| Hotline: 0983.970.780

Vì sao DN không đầu tư vào nông nghiệp?

Thứ Tư 02/11/2011 , 09:38 (GMT+7)

PV NNVN đã trao đổi với ĐB Quốc hội, doanh nhân Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quỹ đầu tư Sài Gòn để tìm câu trả lời.

Doanh nhân Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quỹ đầu tư Sài Gòn

Mặc dù đã kêu gọi rất nhiều nhưng đến nay, DN vẫn không mặn mà trong việc rót vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Vì sao lại như vậy?  PV NNVN đã trao đổi với ĐB Quốc hội, doanh nhân Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quỹ đầu tư Sài Gòn để tìm câu trả lời.

Tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng tỉ trọng đầu tư nông nghiệp, Chính phủ cũng nhấn mạnh đặt trọng tâm tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp. Dưới góc nhìn của một DN, ông đánh giá thế nào về chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian tới?

Nông nghiệp là nền tảng của tương lai. Trong nông nghiệp, mỗi đồng USD xuất khẩu thì có tới 90% là giá trị nội tại. Còn nhiều lĩnh vực khác như dệt may chẳng hạn còn chưa tới 50% giá trị gia tăng trong nước. Việt Nam chuẩn bị trở thành nước xuất khẩu lớn nhất về lúa gạo và lúa gạo ngày càng lên giá. Ngày hôm nay chỉ 500 USD thì ba bốn năm nữa sẽ lên tới 1.000-1.500 USD/tấn gạo XK. Vì vậy, đầu tư vào nông nghiệp cần phải quyết liệt hơn, bài bản hơn, có kế hoạch rõ ràng hơn.

Hiện tổng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp rất thấp, DN chưa mặn mà với đầu tư nông nghiệp. Vậy phải trông chờ vào đâu, thưa ông?

Tại sao người ta bỏ tiền vào bất động sản là vì người ta kiếm được lợi, tại sao người ta bỏ tiền vào dịch vụ ngân hàng vì họ thấy có lãi và tại sao người ta không bỏ vào nông nghiệp là vì họ thấy lỗ nên họ không bỏ.

Về nguyên tắc kinh doanh thì ai cũng thế, thấy lợi ích là sẵn sàng đầu tư. Tất cả chỉ là cơ chế chính sách thôi. Chính sách bao giờ cũng là đầu tàu để thay đổi, người nông dân không có tiền để đầu tư. Còn DN thì đang đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ. Muốn hút đầu tư vào nông nghiệp chỉ có chính sách để thay đổi cán cân kinh tế.

Vậy chúng ta cần chính sách như thế nào?

Rất đơn giản. Ví dụ một tấn lúa đang bán ra 500 USD, nếu chế biến giá được cao hơn thì cái phần gia tăng đó được giảm 50% thuế, như vậy thì nhà nước không thất thu ngân sách mà chỉ chia phần gia tăng với doanh nghiệp thì tự nhiên DN sẽ nhảy vào.

Hải sản cũng vậy, giả sử chúng ta xuất thô 1USD/kg cá basa nhưng chế biến vào có thể bán 10 USD. Chính phủ cần giảm thuế cho 9 USD giá trị gia tăng do DN đầu tư vào chế biến. Xây dựng được chính sách khuyến khích DN làm gia tăng giá trị sản phẩm thì nhà nước sẽ thu được tiền.

Trước đây tôi bắt đầu với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thì nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ. Đến khi tôi chứng minh tôi đúng, đầu tư có hiệu quả, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích được nhiều DN đầu tư, có thêm nguồn thu ngân sách. Vấn đề của chúng ta không phải cứ ép ngân sách đầu tư, mà chúng ta phải huy động được vốn của xã hội, còn nếu mình nhà nước làm thì chắc chắn không đủ.

Vậy DN của ông có đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không?

Tôi hiện đang chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, tất nhiên tôi không đi vào trồng lúa trực tiếp nhưng chúng tôi tham gia vào mua nông sản và gia súc gia cầm để chế biến và tôi nhìn thấy tương lai rất lớn ở lĩnh vực này.

 Ví dụ tôi nhìn thấy việc nhập khẩu xúc xích chẳng hạn, mình mà làm tốt giá chỉ bằng ½ mà tôi đã lời gấp đôi. Vậy tại sao tôi lại không làm? Và thực tế chúng tôi đang làm một dự án chế biến xúc xích.

Ở VN khách sạn 5 sao người ta nhập 100% xúc xích từ nước ngoài bởi vì thực phẩm ở VN chưa đảm bảo. Nếu ta chế biến thực phẩm theo một qui trình công nghệ khép kín từ chăn nuôi đến bàn ăn thì người ta mới sử dụng.

Nếu chúng tôi sản xuất xúc xích thì sẽ xuất khẩu tại chỗ. Nhà nước sẽ thấy xuất khẩu tại chỗ giảm được nhập khẩu thịt heo, giảm xúc xích nhập về lúc ấy nhà nước nên có chính sách giảm 50% thuế thì đảm bảo các DN sẽ nhảy vào làm ngay.

Thực phẩm rất quan trọng và mãi mãi quan trọng, vì vậy chắc chắn đây là đường hướng tốt để đầu tư. Nếu có một chính sách tốt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến, tỉ trọng xuất khẩu nông nghiệp sẽ nâng lên, giá trị nông sản cũng tăng lên…

Khi ấy thuế thu từ nông nghiệp không phải trực tiếp vào nông dân mà vào phần gia tăng trong chế biến, nhà nước sẽ có nguồn thu để tiếp tục tái đầu tư phát triển.

Trồng rừng là một trong các chương trình mục tiêu quốc gia phải huy động nguồn ngân sách nhà nước khá lớn, theo ông DN nên tham gia vào lĩnh vực này như thế nào?

Tôi đầu tư vào trồng rừng ở Lào, Campuchia mỗi nơi 50 ngàn ha. Về chương trình trồng rừng, tôi nói thật nếu nhà nước cho tham gia thì chúng tôi đầu tư ngay. Theo tôi, cho đến nay chương trình này cũng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn một số vấn đề như có nơi trồng tính theo đầu cây để lấy tiền, kể cả cây cỏ bẹp, đây là một kẽ hở.

Thứ hai nữa là một số ông tham gia nhưng không quan tâm đến rừng mà chỉ nhắm vào cái bên dưới lòng đất nên chưa đi vào thực chất. Nếu chúng tôi tham gia vào thì sẽ đi sâu đầu tư công nghiệp chế biến, hiện nay chúng ta nhập 1 triệu tấn bột giấy mỗi năm, rồi giấy cũng nhập nữa tức là nhập khẩu rất nhiều. Mà chúng ta trồng rừng là đa mục đích: có nơi trồng rừng cổ thụ, rừng môi trường nhưng có những nơi chỉ là rừng cây tràm. Có nơi trồng rừng kinh tế và đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, tiêu chí phải rõ ràng, minh bạch. Để làm gì? Để Quốc hội giám sát, để người tham gia biết trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình. Quá trình đó nên huy động đa dạng nguồn lực xã hội, ngân sách nhà nước không thể làm hết được thì phải cho DN vào.

Vậy điều gì cản trở DN của ông đầu tư vào trồng rừng trong nước?

Chả điều gì cản trở, chỉ có xin không được thôi. Tôi có một dự án bột giấy ở Bình Định, tôi nộp đơn xin trồng rừng nguyên liệu mà không có. Mà tại sao không có thì không biết. Như vậy vấn đề không đơn giản là DN muốn làm là được. Thế mới nói chương trình trồng rừng cần phải minh bạch quy hoạch, diện tích trồng rừng ở từng tỉnh, cơ chế chính sách như thế nào để DN cùng tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.