| Hotline: 0983.970.780

Vì sao cụ Kiều Thị Tâm mất đất canh tác?

Thứ Sáu 10/05/2019 , 08:53 (GMT+7)

Cụ Kiều Thị Tâm là hộ cận nghèo, tuổi cao sức yếu, lại bệnh tật. Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào đất canh tác.

Lẽ ra, UBND xã Đông Yên phải giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cụ. Nhưng suốt nhiều năm nay, việc cụ bị mất gần 300m2 đất canh tác vẫn chưa được giải quyết.

14-58-35_cu_kieu_thi_tm
Cụ Tâm tuổi cao sức yếu, lại bệnh tật

Báo NNVN nhận được đơn của cụ Kiều Thị Tâm, 70 tuổi, ở đội 4, thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, phản ánh: Năm 1992, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) được chọn thí điểm giao đất canh tác lâu dài cho nông dân, gia đình cụ được giao 15 mảnh đất canh tác, trong đó có 2 mảnh là Khoang Gạo, mang số thửa 813 thuộc tờ bản đồ số 18(4) bản đồ địa chính thôn Đông Hạ, với 6 thước Bắc bộ (144 m2) và Gò Ó, mang số thửa 913 tờ bản đồ số 12(3) bản đồ địa chính thôn Đông Hạ, cũng có diện tích 144 m2.

Năm 1993, khi Chính phủ thực hiện nghị định 64/CP về gia đất canh tác lâu dài cho nông dân trên cả nước, số mảnh ruộng và diện tích từng mảnh của gia đình cụ vẫn không đổi. Tất cả đều được thể hiện trên “phiếu giao nhận diện tích” còn lưu tại địa chính xã.

Hai mảnh đất là Gò Ó và Khoang Gạo được cụ Tâm giao cho người em dâu là Nguyễn Thị Nhặt canh tác từ trước năm 2008. Không may bà Nhặt ốm chết. Nhưng không hiểu sao, năm 2008, hai ông Kiều Văn Cước và Nguyễn Văn Vượng lại canh tác trên 2 thửa đất đó. Ông Cước canh tác trên thửa đất Gò Ó, và đến nay đã chuyển nhượng cho ông Kiều Văn Căm để ông Căm xây nhà ở. Còn ông Vượng vẫn canh tác trên mảnh đất Khoang Gạo đến nay. Nhiều lần cụ Tâm đòi, nhưng hai ông không trả. Cụ có đơn ra UBND xã, nhưng xã không giải quyết.

Trả lời PV, ông Tạ Đình Quý, chủ tịch UBND xã Đông Yên, cho biết đúng là năm 1992 cụ Tâm có được giao hai mảnh đất là Gò Ó và Khoang Gạo. Nhưng năm 1995, khi điều chỉnh lại đất đai để cấp sổ đỏ, thì số đất của cụ không còn hai thửa đó nữa. Thửa Gò Ó đã được chuyển cho ông Cước, còn thửa Khoang Gạo được chuyển cho ông Vượng.

Xung quanh chuyện “điều chỉnh” diện tích này, chúng tôi thấy còn một loạt câu hỏi cần giải đáp một cách thỏa đáng. Thứ nhất, vì sao cụ Tâm lại bị “điều chỉnh” giảm diện tích đất, mà lại giảm hai mảnh đất có vị trí thuận lợi nhất?

Thứ hai, cấp nào có thẩm quyền điều chỉnh đất canh tác của cụ Tâm? Cơ quan giao đất canh tác cho cụ là UBND huyện Quốc Oai, thì chỉ UBND huyện mới có quyền “điều chỉnh” tăng thêm hoặc giảm đi. Về mặt thủ tục, nếu muốn “điều chỉnh”, thì UBND huyện phải ra quyết định thu hồi hai mảnh đất đó của cụ Tâm, rồi tiếp theo lại phải ra quyết định giao hai thửa đất đó cho ông Cước và ông Vượng. Như vậy mới phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng đã không có bất cứ một quyết định nào của cấp huyện về sự “điều chỉnh” đó.

Thứ ba, nếu năm 1995, cụ Tâm đã bị điều chỉnh mất hai thửa đất Gò Ó và Khoang Gạo rồi, thì năm 2008 cụ còn lấy đâu ra hai thửa đất đó mà cho bà Nhặt canh tác? Sao hai ông Cước và Vượng, những người đã được nhận hai thửa đất đó do sự “điều chỉnh” năm 1995, lại không có ý kiến gì

Thứ tư, là “phiếu giao nhận diện tích”, có chữ kí của cụ Tâm là phiếu được lập năm 2010, do cán bộ địa chính xã lập. Nếu năm 1995, cụ bị “điều chỉnh” mất hai thửa đất Khoang Gạo và Gò Ó rồi, thì tại sao năm 2010, hai thửa đất đó vẫn còn nằm trong “phiếu giao nhận diện tích” của cụ?

Trong biên bản làm việc ngày 15/3/2019, để giải quyết đơn của cụ Tâm về việc hai ông Cước và Vượng chiếm hai thửa đất Gò Ó và Khoang Gạo của mình, chúng tôi thấy có một điều rất lạ, là cụ Tâm hoặc người được cụ ủy quyền lại không hề có mặt với tư cách nguyên đơn, chỉ có độc lãnh đạo xã và thôn, và buổi làm việc cũng chỉ có vài ý kiến. 4 vấn đề chúng tôi đã nêu ở trên hoàn toàn không được ai đặt ra để xem xét.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.