| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 07/10/2019 , 08:40 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 08:40 - 07/10/2019

Vi phạm trong xây dựng ngày càng nhiều

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng các công trình có vi phạm trong xây dựng càng ngày càng nhiều, đã trở thành phổ biến.

Xin dẫn vài ví dụ: Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra toàn diện 72 chung cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thì cả 72 chung cư đều có vi phạm, trong đó 64 chung cư xây dựng sai thiết kế và 8 chung cư xây vượt tầng.

Công trình sai phạm số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Tại Hà Nội, tòa nhà 8B Lê Trực đã trở thành một cục xương đang “hóc”, suốt 3 năm nay. Tuy tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 18/6/2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ kiên quyết xử lí nghiêm, xử lí dứt điểm những vi phạm của chủ đầu tư công trình này. Nhưng đến nay, tình hình vẫn dẫm chân tại chỗ. Ngoài tòa nhà 8B Lê Trực, còn hàng loạt công trình có vi phạm khác như 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh, và hàng chục tòa nhà khác của tập đoàn Mường Thanh.

Tại Bắc Ninh, tòa nhà A của khu đô thị Royal Park (đường Kinh Dương Vương, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) cũng đang gây bức xúc vì sự vi phạm trắng trợn: Chia nhỏ trung tâm thương mại ở tầng 1 làm nhiều phần, đục thông từng phần với các căn hộ ở tầng 2, xén bớt hành lang các căn hộ tầng 2 để thành căn hộ thông tầng để bán. Tuy bị UBND tỉnh xử phạt, yêu cầu thu hồi lại diện tích đã bán ở tầng 1 để trở lại đúng công năng theo giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng cả năm nay, chủ đầu tư công trình là công ty Châu Á Thái Bình Dương Bắc Ninh vẫn phớt lờ.

Mấy hôm nay, dư luận xã hội rất bức xúc trước việc một tòa nhà 7 tầng bỗng sừng sững mọc lên giữa đỉnh đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), phá nát di sản thiên nhiên thế giới. Tòa nhà 7 tầng mang tên Panorama này được chủ đầu tư xây dựng khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa có giấy phép xây dựng.

Vì sao việc vi phạm lại trở nên phổ biến như vậy?

Câu trả lời đầu tiên là sự thờ ơ, vô trách nhiệm và thiếu kiên quyết của các cơ quan quản lí nhà nước. Tất cả các công trình xây dựng có vi phạm đó đều diễn ra công khai, thậm chí ngay sát trụ sở UBND phường, trụ sở UBND quận. Thế nhưng, tất cả đều bị làm ngơ, cùng lắm là bị lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền rất nhỏ, rồi sau đó chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm, cho đến lúc công trình hoàn thành, lúc đó chính quyền mới chạy theo để “kiên quyết xử lí”. Nhưng xử lí đến bao giờ và xử lí như thế nào là chuyện không đơn giản, mà trường hợp nhà 8B Lê Trực - Hà Nội là một ví dụ điển hình.

Muốn chấm dứt tình trạng này, cần phải có một chế tài đủ mạnh, không chỉ phạt tiền với giá trị lớn, mà thậm chí phải xử lí hình sự, như trường hợp UBND thành phố Hà Nội đã làm: Chuyển hồ sơ vi phạm của 3 công trình 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy và 102 Trường Chinh sang công an.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm