| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 21/03/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 21/03/2018

Vi sao không tăng lương cho giáo viên, một câu hỏi dành cho hai bộ?

Vì sao hai Bộ Tài chính và Nội vụ lại không đồng ý việc tăng lương cho giáo viên? Câu hỏi này, hơn hai triệu nhà giáo trên cả nước đang chờ được trả lời.

Cách đây chưa lâu, đề xuất của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) về việc xếp lương cho giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và miễn học phí cho bậc trung học cơ sở, đã được xã hội, nhất là hàng triệu giáo viên trên cả nước trông chờ, vì đời sống của các nhà giáo đã hơn một lần làm nóng nghị trường.

Thu nhập của nhà giáo hiện nay là một thứ thu nhập hết sức bèo bọt (Ảnh minh họa)

Nhưng nay thì tất cả đã thất vọng rồi. Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp của UBTVQH kỳ này, cả hai đề xuất trên đều không được nhắc đến.

Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã nêu rõ “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Đã là nghị quyết của Trung ương Đảng, thì Bộ GD-ĐT và các Bộ liên quan nhất thiết phải thực hiện, để nghị quyết được Luật hóa. Nhưng vì sao lại có chuyện thoái thác, không thực hiện một nghị quyết quan trọng như vậy? Hóa ra, sở dĩ Bộ GD-ĐT bỏ hai đề xuất trên trong dự thảo lần này, là do Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không tán thành.

Ai cũng biết, thu nhập của nhà giáo hiện nay là một thứ thu nhập hết sức bèo bọt. Một giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm mới ra trường, chỉ có mức lương trên dưới 3 triệu đồng một tháng. Ngoài ra không có bất cứ một thu nhập nào khác.

Lương một năm của 3 phó giáo sư mới bằng tiền nuôi một chiếc xe công cho một cán bộ cấp huyện. Với mức lương đó, làm sao đủ trang trải cho cuộc sống? Tết đến, trong khi các ngành nghề khác lĩnh hàng triệu tiền thưởng hay tiền lương tháng thứ 13, thì các nhà giáo đành ngậm ngùi nhận dăm ba trăm ngàn. Đó là của những trường có điều kiện. Còn lại thì... suông.

Do thu nhập thấp, nên các thầy các cô đành phải làm thêm rất nhiều công việc phụ để đủ sống: Nào bán hàng trên mạng, nào bán hàng đa cấp. Đã có chuyện rằng ở một địa phương nọ có nghề khâu nón. Một buổi sáng, cô giáo lên lớp, ra bài tập cho học sinh làm rồi gục xuống bàn... ngủ luôn, trống báo hết giờ cũng không biết. Thì ra, đêm qua cô đã trắng đêm khâu nón.

Những cảnh thương tâm như vậy về các nhà giáo, có thể gặp ở khắp nơi. Thu nhập thế, mà yêu cầu nhà giáo phải toàn tâm toàn ý với nghề, là một điều hoàn toàn không tưởng. Cuộc sống đã vậy, nghề giáo lại là một nghề đầy rủi ro. Hàng chục nhà giáo đã bị hành hung, gần đây nhất là cô giáo bị bóp cổ, bị bắt quỳ, và hơn 500 nhà giáo ở huyện Krông Pắc (tỉnh Đăk Lăk) bỗng dưng phải đối diện với nguy cơ mất việc, bị đẩy ra đường, là một minh chứng.

Vì sao hai Bộ Tài chính và Nội vụ lại không đồng ý việc tăng lương cho giáo viên? Câu hỏi này, hơn hai triệu nhà giáo trên cả nước đang chờ được trả lời.