| Hotline: 0983.970.780

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?'

Thứ Năm 26/05/2016 , 08:02 (GMT+7)

Báo NNVN đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề...


Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Khi đọc hồ sơ vụ án “giết người” xảy ra ngày 29/11/1992 tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, khiến anh Trần Văn Việt bị chết và 21 người bị thương, có một tình tiết được ghi tại trang 40, trong phần nhận định của HĐXX, của bản án hình sự phúc thẩm số 1030, ngày 25- 27/8/1994, khiến chúng tôi rất ngạc nhiên.

Đó là “Sau khi xử sơ thẩm, cơ quan điều tra lấy lời khai thì Thanh nhận Vót đưa lựu đạn cho y ném (bút lục 192-199)”. Tại sao sau phiên tòa sơ thẩm, khi mà tòa án cấp sơ thẩm đã kết tội bị cáo mà không tuyên trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hay điều tra lại, mà cơ quan điều tra vẫn còn lấy lời khai của bị cáo Trần Ngọc Thanh?

Bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), thì thẩm quyền của cơ quan điều tra đã kết thúc sau khi có kết luận điều tra? Và cơ quan điều tra chỉ có quyền tiếp tục lấy lời khai của bị cáo khi hai cấp tòa tuyên trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hay điều tra lại.

Báo NNVN đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Thưa luật sư, sau khi HĐXX cấp sơ thẩm của phiên tòa hình sự sơ thẩm đã tuyên án bị cáo mà không trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại. Nhưng cơ quan điều tra vẫn tiếp tục lấy lời khai của bị cáo, thì có vi phạm tố tụng không?

LS Nguyễn Hồng Bách: Vụ án mà nhà báo hỏi được xét xử năm 1994, nên phải căn cứ vào BLTTHS năm 1988, có hiệu lực từ ngày 9/7/1988 đến ngày 1/7/2004 để xem xét. Quá trình giải quyết vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, do các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án tiến hành theo các trình tự, thủ tục luật định. Trong đó, cơ quan điều tra có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành các hoạt động điều tra để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Viện kiểm sát sẽ thực hiện các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố và thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử. Tòa án có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm).

Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, nếu có đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can đã thực hiện các hành vi phạm tội, thì cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra, để Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án (điều 138 BLTTHS năm 1988).

Kể từ thời điểm này, cơ quan điều tra không còn thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án, trừ trường hợp Viện kiểm sát hoặc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại theo quy định tại các điều 142; 143a và điều 151 BLTTHS năm 1988.

Nếu Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án kết tội bị cáo, và bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo, hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị, thì vụ án vẫn đang trong giai đoạn xét xử. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ có thẩm quyền xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Trong giai đoạn này, cơ quan điều tra không còn quyền tiến hành các hoạt động điều tra đối với vụ án nói chung cũng như lấy lời khai của bị cáo nói riêng.

Cơ quan điều tra chỉ có quyền tiến hành các hoạt động điều tra trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, theo quy định tại các điều 222 và 224 BLTTHS năm 1988. Theo đó, BLTTHS năm 1988 không có quy định cho phép cơ quan điều tra hoặc điều tra viên lấy lời khai của bị cáo trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

Khoản 1 điều 94 BLTTHS năm 1988 quy định “Điều tra viên được phân công điều tra vụ án có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do Bộ luật này quy định và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình”.  Do đó, khi cơ quan điều tra và điều tra viên lấy lời khai của bị cáo trong giai đoạn xét xử (khi Tòa án không có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại) là trái quy định, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

HĐXX cấp phúc thẩm có được phép căn cứ vào những lời khai mà cơ quan điều tra đã lấy của bị cáo sau phiên tòa sơ thẩm (khi tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án kết tội bị cáo) để kết tội bị cáo không, thưa luật sư?

LS Nguyễn Hồng Bách: Việc Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng lời khai của bị cáo do cơ quan điều tra lấy sau phiên tòa sơ thẩm (khi tòa án cấp sơ thẩm đã kết tội bị cáo) làm chứng cứ buộc tội bị cáo là không đúng pháp luật. Bởi vì các lời khai này đã được thu thập không đúng quy định của pháp luật, như đã phân tích ở trên, không thỏa mãn yêu cầu hợp pháp của chứng cứ theo quy định của điều 48 BLTTHS năm 1988.

Cụ thể như sau: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.

Theo quy định này, những lời khai của bị can, bị cáo hoặc bất kỳ chứng cứ nào không được thu thập theo đúng trình tự do BLTTHS quy định thì đều không thể được coi là chứng cứ.

Các cơ quan tố tụng không được phép sử dụng các chứng cứ đó làm căn cứ để buộc tội bị can, bị cáo. Nếu làm thế, là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS.

Xin cảm ơn luật sư!

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất