| Hotline: 0983.970.780

Vì sao dự án Jatropha thất bại?

Thứ Tư 13/03/2013 , 08:18 (GMT+7)

Hơn 5 năm trôi qua, nhiều người dân ở huyện Cao Lộc, xã Hữu Kiên đã không còn nhớ về loại cây trồng này nữa, đơn giản bởi dự án đã đổ bể.

Tháng 7/2007, UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý cho Cty TNHH Núi Đầu có địa chỉ ở huyện Cao Lộc đứng ra trồng cây Jatropha (cọc rào) tại xã Hữu Kiên và một số nơi khác trong tỉnh. Ngay sau đó, Cty đồng loạt tiến hành nhập giống về cho người dân trồng. Hơn 5 năm trôi qua, nhiều người không còn nhớ về loại cây trồng này nữa, đơn giản dự án đã đổ bể.

Chúng tôi được lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Lạng Sơn bố trí cán bộ phòng Đăng ký kinh doanh và phòng Công thương trực tiếp làm việc. Phía phòng Đăng ký kinh doanh cho biết Cty TNHH Núi Đầu đã giải thể. Còn phòng Công thương sau một hồi lục tìm trong đống hồ sơ lưu trữ đã lấy ra được văn bản số 01 đề ngày 9/6/2008 của Giám đốc Cty TNHH Núi Đầu gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về báo cáo tiến độ trồng cây Jatropha. Phòng Công thương cho hay họ chỉ nhận được đúng một văn bản đó của Cty Núi Đầu có liên quan đến cây Jatropha. Từ đó đến nay, Sở KH-ĐT không nhận được một báo cáo nào khác của Cty về kết quả trồng cây này nữa.

Theo như văn bản của Cty TNNH Núi Đầu thì việc Cty tiến hành trồng cây Jatropha đã được tỉnh đồng ý, được Cục Lâm nghiệp cho phép nhập khẩu giống cây và được Cục BVTV cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Do đó, năm 2007, Cty đã nhập khẩu giống cây Jatropha vào trồng tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng 60 ha; xã Chiêu Vũ và xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn 60 ha. Nhưng đợt rét đậm đầu năm 2008 đã làm cho số cây trồng đó chết 40%.

Tháng 11/2007, Cty tiếp tục nhập khẩu 2.000 kg hạt giống về ươm tại xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn), tại xã Đào Viên (huyện Tràng Định) và tại thị trấn Tú Đồn (huyện Văn Quan). Thời gian ươm chưa được bao nhiêu, số cây non này đã phải chống chịu đợt rét đầu năm 2008 nên dẫn đến 100% số cây con bị chết làm thiệt hại cho Cty khoảng một tỷ đồng.

Trước những thông tin về hiện trạng cây Jatropha bị chết rét đã có nhiều ý kiến của người địa phương nói rằng cây giống không phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và kỹ thuật canh tác của đồng bào dân tộc miền núi. Một số nhà khoa học bày tỏ quan ngại về hiệu quả của loại cây trồng này nhưng phía Cty vẫn tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như ý kiến của nhà khoa học.

Đến tháng 3/2008, Cty đã nhập 3.000 kg hạt giống tại Quảng Tây (Trung Quốc) về tiến hành trồng dặm vào những nơi cây trồng trước đó bị chết và mở rộng ra trồng ở 15 xã của huyện Tràng Định. Thời điểm đó, theo tính toán sơ bộ huyện Tràng Định đã trồng được 2.000 ha cây Jatropha.

Phải chăng vì quá nóng vội, không nghiên cứu kỹ các đặc tính của loại cây trồng này nên phía Cty đã tiến hành trồng một cách ồ ạt ở những vị trí mà điều kiện đất đai, khí hậu rất khắc nghiệt. Trong khi trên thế giới, việc trồng Jatropha được tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm, tập huấn chuyển giao KHKT một cách bài bản với nông dân; đặc biệt là việc làm đất, đào hố, bón phân phải được tiến hành từng bước, trong đó việc chuẩn bị mặt bằng, đào hố phải được chuẩn bị trước. Cùng với đó là coi trọng vườn ươm để có các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tốt. Về phía Cty TNHH Núi Đầu sau khi “sốc” trước hiện trạng cây trồng và 3 “vườn ươm” bị chết thảm hại thì đã chuyển sang trồng thẳng bằng hạt, bỏ qua giai đoạn vườn ươm. “Đây là mô hình đầu tiên trồng bằng hạt trên thế giới nên có nhiều đoàn khách quốc tế đến nghiên cứu và nhiều đoàn trong nước đến tham quan” - trích báo cáo của Cty.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 2/6/2008, Cty đã cung ứng cho 24 hộ gia đình tại hai xã Đào Viên và Quốc Việt (huyện Tràng Định) 130.000 cây giống và 13.000 kg phân bón NPK. Kỳ vọng của Cty lúc bấy giờ là muốn “đây sẽ là mô hình điểm và cây sẽ cho sản lượng cao ngay năm trồng đầu tiên”.

Tham vọng của Cty TNHH Núi Đầu là muốn mở rộng quy mô trồng 200.000 ha Jatropha trên địa bàn toàn tỉnh như chủ trương mà UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý tại văn bản 1256/VP-KT ngày 13/11/2007. “Cty sẽ xây dựng nhà máy chế biến dầu diesel sinh học và trình luận chứng kinh tế, kỹ thuật và kế hoạch đầu tư của dự án trong năm 2008 để các ngành hữu quan thẩm định tính khả thi” - trích báo cáo của Cty gửi UBND tỉnh.


Anh Dương Công Thào - nguyên cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Núi Đầu đang trầm ngâm khi nghĩ về thất bại của cây Jatropha

Nhưng mọi ước nguyện cao xa đã trở thành viển vông khi cả nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và người dân đã phải lặng người đứng nhìn hàng trăm ha đất dành để trồng Jatropha bỗng nhiên trơ trọi vì cây không sống, không phát triển và lụi tàn dần.

Chuyến công tác về Lạng Sơn tìm hiểu sự đổ bể của cây Jatropha, chúng tôi may mắn tìm gặp được người trong cuộc. Người mà chúng tôi gặp là anh Dương Công Thào ở thôn Đon Riệc 2, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Anh Thào từng là cán bộ kỹ thuật, một cổ đông có số vốn tương đối lớn ở Cty TNHH Núi Đầu.

“Lâu lắm rồi mới có người hỏi tôi về Jatropha” - anh Thào mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Anh Thào cho biết, việc Cty đầu tư trồng cây Jatropha được cấp ủy, chính quyền các địa phương ủng hộ. Người dân không phải bỏ chi phí ra đầu tư nên họ cũng không ngần ngại khi làm. Chính vì thế, Cty liên tục đưa vốn ra đầu tư. Sự thực là Cty đã bắt đầu trồng từ năm 2006, tiếp đến là năm 2007 nhưng chẳng cây trồng nào cho thu hoạch cả. Thời điểm đó, Cty cũng không thực hiện đánh giá nguyên nhân mà chỉ nghĩ là do trời rét nên lại vẫn cứ tiếp tục nhập giống về trồng một cách ồ ạt. Giá cây giống lúc đó mua 12.000 đ/cây. Cứ 600 cây giống thì trồng được 1 ha đất. Cty hỗ trợ phân bón và 500.000 đ/ha gọi là tiền ăn cho một hộ gia đình/năm.

“Sau nhiều lần trồng cây vẫn chết và không một cây trồng nào cho thu hoạch nên Cty quyết định ngừng đầu tư. Năm 2012, Cty tiến hành giải thể và đánh giá tổng thiệt hại từ việc trồng Jatropha lên đến 3 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản tiền công mà Cty đang nợ người dân. Có lẽ người dân cũng chia sẻ nên không có ai đòi hỏi gì cả và giờ đây họ đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác rồi” - anh Thào bày tỏ.

Nếu nói một điều gì đó về Jatropha, anh sẽ nói gì? - tôi hỏi. Không ngần ngại, anh Thào nói thẳng: “Đó là bài học cay đắng. Nó thể hiện trình độ và năng lực hạn chế của con người trong cách làm ăn. Sự hiểu biết của chúng ta có hạn nhưng việc làm thì luôn lao vào những thứ mà mình không kiểm soát được”.

Không chỉ có Cty mất 3 tỷ đồng mà bản thân anh Thào cũng mất trắng một khoản tiền lớn khi anh tự bỏ tiền túi ra để mang về quê là xã Quỳnh Sơn để trồng 10 ha nhưng cuối cùng cây cũng chết hết. “Tôi thấy lạ là cũng loại cây ấy nhưng cây bản địa thì sống. Hiện nhiều hộ dân trong xã vẫn còn loại cây đó nhưng người ta trồng chỉ để làm cọc dậu, bờ rào thôi” - anh Thào nói.

Nhớ đến điều này, anh Thào chia sẻ: “Nói thời tiết không phù hợp thì cũng đúng nhưng không hoàn toàn vì giống cây bản địa vẫn sống cơ mà, chỉ có điều người ta không quan tâm. Phần lớn các ý kiến của anh em trong Cty và người ngoài cuộc đều có chung một câu hỏi phải chăng là do chất lượng giống? Riêng tôi thì còn nghĩ rằng, đưa một cây trồng mới vào trồng trên đồi mà các biện pháp kỹ thuật không được tiến hành bài bản thì thất bại đã được báo trước”.

Ý kiến của anh Thào được ông Dương Hữu Đảng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Vũ (huyện Bắc Sơn) đồng tình. Ông Đảng cho biết: “Được cấp trên đồng ý nên xã tiến hành trồng được mấy chục ha cây Jatropha. Nhưng trồng được mấy tháng thì cây chết đồng loạt. Số cây trồng tại Chiêu Vũ chết không phải do gặp đợt rét năm 2008 mà chúng tôi trồng vào mùa thu 2007, được vài tháng sau thì cây chết. Chúng tôi cho rằng, ngoài lý do chất lượng giống, phải kể đến quá trình trồng đã không thực hiện cải tạo đất, không xử lý thực bì. Trồng “cây công nghiệp” mà cách làm như người dân canh tác lúa nương vậy, cứ cuốc một nhát rồi cho hạt Jatropha xuống hốc đó thì làm sao nó sống và phát triển được”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.