| Hotline: 0983.970.780

Vì sao hàng trăm học sinh chưa được đến trường?

Thứ Năm 18/09/2014 , 09:22 (GMT+7)

Ba tuần học đầu tiên kể từ ngày khai giảng năm học mới đã qua đi, thế nhưng đến nay nhiều học sinh ở Hương Bình (Hương Khê) và Kỳ Lợi (Kỳ Anh) vẫn chưa được hưởng niềm vui đến trường...

Không cho đi học vì phản đối sáp nhập trường

Theo số liệu thống kê từ phòng GD - ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), đến nay mới có 26/215 học sinh bậc mầm non, 28/255 học sinh bậc tiểu học và 43/246 em bậc THCS ở Hương Bình đến trường.

Nguyên nhân của sự việc trên là do năm học 2014 – 2015, Trường THCS Hương Bình (Hương Khê) chỉ còn 8 lớp, dự báo đến năm 2020 cũng không tăng lên, quy mô quá nhỏ nên UBND huyện Hương Khê đã có quyết định sáp nhập Trường THCS Hương Bình sang Trường THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng.

Với việc sáp nhập này, 247 học sinh Trường THCS Hương Bình sẽ phải lựa chọn chuyển sang điểm trường ở xã Hòa Hải hoặc Phúc Đồng để học. Tuy nhiên, người dân đang có con em học tại Trường THCS Hương Bình lại không đồng ý với chủ trương sáp nhập vì cho rằng, quãng đường đi học của con em họ sẽ xa đến 13km.

Điều đáng nói, để phản đối việc sáp nhập trường THCS, nhiều phụ huynh lại không cho con em mình đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học đến trường đóng tại xã, dù các trường này không liên quan gì đến việc sáp nhập. Nhiều phụ huynh cho rằng, con họ đang học mầm non, tiểu học trong xã, nhưng khi lên THCS sẽ phải lặn lội đường xa để đến điểm trường mới sáp nhập nên cũng không cho đi học.

Cô giáo Phan Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình cho biết: “Không chỉ ngày khai giảng mà 3 tuần nay nhà trường đã tổ chức học chính thức, nhưng ngày nào nhiều nhất cũng chỉ có 29/255 học sinh đến trường, thậm chí khối lớp 3 nhiều buổi học không có em nào tới lớp. Nhà trường đã nhiều lần đến từng gia đình để vận động các em trở lại trường nhưng không mấy biến chuyển”.

Việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường học các cấp trong giai đoạn hiện nay là chủ trương đúng đắn, nhằm khắc phục tình trạng trường quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi để sàng lọc, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên một cách hợp lý.

Từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực về đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Điều này đã thực hiện và được sự đồng tình cao của một số địa phương ở Hà Tĩnh.

“Phản đối việc sáp nhập trường bằng cách không cho con đi học diễn ra hơn tháng nay làm hàng trăm học sinh cả 3 cấp học ở xã Hương Bình phải nghỉ học. Không những thế còn gây ra tâm lý xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất ở địa phương”, ông Hoàng Công Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê lo ngại.

Chưa di dời, không cho con đến trường

Để nhường chỗ cho các dự án kinh tế, xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh) có 1.235 hộ dân phải di dời. Công tác vận động người dân về nơi ở mới đã được thực hiện từ tháng 8/2013 nhưng trước đó, để ổn định cuộc sống cho bà con, hệ thống cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm… đã được đầu tư xây dựng đầy đủ. Hiện đã có 1.044 hộ bốc thăm và trong số đó, hàng trăm hộ đã an cư trên vùng đất mới.

12-33-53_knh
2 chiếc xe phục vụ cho việc đưa đón các em đi học sinh ở Kỳ Lợi vẫn vắng bóng học sinh

Theo cha mẹ lên khu tái định cư, hầu hết học sinh ở các cấp học ở Đông Yên - Kỳ Lợi cũng đã bắt đầu quen với trường mới, bạn mới.

Tuy nhiên, do một số gia đình vẫn chưa kiểm đếm, chưa nhận tiền đền bù nên đã gây sức ép với chính quyền địa phương bằng việc không cho con em lên học tập trên vùng tái định cư. Vì thế, hiện tại vẫn còn 80 học sinh bậc tiểu học và 52 học sinh THCS vẫn chưa được đến trường.

Ông Đinh Sỹ Quân – Phó phòng GD huyện Kỳ Anh cho biết: “Trường THCS Kỳ Phương được đầu tư xây dựng trên khuôn viên hơn 11.000 m2 với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ đồng, cơ sở vật chất đã sẵn sàng cho 18 lớp, nhưng nay mới có 14 lớp học. Song song với nhiệm vụ chuyên môn, mấy tuần nay việc đầu tiên trên mỗi tấm bảng ghi lịch công tác của nhà trường vẫn là nhiệm vụ tuyên truyền con em đi học”.

Cũng theo ông Quân, mặc dù UBND huyện Kỳ Anh đã trích kinh phí gần 100 triệu đ/tháng hợp đồng 2 xe ô tô đưa đón miễn phí 132 học sinh bậc TH và THCS Kỳ Lợi đến những điểm trường mới ở khu tái định cư xã Kỳ Phương, nhưng đến nay học sinh ở những gia đình nói trên vẫn chưa được bố mẹ đồng ý cho đến trường.

“Việc sáp nhập đã có lộ trình vì các trường này quy mô nhỏ, ít lớp, không phù hợp với tình hình thực tế. Mỗi một ngày chậm đến trường là một ngày con em chậm kiến thức. Đặc biệt, với bậc tiểu học, khi năm học này áp dụng đại trà dạy Tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục. Chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục nỗ lực vận động ”, ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh cho biết.

Việc ngăn cản con em đến trường, tìm cách phản đối chủ trương của tỉnh và huyện, dù vô tình hay cố ý các phụ huynh ở Hương Bình và Kỳ Lợi cũng đang tước đi quyền được đến trường của chính con em mình.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất