| Hotline: 0983.970.780

Vì sao lễ hội chưa đẹp?

Thứ Sáu 08/03/2013 , 10:56 (GMT+7)

Ý thức người dân, nguyên nhân của mọi vấn đề còn tồn tại, nhưng làm sao để nâng cao ý thức của người dân? Đó không phải là câu chuyện đơn giản.

Hội Lim nhếch nhác với ăn xin, hàng quán; chùa Hương nhan nhản hàng quán treo thịt thú rừng; chen lấn, đạp lên để xin ấn Đền Trần; rác thải bừa bãi dưới chân người hành lễ... Vì sao nét đẹp của lễ hội lại đang bị những hiện tượng này làm mất đi giá trị?

Tại cả đôi bên

Năm nào cũng bị nhắc nhở về tình trạng treo thịt “thú rừng” (thực ra là thú nuôi) tại các hàng quán ở chùa Hương (Hà Nội) nhưng tình trạng này, năm nào cũng tái diễn. Những lần thanh tra, kiểm tra của lãnh đạo Bộ VHTTDL tại địa phương thì lãnh đạo địa phương, BTC lễ hội cũng luôn hứa sẽ nhắc nhở, sẽ kiên quyết… Tuy nhiên, khi những hiện tượng này vẫn tái diễn thì địa phương lại cho rằng, không có chế tài xử phạt.

Dường như đổ lỗi cho khách quan là lý lẽ mà nhiều địa phương đưa ra. Chuyện dẫm lên nhau để xin ấn ở Đền Trần (Nam Định) cũng vậy. Ông Giám đốc Sở VHTTTDL Nam Định từng nói bên lề một cuộc tiếp lãnh đạo Bộ VHTTDL về kiểm tra chuẩn bị cho mùa lễ hội 2013 rằng ông sẽ xin từ chức nếu lễ phát ấn còn vấn đề. Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh người dân trèo lên tận mái đền, dẫm đạp lên nhau để xin ấn là hình ảnh chủ đạo khi phản ánh về lễ hội Đền Trần Lộc Vượng 2013. Sau đó, BTC lại lý giải rằng do lễ khai ấn và ngày đầu tiên phát ấn trùng với ngày nghỉ (tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật) nên lượng khách quá đông, không thể hạn chế nổi nạn chen lấn.


Những hình ảnh phản cảm này dễ bắt gặp tại chùa Hương

Cho rằng, vấn đề nằm ở ý thức người dân, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, khẳng định, những tồn tại của lễ hội đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. “Người Việt Nam chưa có ý thức nơi công cộng, nên mới có câu “sạch nhà rác ngõ”. Không nước nào có văn hóa ăn xong lại vứt rác ngay xuống chân mình nhưng ở nước ta thì lại thế. Vấn đề là ý thức người dân, người tham gia lễ hội", ông Quang nhấn mạnh.

Với vai trò thanh tra ngành, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, cũng cho rằng, nguyên nhân của những hình ảnh không đẹp tại các lễ hội, bên cạnh lượng khách quá đông thì vấn đề nữa là do ý thức của người dân Việt Nam còn kém.

Nâng cao ý thức người dân: giải pháp duy nhất?

Ý thức người dân, nguyên nhân của mọi vấn đề còn tồn tại, nhưng làm sao để nâng cao ý thức của người dân? Đó không phải là câu chuyện đơn giản. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức sau mỗi mùa lễ hội. Các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp để nâng cao ý thức người dân như tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Quy chế lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, nâng cao ý thức của người đi lễ hội. Đây cũng là giải pháp được các nhà quản lý cho rằng nên thực hiện nhiều hơn. Theo đó, các cơ quan báo chí, truyền thông nên vào cuộc nhiều hơn nữa trong việc phản ánh những bất cập, những tồn tại của lễ hội, giáo dục ý thức tự giác, giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong lễ hội.

Tuy nhiên, tuyên truyền mãi dường như vẫn chưa đủ. Phải chăng, một tổng thể các giải pháp vẫn cần được đưa ra, trong đó có những biện pháp kiên quyết hơn, thậm chí là xử phạt và quan trọng là các địa phương tổ chức lễ hội phải thực hiện nghiêm túc.

Ở chùa Hương, ý thức của người dân về việc không đem đồ mặn vào cúng đã được nâng lên qua hai mùa lễ hội gần đây. Bởi nhà chùa đã tích cực tuyên truyền về việc không cúng Phật đồ mặn và kiên quyết không cho người dân đem theo đồ mặn vào lễ. Từ đó, ý thức không đem đồ mặn đi lễ Phật đã được người dân biết đến. Cũng ở chùa Hương đã có mức phạt các hộ kinh doanh xả rác nhưng chưa hề áp dụng mức phạt người dân tham gia lễ hội xả rác. Nếu chỉ tuyên truyền liệu có hiệu quả? Tương tự, với những trường hợp như chen lấn, trèo lên nhau để xin ấn thì nên chăng, không phát ấn cho những người chen lấn? Hay câu chuyện những hộ dân treo thịt thú rừng ở chùa Hương, Ban quản lý di tích cấm các hộ dân treo thịt thú rừng, nếu vi phạm rút giấy phép kinh doanh thì còn hộ nào dám treo thịt?

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, trong việc nâng cao ý thức của người dân, cần bàn tay kiên quyết của địa phương nếu không thì nâng cao ý thức của người dân tham gia lễ hội vẫn chỉ là khái niệm. Xin mượn câu nói của nhà nghiên cứu nhiều năm với lĩnh vực văn hóa dân gian để kết: “Với những hiện tượng mới, làm mất giá trị thực sự tốt đẹp của lễ hội thì phải cấm. Sự thiếu kiên quyết của địa phương phải chăng còn vì yếu tố khác”?

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất