| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Indonesia quyết dời đô?

Thứ Bảy 21/09/2019 , 13:10 (GMT+7)

Indonesia sẽ xây dựng thủ đô mới trên đảo Borneo, trong bối cảnh Tổng thống Joko Widodo đang nỗ lực giảm áp lực lên một thủ đô Jakarta đang quá tải và chìm dần khi nước biển dâng.

05-38-36_3
Lũ lụt đổ vào Jakarta trở nên nghiêm trọng hơn khi hệ thống thoát nước kém hiệu quả.

Trụ sở hành chính mới sẽ được xây ở khu vực nằm giữa vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan. Việc di dời thủ đô đến nơi cách Jakarta 1.400km sẽ giúp phân tán các hoạt động kinh tế ra khỏi Java, đảo đông dân nhất của đất nước. Chi phí di dời dự kiến sẽ là 466 nghìn tỷ rupiah (33 tỷ USD).
 

“Chạy trốn” một thành phố ô nhiễm, lụt lội

“Là một quốc gia rộng lớn đã độc lập 74 năm, Indonesia chưa bao giờ tự chọn thủ đô của mình”, ông Widodo nói trên truyền hình.

“Gánh nặng mà Jakarta đang chịu hiện nay quá sức”, ông Widodo nói. Ông cho biết tính cấp thiết phải chuyển thủ đô đã được bàn nhiều trong mấy chục năm qua, nhưng chưa được những người tiền nhiệm của ông nêu công khai.

Với một Jakarta 30 triệu dân, giao thông luôn bị tắc nghẽn và ô nhiễm không khí ở mức cao, những nỗ lực nhằm cải thiện giao thông đạt được rất ít tiến triển vì hàng ngàn chiếc ô tô được bổ sung vào giao thông mỗi năm.

Với mật độ hơn 15.000 người/km2, gấp đôi mật độ ở Singapore, còn rất ít không gian để xây thêm nhà nếu không tái định cư hàng ngàn gia đình. Một vấn đề nghiêm trọng khác là 40% diện tích thành phố đang nằm dưới mực nước biển và nhiều khu vực đang chìm thêm 20cm mỗi năm.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo một phần đáng kể của thủ đô được chọn từ thời còn là thuộc địa của Hà Lan này sẽ bị chìm vào năm 2050 nếu tốc độ sụt lún hiện nay tiếp tục.

05-38-36_1
Rừng ở Trung Kalimantan bị phá để trồng cọ dầu.

Tình trạng giao thông tồi tệ của Jakarta là hệ quả của việc thành phố đóng quá nhiều vai trò trong nền kinh tế. Khu vực này tạo ra gần 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia. Tắc đường và hệ thống giao thông công cộng ngốn khoảng 100 nghìn rupiah (7 tỷ USD) mỗi năm vì thiệt hại kinh tế, theo ước tính chính thức.

Chi phí di dời lên đến 466 nghìn tỷ rupiah nếu phải giải phóng và xây dựng trên 40.000 hectare đất cho khoảng 1,5 triệu dân.

Ông Widodo cho rằng việc di dời thủ đô sẽ giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở quốc gia được tạo nên từ hơn 17.000 hòn đảo. Trong khi Java chiếm gần 60% dân số của đất nước và đóng góp khoảng 58% GDP, tỉnh Kalimantan chỉ chiếm 5,8% dân số và đóng góp 8,2% GDP.

Trong hơn một thập kỷ qua, lũ lụt đã tàn phá nhà cửa, xe cộ, công việc làm ăn, đặc biệt tác động mạnh vào những khu dân cư nghèo ở Jakarta. Một số trận lụt còn gây chết người. Trận lụt năm 2007 làm thiệt mạng khoảng 80 người, làm ngập 70.000 căn nhà, theo tường thuật của Business Insider. Rồi đến năm 2013, gần 50 người chết sau đợt mưa lớn khiến một con đê bị vỡ.

05-38-36_2
Đầm lầy than bùn ở Trung Kalimantan bị đốt để lấy đất trồng cọ dầu.

Cần phải nhắc lại rằng, đảo Borneo, đảo lớn nhất châu Á và lớn thứ ba thế giới, có diện tích hơn gấp đôi Việt Nam, không phải là lãnh thổ của riêng Indonesia: Họ chia sẻ hòn đảo này với hai nước khác là Malaysia và Brunei. Phần đảo Borneo thuộc Indonesia chiếm tới 2/3 diện tích, còn lại là Malaysia và một phần nhỏ thuộc Brunei.

Ở Borneo có ít lụt lội hơn nếu so với Java, nơi có thủ đô hiện tại Jakarta. Tốc độ lún sụt ở đây cũng thấp hơn trên đảo Java, ở mức 17cm/năm. Chỉ ¼ dân Jakarta có nước máy và đa số buộc phải khoan giếng lấy nước ngầm. Hoạt động khoan giếng tràn lan cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún ở các khu vực ven biển.
 

Lấy tiền ở đâu?

Về phương án tài chính, Indonesia đang cân nhắc một số kế hoạch tạo vốn cho việc xây dựng thủ đô mới. Hướng đi quan trọng nhất là cho tư nhân thuê đất và bất động sản sở hữu nhà nước ở thủ đô hiện tại là Jakarta, một quan chức Bộ Tài chính nói với tờ Nikkei Asian Review.

Chính phủ Indonesia hy vọng chủ trương này sẽ giúp tạo ra ngân khoản chiếm phần lớn số vốn 33 tỷ USD cần thiết để xây thủ đô mới, hiện vẫn chưa có tên chính thức.

Chính phủ hiện sở hữu hơn 17.800 bất động sản ở khu vực Jakarta. Với chủ trương cho thuê đất và nhà sở hữu nhà nước, chính phủ Indonesia hy vọng sẽ trang trải được khoảng 1/3 chi phí xây thủ đô mới.

05-38-36_4
Một cậu bé bơi thuyền trên phố ở Jakarta trong trận lụt tháng 11/2007.

Các kế hoạch tạo vốn khác bên cạnh việc cho thuê nhà đất công sản gồm: một chương trình trao đổi, theo đó một công ty tư nhân có thể được giao một bất động sản, ví dụ một tòa nhà bộ ngành nào đó ở Jakarta và công ty này phải xây một khu nhà tương tự cho chính phủ ở thủ đô mới; một kế hoạch BOT, theo đó một công ty bỏ tiền xây dựng một khu nhà ở thủ đô mới và đổi lại được quyền vận hành nó trong một thời gian nhất định; vay tiền ngân hàng sử dụng tài sản công làm thế chấp; các công ty nhà nước hoặc cơ quan chính phủ thành lập các liên doanh nhằm vận hành các cơ sở hạ tầng ở thủ đô mới để chia sẻ chi phí xây dựng; bán tài sản công ở Jakarta cho tư nhân.

Chính phủ Indonesia đang chờ quốc hội thông qua dự án và hoàn tất khung pháp lý cho việc dời đô trong năm nay, và kế hoạch tổng thể sẽ được chốt lại trong năm 2020. Việc di dời thực tế sẽ diễn ra từ năm 2024.

Nguy cơ môi trường

Khi trở thành vùng thủ đô mới, Borneo có thể tiếp nhận 1,5 triệu cư dân mới, hầu hết là nhân viên chính phủ và gia đình họ, đến từ Jakarta, theo bộ trưởng quy hoạch.

Để có chỗ ở cho số dân này, chính phủ phải phát triển hàng trăm ngàn ha đất. Dù ông bộ trưởng quy hoạch đã hứa không phá bất cứ khoảng rừng được bảo vệ nào, nhưng phát triển đô thị trên các đầm lầy than bùn có thể giải phóng carbon dioxide vào không khí.

Các vùng đất này cũng cần được hút cạn nước để tạo nền xây cao ốc và đường cao tốc, khiến các cánh đồng cỏ bị khô và hỏa hoạn có nguy cơ xảy ra nhiều hơn.

Việc xây dựng các con đường chắc chắn gây chia cắt các cánh rừng ở Borneo, được mệnh danh là một trong những lá phổi quan trọng của châu Á và thế giới. “Kalimantan là lá phổi của thế giới, và tôi e ngại chúng ta sẽ mất nốt số rừng còn lại”, một sinh viên ở Trung Kalimantan nói với BBC.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất