| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 03/08/2019 , 07:10 (GMT+7)

07:10 - 03/08/2019

Vì sao chửi và chịu chửi?

15 năm ở Hà Nội (1993 - 2008) còn trước đó, tôi ra ngoài ấy đều đều. Nhưng tôi luôn coi mình là khách.

Với cư dân cố cựu, như ông bạn Tư Nguyên của chúng tôi, họ chia Hà Nội ra rất nhiều giai đoạn: giai đoạn trước 1945; giai đoạn Kháng chiến lần I; giai đoạn toàn lực cho Cuộc chiến lần II; giai đoạn bao cấp nối dài và… giai đoạn vật mình cho kinh tế mở.

c-phe12470121
Ảnh có tính chất minh họa

Hà Nội thời tôi biết và tôi sống từ bánh tôm Hồ Tây độc bảng thực khách phải tự bưng bê cho đến khi mời mọc bạn bè “Bánh tôm Hồ Tây ư, xoàng quá, xưa quá”; thời Tô Lịch còn những bè rau muống luộc ăn được đến thời nó đặc sệt một dòng cống lộ thiên hãi hùng; thời bia hơi hể hả đến cái thời “bia thùng à, hại bụng, rượu Tây chứ”; thời quần lót phụ nữ tự may đến không thèm hàng Tàu mà là hàng Triumph cơ. Vân vân và vân vân.

Thực sự không biết con người bị tha hóa, tha hóa dữ dội từ khi nào. Không nói giới quan chức thành phố hay chóp bu vì tôi không xà xận với những người đó. Tôi chỉ quan sát cán bộ thấp cổ bé họng như mình và dân tình chung quanh. Ví như nạn lấn chiếm từng rẻo đất nhỏ trong tầm tay mà nhà chỉ có chổi cùng ghế rách cũng gắn mảnh chai phát khiếp lên tường thành.

Ví như đi lấy nước vo gạo của hàng xóm thì đổ nguyên cả hộp xà bông kem (hồi còn xà bông kem cơ) vào xô nước gạo đem về (nước gạo ấy sẽ đổ bỏ mà xà bông kem hốt ra vẫn xài được). Ví như va chạm và chửi nhau như cơm bữa, cùng cơ quan đấy, về hưu ở cùng tổ dân phố đấy.

Ví như dân lao động đứng thành chợ người mùa đông vừa rét run vừa phun nước miếng vừa chửi thề. Ví như một chiếc cầu thang tre dựng bên tường rào để sáng sớm và chiều tối người nhập cư lậu sẽ trèo vào những gian nhà ổ chuột mà gia chủ xây dựng chui…

Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Mình không để ý thì vụt một cái, người đông như kiến, đô thị hóa bung bét được gọi bằng các mỹ từ “thay da đổi thịt”. Ông bạn Tư Nguyên hay kéo vợ chồng tôi đến những chỗ còn giữ được thương hiệu bằng sự “ngoan cố thanh lịch” - từ của anh ấy. Chả cá Lã Vọng, cà phê đá Hàng Hành, phở Bát Đàn phở Lý Quốc Sư, kem que Tràng Tiền…

Mời lại, chúng tôi thích cà phê Thủy Tạ - Bờ Hồ nhưng ông ấy bảo ghét kiểu quốc doanh muôn năm từ cung cách đến mùi mất vệ sinh trong nhà vệ sinh. Vậy đó, một người Hà Nội cao ngạo kín đáo điển hình đi ăn đâu cũng thủ sẵn mấy loại giấy cho cả nhóm.

Tôi đi làm báo Văn nghệ, chỉ ăn trưa ở hai nơi, hàng bún ngan ở con đường nhỏ sau cơ quan và quán bún bò Nam bộ cùng phố với tòa báo. Thực sự là quán bún chửi mà khi tôi là thực khách, tôi không biết quán ấy có từ bao giờ, đã hay chửi chưa? Thực đơn quán phong phú, các loại bún, nem rán (chả giò), nem chua, nem tai… Chủ đạo là món bún bò xào, rau tươi, đậu phộng nhiều, nước chan đúng Nam bộ.

Bà chủ trắng trẻo (chứ không thô cộ như bà chủ của cái quán bún chửi đang nổi tiếng trên truyền thông), ngồi bên lò than quanh năm suốt tháng mà nước da bà cứ trắng lộng. Bà không chửi khách mà chỉ chửi nhân viên, hơn nửa tiểu đội nhân viên. Bị chửi hoài, bọn họ quen tai, vẻ bơ đi nhưng mặt mũi cử chỉ cứ như robot. Và đám nhân viên ấy thay đổi xoành xoạch, có lẽ vì không chịu nổi tật hay chửi vỗ mặt của bà chủ.

Như rất nhiều quán ăn ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 21 ấy, giấy ăn, xương xóc, vỏ chanh và lá gói vung vãi dưới chân, dưới giày dép của khách. Người ăn lèn chật, do chung quanh toàn dân công sở, các ngân hàng, Bảo hiểm Hà Nội ở ngay kia, rất rất nhiều nam thanh nữ tú giày da, áo cổ cồn, váy đồng phục. Không ai phản ứng gì, vì bà ấy có chửi khách đâu. Dù rất dị ứng, thi thoảng tôi ngồi chen trong đám khách đông ngộp, đạp lên rác và ăn cho nhanh. Chưa bao giờ tôi kéo chồng và ông bạn kỹ tính Vũ Tư Nguyên đến đây, thực sự, nó không xứng đáng với hai người ấy. Tôi thấy gần thấy tiện nên tôi chịu đựng, và cung cách món bún bò của bà ấy đúng gu tôi.

Sài Gòn không có bún mắng cháo chửi. Nếu có cái quán ấy dân Sài Gòn cũng không thèm ghé vào. Giới bình dân Hà Nội đã ô tạp và chua ngoa có tiếng, trí thức Hà Nội từng bị nén trong đói kém bí bách quá lâu, Hà Nội chật chội bức bối phát điên phát khùng vào mùa nóng. Người ăn thôi thì xuề xòa vì gần và tiện, người bán chửi như hát hay trong bối cảnh món “phát triển vượt bậc” của Hà Nội là chửi thề. Nhưng sao bà chủ chửi khách, chửi chính thực khách mà người ta vẫn thản nhiên ăn và háo hức xếp hàng chờ?

Sâu xa, sợi dây sâu xa ấy dài lắm, liệt kê đủ e không tiện và cũng quá mệt. Nói chung, văn hóa Hà Nội đã bị tổn thương một cách rất ư là sâu sắc, tiếc thay, đó là điều hiển nhiên, có thật.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm