| Hotline: 0983.970.780

Vì đâu nghề trồng cam ở Nghệ An khốn đốn?

Thứ Sáu 25/09/2020 , 07:10 (GMT+7)

Mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhà nông đổi đời chóng vánh. Thế nhưng gió đã đổi chiều, lúc này nghề trồng cam tại Nghệ An đang đối mặt nhiều rủi ro.

Nghệ An xuất hiện tràn lan những vườn cam bị dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An xuất hiện tràn lan những vườn cam bị dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Bất kể là mới triển khai hay những vườn cam lâu năm, tất thảy đều bị tàn phá nặng nề. Công sức, của nả của người nông dân đang trôi sông, đổ biển...

“Trồng cam cần nguồn kinh phí lớn, xót của nên khi nhiễm bệnh Greening nhiều hộ không nỡ phá bỏ, hi vọng có thể cứu vãn được bằng những phương án can thiệp thông thường, nên bị cuốn vào vòng luẩn quẩn”, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An.

Cam trên đất Nghệ là cây trồng truyền thống, từ thời bao cấp đã mang lại giá trị kinh tế cho nhà nông, đánh giá tổng thể cho thấy việc bảo tồn là nhiệm vụ mang tính cấp thiết.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, các cấp ngành liên quan đã xắn tay vào cuộc, tiếc thay tiến độ thực hiện dường như gấp quá.

Ngược dòng thời gian, ngày 31/5/2007 chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận tại Quyết định số 386/QĐ-SHTT.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá chỉ hơn 1.681 ha tại 12 xã thuộc 5 huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ được chứng nhận để trồng 3 giống cam, gồm Xã Đoài, Vân Du và Sông Con.

Vùng địa danh và diện tích gắn chỉ dẫn địa lý như trên là phù hợp với điều kiện đặt ra, nếu giữ vững sẽ từng bước nâng tầm thương hiệu, qua đó làm điểm tựa vững chắc giúp nông dân trên địa bàn ổn định kinh tế.

Lập luận này hoàn toàn xác đáng, nhất là giai đoạn 2010 – 2015, nghề trồng cam có vị thế độc tôn, người dân chỉ việc xuống tiền đầu tư là chắc phần thắng.

Người trồng cam thất thần trước nghịch cảnh. Ảnh: Việt Khánh.

Người trồng cam thất thần trước nghịch cảnh. Ảnh: Việt Khánh.

Tình hình "xuôi chèo mát mái" dẫn đến tư tưởng chủ quan, bà con khắp các huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Tân Kỳ… đua nhau mở rộng diện tích trồng, thêm sự buông lỏng quản lý khiến sự việc ngày càng "đi xa".

Tháng 10/2019 Cục Sở hữu trí tuệ quyết định bổ sung thêm giống V2, đồng thời mở rộng chỉ dẫn địa lý cam Vinh lên… 73 xã. Riêng thủ phủ cam Quỳ Hợp nức tiếng, bên cạnh "cái nôi" Minh Hợp nay có thêm Hạ Sơn, Văn Lợi, Châu Đình, Nghĩa Xuân.

Tăng nhanh quy mô diện tích dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, kết hợp với hàng loạt yếu tố khác (không tuân thủ quy trình canh tác, môi trường bị tác động, thổ nhưỡng bị xáo trộn, giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đảm bảo) dần dà đẩy nghề trồng cam vào cảnh khốn đốn. Thay vì hưởng lợi, nay người người, nhà nhà đang bạc mặt vì cây trồng… tiền tỷ.

Năm 2015, anh Hoàng Ngọc Anh, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành xắn tay đầu tư cây cam. Trên quỹ đất 1 ha anh trồng 550 gốc. Là dân trong ngành, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ tưởng như sẽ nắm chắc phần thắng, nào ngờ người tính không lại với trời, sau 5 năm ròng rã gia đình mới thu về được 300 triệu đồng, chưa được nổi phân nửa chi phí bỏ ra.

Gia đình anh Hoàng Ngọc Anh lỗ khoảng 400 triệu sau 5 năm đầu tư. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình anh Hoàng Ngọc Anh lỗ khoảng 400 triệu sau 5 năm đầu tư. Ảnh: Việt Khánh.

Đưa mắt nhìn vườn cam xơ xác, rụng tả tơi, anh Anh buồn rười rượi: “Tình hình thay đổi quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Với đà này gia đình dự kiến sẽ thanh lý khoảng 300 cây, sau đó tiến hành cải tạo đất để bố trí trồng giống chất lượng hơn”.

Diễn biến khó lường

Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An thông tin, những năm trước thu nhập của người trồng cam đạt bình quân 300 – 500 triệu đồng/ha. Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, diện tích trồng cam tăng phi mã, năm 2018 đạt đỉnh với quy mô trên 6.150 ha.

Ghi nhận đến cuối 2019, toàn tỉnh giảm còn 5.464 ha cam, hụt 692 ha so với cùng kỳ 2018, tuy nhiên vẫn vượt đến 314 ha so với quy hoạch. Diện tích này tập trung chủ yếu tại huyện Quỳ Hợp (158 ha) và Thanh Chương (107 ha).

Điều đáng lưu tâm là 66 – 70% diện tích cam kinh doanh phát triển kém, dự kiến trong 1 – 2 năm tới có đến 50% đối diện nguy cơ phải chặt bỏ. Những diện tích kinh doanh từ 10 năm trở lên càng thảm hại, cụ thể 50% phát triển trung bình, còn lại phát triển kém.

Cam hỏng chất thành đống tại thủ phủ Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Việt Khánh.

Cam hỏng chất thành đống tại thủ phủ Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Việt Khánh.

Ở thời điểm hiện tại, ghi nhận trực tiếp tại các vùng cam lớn thì diện tích "có vấn đề" chiếm tỷ lệ cao, dao động từ 60 – 80%.

Đánh giá tổng quan, dễ thấy thực trạng sản xuất cam tại Nghệ An đáng đối mặt với hàng loạt rào cản khó gỡ. Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An khẳng định, cây ăn quả có múi nói chung, đặc biệt là cây cam đòi hỏi cao về kỹ thuật canh tác cũng như quá trình đầu tư chăm sóc.

Hiện tình hình sản xuất cam trên địa bàn đối mặt với nhiều thách thức, điển hình như năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh, sâu bệnh nhiều, giống không đảm bảo, trình độ canh tác chưa cao…

Những yếu tố trên hội tụ kéo theo hàng loạt vùng cam bị tàn phá nặng nề, mức độ suy thoái giống ngày càng nhanh. Vừa qua Sở NN-PTNT tỉnh đã phối hợp với Viện Bảo vệ Thực vật (BVTV) tiến hành kiểm tra, đánh giá bước đầu tại một số vườn trồng mới, vườn phục tráng cũng như những vườn già cỗi để có cái nhìn tổng thể, qua đó định hướng lâu dài đối với nghề trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Dịch bệnh gây hại phát sinh tràn lan đã tàn phá nghiêm trọng nhiều vùng trồng. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch bệnh gây hại phát sinh tràn lan đã tàn phá nghiêm trọng nhiều vùng trồng. Ảnh: Việt Khánh.

Phần lớn các vườn bị rụng quả nhiều là do bệnh Greening, làm suy giảm mạnh hệ thống miễn dịch của cây, đến thời điểm cho trái, tích đường đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng nhưng cây không đáp ứng được, mở ra cơ hội cho các đối tượng gây hại xâm nhập, tác động mạnh. Một số diện tích khác lại bị vàng lá thối rễ do nấm. Tiếp nữa là bị tấn công bởi lượng lớn “ngài bướm lâm nghiệp” kí sinh.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, các đối tượng này rất khó phòng trừ, đối với bệnh vàng lá thối rễ hiện nay Chi cục đã xây dựng mô hình ứng phó tại Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn, tín hiệu bước đầu rất tốt. Riêng bệnh Greening gây nên tình trạng gân vàng lá xanh, chữa trị không mang lại kết quả. Do đó nếu xác định cây nhiễm virus chỉ còn cách chặt bỏ.

Đa phần giống cam đều do nông dân tự sản xuất hoặc mua trôi nổi, toàn vùng không có giống đầu dòng hay vườn cây mẹ. Mắt ghép sử dụng được lựa chọn chủ yếu từ những vườn phát triển tốt, không thể truy xuất, đánh giá chính xác được nguồn gốc, chất lượng.

Ngành nông nghiệp Nghệ An nhận định khả năng phát triển cam trên một số địa bàn sản xuất truyền thống gặp nhiều khó khăn, dự báo ngắn hạn (2020 – 2025) chắc chắn sẽ giảm mạnh quy mô. Trước mắt, 2 doanh nghiệp có diện tích sản xuất lớn tại huyện Quỳ Hợp là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành và Công ty Cổ phần Nông công nghiệp 3/2 đã ban hành văn bản không để trồng mới.

Để cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới, trước mắt cần tập trung tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch, nhất là cấp xã. Chỉ tập trung trồng cam tại vùng có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp, không áp dụng dàn trải.

Về giống, nhất thiết phải áp dụng chính sách hợp lý nhằm lựa chọn ra cây đầu dòng, giống đưa vào ứng dụng phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tránh lặp lại tình trạng sử dụng thuốc BVTV trôi nổi và phun trừ vô tội vạ…

Hàng loạt phương án, giải pháp đã được nêu lên, thế nhưng để đưa cây cam trở lại vị thế vốn có đòi hỏi lý thuyết và thực tiễn phải song hành.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa dừng thu phí buổi tối

Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa dừng thu phí trong thời gian thi công từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Ban ngày thu phí bình thường.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.