều phải được hái vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi không còn ánh nắng mặt trời. Thuốc khi được hái về, cho chung vào cối giã nhuyễn rồi đắp lên vết thương”.

Người bó xương đông thế này chắc ông được nhiều tiền lắm nhỉ? Tôi nửa đùa nửa thật hỏi. “Họ cho bao nhiêu thì tuỳ tâm, nhiều khi chỉ là con gà, đấu gạo nếp, gói bánh hay thậm chí là rổ khoai lang. Nhưng cũng có người ở thành phố có điều kiện khi chữa khỏi bệnh họ cho cả triệu đồng thì tôi cũng vui vẻ nhận. Nhiều người dân nghèo tìm đến tôi chữa bệnh, biết họ khó khăn tôi không lấy tiền mà còn biếu họ thêm để có tiền tàu xe. Nếu tôi chữa bệnh vì tiền thì giờ căn nhà ngói  đã là căn lầu năm tầng rồi”, ông Nghị đáp lại.

Mặc dù là một thầy lang bó xương bằng phương pháp cổ truyền, mấy chục năm qua chưa bó tay trước bất cứ ca bệnh nan y nào, song ông Nghị vẫn luôn khuyên người dân nên đến các cơ sở y tế để được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của y học hiện đại. Bản thân ông khi nhận bó xương cho ai cũng rất cần xem phim chụp X quang để nắn xương cho thật chuẩn xác.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên Nguyễn Hồng Điều:

“Ông Nghị là công dân có nhân thân rất tốt ở xã Mỹ Yên. Trước ông đi bộ đội rồi trở về làm nghề dạy học.Từ khi ông  hành nghề chữa xương đến nay tôi thấy ai cũng đều khỏi bệnh và không có ai kêu ca phàn nàn gì  về ông  cả”.

Trạm trưởng Trạm y tế xã Mỹ Yên Vũ Hồng Lam:

Tôi có biết việc ông Nghị được bà con tôn vinh chữa xương giỏi. Bản thân tôi cũng thừa nhận là ông đã chữa khỏi cho rất nhiều người. Nhưng việc thẩm định cách chữa xương gãy bên nọ đắp thuốc bên kia thì nó rất khó xác định vì mơ hồ. Nhưng tôi khẳng định là từ khi làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Yên đến nay, tôi chưa phải tiếp nhận ca bệnh nào của ông Nghị chữa hỏng.

Ông Nghị cho biết, ưu điểm bài thuốc bó xương của ông là thời gian hồi phục của bệnh nhân rất nhanh. Nếu là gãy tay chỉ 4 ngày sau là hết đau, trẻ em 12 ngày sau là tay trở lại bình thường, người già thì từ 18 – 20 ngày là bình phục. Với gãy chân chỉ hơn một tháng là có thể đi lại, trong khi đó nếu bó bột ở bệnh viện ít nhất cũng phải mất hai tháng. Không chỉ gãy tay chân thông thường mà các ca gãy xương chậu, xương cổ, xương bả vai... ông Nghị đều có thể khuất phục. Bình quân mỗi ngày ông tiếp nhận khoảng 4 – 5 người từ khắp nơi đến chữa các bệnh liên quan đến xương.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Mùi – 76 tuổi ở xóm La Tre, một người được ông Nghị bó xương khỏi. Bà Mùi kể lại, trong một lần đi lấy củi không may bị trượt chân ngã gãy tay bà đã đến nhà ông Nghị nhờ bó xương. Biết gia đình bà khó khăn neo đơn nên sau khi tay bà bình phục ông Nghị đã mang toàn bộ số tiền bà thắp hương đến biếu lại bà bồi bổ cho mau lại sức.

Cũng ở xóm La Tre có anh Phạm Văn Quy bị thương rất nặng cũng được ông Nghị cứu chữa kịp thời. Anh Quy bị một tai nạn rất nặng khi xẻ gỗ trong rừng. Đùi phải của anh bị gỗ đâm nát vụn có nguy cơ phải cắt bỏ. Thấy vậy, ông Nghị đến tận nhà anh Quy chữa trị giúp. Thật bất ngờ chỉ trong vòng ba tháng sau chân phải của anh Quy gần như hồi phục hoàn toàn. Hiện nay anh có thể gánh được 50 – 60kg một cách ngon lành.

Ông Nghị không nhớ nổi mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu người nữa, chỉ biết cuốn sổ ghi chép những người đến chữa bệnh đã sang cuốn thứ tư. “Nhiều lúc cũng muốn đem phương thuốc bó xương bí truyền này hiến cho y học nghiên cứu, nhưng giống như mọi phương thuốc nam khác là phải bí mật cha truyền con nối nên tôi còn đắn đo chưa dám bước qua”- ông Nghị giãi bày.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.