| Hotline: 0983.970.780

Vị ngọt từ trái ớt cay

Thứ Hai 30/12/2019 , 07:01 (GMT+7)

Mỗi năm, lãi ròng từ ớt lên tới cả nửa tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, ông Chất “ớt” còn vang danh là “Lão nông sáng chế”...

Ông Nguyễn Văn Chất chăm sóc vườn ươm cây ớt giống.


Làm giàu: Ớt

Là người đầu tiên phá bỏ cơ cấu nông nghiệp “4 L” (gồm lúa, lang, lạc, lợn) đã gắn bó với người dân vùng quê Phú Bình nhiều đời nay bằng cách đưa “cây cay cây đắng” về ruộng vườn, đến giờ thì ông Nguyễn Văn Chất, 58 tuổi, ở xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình đã có thâm niên gần 2 thập kỷ trồng ớt.

Phú Bình nổi tiếng là vùng đất thuần khoai lúa nên việc ông Chất chuyển đổi sang trồng ớt là cả một cuộc cách mạng về cây trồng ở làng quê này.

Ông Chất tâm sự: Khoảng năm 2000, tôi về Bắc Giang thăm người nhà thấy ở đấy trồng rất nhiều ớt thương phẩm. Trò chuyện thì thấy thu nhập tốt, tôi liền có ý trồng thử. Hóa ra cái anh ớt cũng dễ làm, vụ đầu cho quả rất sai, tiêu thụ cũng dễ. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, 1 sào ớt đã cho lãi gần 20 triệu đồng, thời điểm ấy so với rau màu hay ngô khoai thì cao hơn nhiều.

Phấn khởi với hiệu quả ban đầu, tôi bèn đi tìm hiểu về kỹ thuật trồng ớt tại một mô hình huyện bạn và mua giống về trồng, đồng thời tuyên truyền cho bà con quanh vùng cùng trồng ớt để tiện cho việc thu mua của thương lái. Những năm đầu phải đi lại mua cây giống về trồng dẫn đến không chủ động về thời vụ nên tôi quyết định tự mua hạt giống về ươm tại ruộng ngoài đồng và bán cho các hộ quanh vùng".

Từng không ít trường hợp nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị rơi vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí lâm vào tình cảnh điêu đứng khi tin theo doanh nghiệp cung cấp giống cây trồng hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao, bao tiêu sản phẩm, nhưng ngay sau khi bán được một số lượng cây giống khá lớn bèn “mất hút con mẹ hàng lươn”.

Thế nhưng ông Chất là người cùng làng cùng xã, nhà cửa sờ sờ ra đấy, bản thân ông cũng trồng 4 sào ớt và lập điểm thu mua ớt quả tại nhà, thế nên bà con yên tâm.

Cùng với cung cấp cây giống và “chuyển giao công nghệ” trồng ớt, ông Chất còn đầu tư mua máy cày bừa làm luống thuê cho bà con. Nhiều hộ trong xã, trong huyện còn được “mua chịu” cây giống, làm đất trồng, đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên việc liên kết trồng ớt gần như làm “gia công” cho ông Chất, chẳng phải lo nghĩ gì.

Thế nên, chỉ sau vài vụ, cây ớt đã “bò” từ vườn nhà ông Chất sang nhiều xã khác, cả huyện đã có hàng trăm hộ trồng ớt với tổng diện tích lên tới hơn 200 ha. Hiện mỗi năm, ông Chất cung cấp trên dưới 2 triệu cây giống cho toàn huyện. Hàng ngày, điểm thu mua của gia đình ông tiêu thụ hàng tạ ớt xuất đi các thị trường trong và ngoài nước.
 

Sáng chế: Ớt

Khi quyết định chuyên canh 4 sào ớt và huy động được kha khá hộ trồng ớt cùng, ông Chất tính đến chuyện chủ động nguồn cây giống. Nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Ninh, ông hiểu rõ sự quan trọng của quy trình kỹ thuật. Chính vì vậy, ông tìm đến các vùng ớt đang rất phát triển ở Bắc Giang để làm thuê và học nghề, cảm thấy chưa đủ, ông về Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu kỹ từng giống ớt, sau đó mua hạt tại Cty CP Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương.

Ông Chất cho biết, từ những kinh nghiệm tích lũy được trong mười mấy năm qua, giờ ông đã ươm thành công hạt ớt giống với tỷ lệ hạt khi đem gieo đến khi xuất bán cây giống đạt 90%.

Người dân xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh thu hoạch ớt.

Kỹ thuật “luyện cây” được ông “tiết lộ”, quá trình ươm cây ớt giống nằm ở tất cả các khâu, nhưng quyết định sự thành công của chất lượng cây giống nằm ở kỹ thuật điều chỉnh ánh sáng bằng cách che phủ vườn ươm giúp cho cây ớt khi xuất bán chắc khỏe, sức chống chịu tốt khi đem trồng không bị chết yểu, đổ gãy, héo rũ…

Luống ớt được gieo có kích thước 0,8m x 8m và dùng các đoạn sắt phi 6 có chiều dài 1,5m để cắm vòm ngang luống, trên đỉnh vòm có đặt một thanh tre theo chiều dọc của luống và buộc cố định, sau đó ông rải lưới đen lên trên mái vòm và phủ bạt dứa bên ngoài.

Làm như vậy nhằm hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu vào giúp cho hạt ớt nảy mầm và vươn dài nhanh. Sau khoảng 7 ngày ông bỏ lưới đen ra và thay bằng lưới trắng để cây giống quang hợp, nở lá nhưng bên trên vẫn phủ bạt dứa.

Việc dùng lưới đậy lên luống cây giống giúp cho việc phun nước tưới, cung cấp độ ẩm cho đất được thuận lợi, giúp giảm áp lực của nước, cây không bị đổ, rẽ và chai đất.

Sau khoảng 15 ngày ông bắt đầu mở bạt ra vào đầu giờ sáng và cuối buổi chiều để luyện cây giúp cây thích nghi dần với nhiệt độ và ánh sáng mặt trời và đậy bạt lại vào buổi trưa khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ và khi trời mưa to.

Trước khi xuất bán khoảng 5 ngày ông mở bạt ra cả ngày và chỉ đậy lại khi trời mưa, khâu này giúp cây thích ứng với điều kiện thời tiết nhiệt độ và ánh sáng chiếu trực tiếp.

Công việc đơn thuần che che đậy đậy ấy không chỉ mang lại tiền bạc nhờ bán cây giống mà còn giúp ông trở thành nhà sáng chế thực thụ. Đề tài “Nâng cao chất lượng cây ớt giống tại vườn ươm” của lão nông Nguyễn Văn Chất được đăng ký tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên năm 2018 và giành giải Ba, sau đó tiếp tục đoạt giải Nhì tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên lần thứ IX, năm 2017 -2018 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sáng chế giúp ông Chất tăng cao số cây ớt giống cung cấp ra thị trường, nếu như các năm trước đó chỉ có 9.000 cây/năm, từ năm 2018 là 2 triệu cây/năm, với giá bán bình quân 300 đồng/cây, ông thu lãi ròng khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.

Ông “Chất ớt” cũng đã được công nhận là gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất