| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 23/07/2015 , 09:06 (GMT+7)

09:06 - 23/07/2015

Vì sao khó thu hồi tiền tham ô

Việc cơ quan điều tra phát hiện và niêm phong 40 bất động sản mang tên người thân của Giang Kim Đạt là một thắng lợi lớn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ngoài vụ án trên, thì còn hàng trăm vụ án khác, ngay cả khi vụ án kết thúc rồi, việc thu hồi những tài sản do các tội phạm tham ô, làm thất thoát về cho Nhà nước vẫn gặp vô vàn khó khăn, tỷ lệ thu hồi đạt rất thấp (chỉ đạt hơn 22%).

Mới đây, cơ quan thi hành án dân sự vừa ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, vì xác nhận người phải thi hành án trong vụ án tham ô, làm thất thoát tài sản trong vụ án xảy ra tại Vinashin không còn điều kiện thi hành án.

Trong tổng số hơn 1.000 tỷ đồng đó, phần cựu chủ tịch tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình phải thi hành 500 tỷ đồng, nhưng chưa nộp được đồng nào, tài sản thì tay trắng, không biết lấy gì ra mà nộp.

Vụ tham nhũng xảy ra tại Vinalines, các bị cáo tham ô trên 30 tỷ đồng (1,66 triệu USD) làm thất thoát tài sản Nhà nước 370 tỷ đồng trong thương vụ mua cái ụ nổi đồng nát 83M, nhưng đến nay mới thu hồi được 2,8 tỷ đồng tiền mặt, kê biên được vài ngôi nhà, tổng trị giá chưa đầy 30 tỷ.

Bản thân chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines Dương Chí Dũng bị tòa tuyên buộc phải nộp lại 10 tỷ đồng tham ô, bồi thường cho Nhà nước 110 tỷ đồng tiền làm thất thoát. Nhưng ngoài vài tỷ đồng tiền mặt và 2 căn hộ bị kê biên, cũng không còn tài sản nào khác. Vụ đại án Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, đến nay cũng mới thu hồi được một phần rất nhỏ.

Vụ biến cái tàu lặn trị giá 100 triệu thành 130 tỷ ở Cty cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Agribank), riêng Vũ Quốc Hảo, tổng giám đốc Cty cho thuê tài chính II, đã tham ô 79 tỷ đồng và bị tòa tuyên buộc phải trả lại, cho đến nay vẫn chưa trả được đồng nào…

Vì sao việc thu hồi lại số tiền tham ô, làm thất thoát lại khó đến vậy?

Điều dễ thấy là những kẻ tham ô đó, không ai dại gì mà lại đứng tên những tài sản mua sắm được bằng tiền tham ô. Giang Kim Đạt là một ví dụ tiêu biểu. Hai căn hộ cao cấp của Dương Chí Dũng đều do cô bồ nhí đứng tên…

Những người này đều thuộc diện phải kê khai tài sản. Họ đã khai và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là trung thực. Con số do Thanh tra Chính phủ đưa ra mới đây: Trong 1 triệu người kê khai tài sản, chỉ có 4 người thiếu trung thực. Đến khi phát hiện những người đã kê khai tài sản đó tham nhũng, thì đấy, tài sản tôi đã kê khai, được xác nhận là trung thực rồi, còn gì nữa mà thu?

Điều đó đã phản ánh một thực trạng là việc kê khai tài sản của những người có chức, có quyền vẫn còn rất hình thức, rất qua loa. Ngoài ngôi nhà mà họ đang ở, cái xe họ đang đi, thì còn rất nhiều tài sản khác như tiền mặt, kim cương, vàng… Không dại gì họ kê khai, nên không cơ quan nào có thể kiểm soát được. Đó là chưa kể hàng loạt bất động sản có giá trị rất lớn khác bị tẩu tán ngay từ khi kẻ tham ô chưa bị phát hiện, như đã nói ở trên.

Nên chăng, cần xem xét lại phương thức kê khai tài sản, mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, như những người thân của những người có chức có quyền… chẳng hạn. Thì mới mong chặn được tham ô ngay từ gốc.