| Hotline: 0983.970.780

Vì sao "cung - cầu" chưa gặp?

Thứ Ba 30/07/2013 , 09:53 (GMT+7)

Nông dân ĐBSCL chủ yếu bán lúa tươi tại ruộng, trong khi các doanh nghiệp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ có khả năng mua tạm trữ gạo. Đó là nguyên nhân chính làm cho những lợi ích của chính sách mua tạm trữ lúa gạo khó đến với nông dân.

Nông dân ĐBSCL chủ yếu bán lúa tươi tại ruộng, trong khi các doanh nghiệp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ có khả năng mua tạm trữ gạo. Đó là nguyên nhân chính làm cho những lợi ích của chính sách mua tạm trữ lúa gạo khó đến với nông dân.

KHÔNG THỂ MUA LÚA

Trên vùng đất lúa lâu đời, xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ), ông Trần Văn Tâm ở ấp Trường Thọ 1 đang làm 1,3 ha lúa, cho biết thu hoạch là bán lúa tươi tại ruộng, không bán được mới phơi khô đem về nhà. Giữa Đồng Tháp Mười mới khai phá, ông Hoàng Kim ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp) làm 8 ha lúa, cho biết chuẩn bị thu hoạch là tìm mối lái, đắt rẻ gì cũng bán lúa tươi tại ruộng vì không có phương tiện và đường sá chở lúa về nhà.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần mua tạm trữ lúa thì mới mua trực tiếp được với nông dân. Cùng quan điểm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An nói, cần mua tạm trữ lúa và cần hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng mua lúa với cánh đồng mẫu lớn. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp nói thêm, doanh nghiệp nào không có hợp đồng bao tiêu với cánh đồng mẫu lớn thì chỉ hỗ trợ lãi suất khoảng 50%.

Đại diện Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang cho biết, mấy năm nay đã đầu tư và mua lúa trực tiếp với nông dân ở các tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp với tổng diện tích gần 18.000 ha. Cty cung ứng vật tư nông nghiệp, đưa cán bộ kỹ thuật về đồng ruộng, đến mùa mua lúa còn nông dân nếu chưa muốn bán thì có thể gửi vào kho của Cty, không tính lãi nhưng phải tự chịu trách nhiệm về sự tăng giảm giá. Vụ vừa rồi, nông dân đã gửi hơn 12.000 tấn lúa.


Người nông dân ít được hưởng lợi từ chính sách mua tạm trữ lúa gạo

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong tỏ vẻ ngạc nhiên, không hiểu Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang làm thế nào mua trực tiếp lúa với nông dân. Ông Phong giải thích: “Doanh nghiệp không tài nào mua được lúa vì không có đội ngũ nhảy ra ruộng mua lúa tươi, trong khi nông dân ĐBSCL hơn 86% chỉ có dưới 1 ha và lại có tới 80% bán lúa tươi tại ruộng”.

KHÔNG CÓ KHO CHỨA

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong mới đây đưa ra lời cảnh báo, các doanh nghiệp, các địa phương đừng xây dựng thêm kho chứa lúa gạo nữa, đã thừa rồi. Số liệu của VFA, đến cuối năm 2012, tổng lượng kho chứa lúa gạo ở ĐBSCL là 5,38 triệu tấn, dự kiến cuối năm nay tăng lên 6,36 triệu tấn. Tuy nhiên, chủ yếu là kho chứa gạo.

 Cuối năm 2012, kho chứa gạo là 4,36 triệu tấn, chứa lúa chỉ 1,02 triệu tấn (gần 19% tổng lượng kho), và cuối năm nay kho chứa gạo dự kiến 4,77 triệu tấn, chứa lúa 1,59 triệu tấn (25%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Huỳnh Thế Năng, nhận xét kho không thể chứa lúa vì đầu tư không đồng bộ. Theo ông Năng, kho chứa hiện đại phải là một cụm dịch vụ lúa gạo có khả năng mua lúa tươi, sấy, cất vào kho và sau đó chế biến ra hạt gạo.

Có cụm dịch vụ lúa gạo thì mới có khả năng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cũng theo ông Năng, để đảm bảo chất lượng đầu vào lẫn đầu ra đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra giá trị mới cho phụ phẩm để thúc đẩy giá trị gia tăng. “Nên cần hoàn thiện hơn 4 triệu tấn kho gạo thành kho chứa lúa”, ông Năng kết luận.

Chưa có cụm dịch vụ lúa gạo nên thời gian qua, chính sách mua tạm trữ chỉ nêu là “mua tạm trữ lúa gạo” và các doanh nghiệp vẫn chủ yếu mua gạo qua thương lái. GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, ông Phạm Văn Quỳnh, cho rằng vì vậy mà kế hoạch mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ bị phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là phục vụ cho kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, nên nông dân ít được hưởng lợi.

Ông Quỳnh kiến nghị: “Tạm trữ cần tách biệt với kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp”.

NÔNG DÂN ÍT HƯỞNG LỢI

Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), nhận xét cách mua tạm trữ hiện nay không mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân, nhưng là cách làm đơn giản, dễ thực hiện. Theo ông, mỗi khi hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo cũng đẩy được giá lúa tăng 100 - 200 đồng/kg, gián tiếp đem lợi ích đến với nông dân.

Tuy nhiên, không phải hộ nông dân nào cũng được hưởng cái lợi gián tiếp ấy. Trước hết là mùa vụ chênh lệch, thường lúa ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An gặt gần xong thì các tỉnh khác mới bắt đầu nên “được nơi này thì mất nơi khác”. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT giải thích, mua tạm trữ là giải pháp điều tiết cung cầu, can thiệp thị trường để giá không thấp hơn giá định hướng, chứ không phải trực tiếp hỗ trợ nông dân.

Những kiến nghị gắn chính sách mua tạm trữ với phát triển cánh đồng lớn chưa thực hiện được vì điều kiện vật chất (cụm dịch vụ, giao thông…) chưa có và nhất là chưa có nhiều thành viên của VFA tham gia cánh đồng mẫu lớn. Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang lại chưa được trực tiếp xuất khẩu gạo.

Sau 25 năm xuất khẩu gạo, hiện nước ta đang xây dựng quy chế mua tạm trữ lúa gạo. Hoạt động mua tạm trữ trên thực tế, mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận từ chính sách, chưa thúc đẩy ổn định để hiện đại hóa nông nghiệp.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất