| Hotline: 0983.970.780

Vì sao nên mở rộng trà mùa sớm?

Thứ Hai 14/11/2011 , 10:12 (GMT+7)

Tại sao nên mở rộng mùa sớm, bỏ dần mùa trung? NNVN xin giới thiệu bài viết của ThS Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình để làm rõ vấn đề này.

Đứng trên cầu Lạc Quần, thấy cánh đồng lúa mùa chính vụ 2011 của huyện Xuân Trường (Nam Định) "cháy" vì bệnh bạc lá

Vụ lúa mùa 2011, nhiều vùng ven biển ĐBSH thất thu nặng. Thông tin chúng tôi nhận được, tỉnh bị thiệt hại nhất là Nam Định với khoảng 10.000 ha lúa bị bạc lá, trong đó một nửa diện tích bạc lá rất nặng làm giảm ít nhất 30% năng suất, thậm chí một số diện tích nông dân không muốn thu vì không đủ trả công thu hoạch.

Hầu hết diện tích bị thiệt hại tại Nam Định đều rơi vào trà mùa trung (chính vụ), lúa trỗ muộn vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 gặp đợt không khí lạnh kéo dài làm lúa bị đen lép hạt và đặc biệt nhiễm nặng bạc lá trên các giống nhiễm như BT7, Bác ưu...Thực tiễn chỉ ra, lúa mùa trung luôn chịu rủi ro cao, thế nên cơ cấu mùa vụ hiện nay ở phía Bắc luôn khuyến cáo làm xuân muộn - mùa sớm - vụ đông.

Tại sao nên mở rộng mùa sớm, bỏ dần mùa trung? NNVN xin giới thiệu bài viết của ThS Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình để làm rõ vấn đề này. 

Mưa và bão chi phối năng suất

Ở vụ lúa mùa, khác hoàn toàn với vụ xuân, nền nhiệt phần lớn không phải là yếu tố chi phối chính, vì nhiệt độ cả vụ mùa thường là ngưỡng thích hợp cho lúa sinh trưởng và kể cả giai đoạn phân hóa. Nhiệt độ trung bình tuần tuần và trung bình tháng ở khu vực đồng bằng sông Hồng thường chỉ 29-32oC, ngưỡng nhiệt này gần như tối thích cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, số ngày nắng nóng nhất lại thường chỉ xảy ra ở cuối tháng 6 đầu tháng 7, khi lúa xuân gần kết thúc thu hoạch và làm đất cho lúa mùa.

 Do vậy mưa bão được xem là yếu tố tác động lớn nhất đến năng suất lúa mùa. Ảnh hưởng này chủ yếu ở giác độ: Mưa lớn gây ngập lụt, làm lúa bị chết ngay sau cấy, nếu có thoát tốt thì do nước ngập sâu ngay giai đoạn vào đẻ nhánh nên lúa sẽ bị hạn chế đẻ nhánh, kéo dài thời gian sinh trưởng hơn, và thường các yếu tố cấu thành năng suất ở vụ mùa thấp hơn vụ xuân, trong đó phải kể đến số bông/khóm, số hạt chắc trên bông và khối lượng hạt. 

Mưa bão ở vụ mùa cũng kéo theo nhiều tác động khác như: Mưa làm nước mặt ruộng cao sẽ ém sâu tất cả các yếu tố hạn chế (phèn, mặn...), mưa rào sấm chớp cũng cung cấp thêm đạm từ khí trời và vì vậy vụ mùa bao giờ nhu cầu đạm cũng thấp hơn vụ xuân, và cũng vì từ nguồn đạm đó nên lá lúa xanh hơn, mềm hơn, mỏng hơn... kéo theo việc hấp dẫn sâu bệnh mạnh hơn, bệnh bạc lá, một loại bệnh lan truyền do vi khuẩn, gặp mưa, bão làm tổn thương, rách lá thì bạc lá sẽ lan nhanh và gây hại rộng hơn, nặng hơn rất nhiều, nhất là với các giống mẫn cảm, nhiễm bạc lá được gieo cấy với tỷ lệ lớn ở vụ mùa những năm gần đây như BT7, Thiên hương, T10, một số giống lúa chất lượng, nhóm giống lúa lai hệ Bác ưu chưa có gen kháng bạc lá...

Thực tế ở các tỉnh đồng bằng ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... vụ mùa, tùy năm có những cánh đồng bệnh bạc lá gây hại khô cháy gần như mất hết lá đòng và lá công năng, ở chân ruộng này năng suất lúa mùa suy giảm đến 40-50%.

Trà mùa sớm - từ góc độ khí tượng và thực tế

Lúa mùa ở ĐBSH trước đây không xa còn phân ra các trà: Mùa sớm, mùa trung và mùa muộn; khi mà nhóm giống phản ứng với ánh sáng ngày ngắn (các giống lúa mùa địa phương, giống Mộc Tuyền, Bao Thai lùn, nhóm giống dài ngày ở vụ mùa…) không còn được gieo cấy nhiều, khái niệm mùa muộn theo đó cũng lùi dần; còn lại mùa sớm và mùa trung.

Mùa sớm hay mùa cực sớm được gieo vào đầu tháng 6 dương lịch và cấy kết thúc trong tháng 6, trà mùa trung thường được gieo mạ cuối tháng 6 chớm sang đầu tháng 7 và cấy từ 15 đến 25 tháng 7, thậm chí nhiều vùng bà con nông dân làm đất chậm, thiếu lao động cấy sang 10 tháng 8. Các huyện giáp biển của Thái Bình và Nam Định thường đến 10/8 mới cấy xong.

Các trà lúa vụ mùa được phân tích dưới góc độ thời tiết cho thấy: Mùa sớm nếu cấy trong tháng 6, nhất là trước 25 tháng 6 sẽ né được mưa lớn sau cấy gây ngập lút lúa khiến lúa chết. Số liệu theo dõi mưa gần 20 năm trở lại đây cho thấy cao điểm mưa, mưa với cường độ lớn ở khu vực ĐBSH và phía Bắc thường có 2 giai đoạn: khoảng 1 xung quanh 10 tháng 7 và khoảng 2 xung quanh 10- 20 tháng 9, mưa với lượng trên 100mm theo đợt xảy ra với tần suất cao hơn 75%.

 Như vậy trà sớm nếu cấy được trong tháng 6, và nhất là xong trước 25/6 thì lúa đã cơ bản đẻ rộ và chiều cao cũng đã đạt được ở mức khiến mưa lớn khó làm ngập lút lá. Các trà cấy sau có thể sẽ phải đương đầu với ngập lút ngay sau cấy kể cả khi lúa vừa bén rễ hồi xanh. Theo dõi 10 năm gần đây, trà lúa mùa cực sớm và sớm gần như đều “ung dung” hơn trong việc bơm tiêu úng cho lúa mùa, vụ mùa 2008, vụ mùa 2009 và 2010 đều gặp các trận mưa lớn vào tuần 1 tháng 7 và kéo sang đầu tuần 2.

Với cao điểm mưa thứ 2 trong mùa, khi đó trà mùa sớm cơ bản đã trổ bông thụ phấn xong, và ở vào giai đoạn chắc xanh, lá lúa đã trở nên dầy, cứng hơn và khi đó dinh dưỡng được tập trung nuôi hạt, vì vậy mà tác động của bệnh bạc lá ở giai đoạn này thường cũng nhẹ hơn. Bệnh bạc lá ở vụ mùa bao giờ cũng có sự tương quan khá chặt với lượng mưa và bão, vụ nào, năm nào mưa nhiều, mưa kéo dài cộng với sự đổ bộ của bão nhiệt đới, thậm chí có tháng 2- 3 cơn đổ bộ trực tiếp hoặc ảnh hưởng thì năm đó bạc lá xảy ra dữ dội hơn.

Trà lúa mùa trung chính là trà phải đối mặt với nguy cơ này lớn nhất bởi lẽ: Cao điểm mưa, bão thứ hai trong vụ trùng với giai đoạn “nhạy cảm” của trà này, lúa mang đòng già và chuẩn bị trổ hoặc cấy sớm hơn thì đang trổ bông phơi màu, khi đó tác động kép làm giảm năng suất vừa làm tỷ lệ lép cao do bất thuận cho việc thụ phấn, thụ tinh mà còn cả do lá công năng bị thiệt hại do bệnh. Trà này cũng còn phải đối mặt với bệnh lùn sọc đen do virus lan truyền từ rầy lưng trắng, rầy xám (bài học từ vụ mùa 2009, 2010 ở Nghệ An, Nam Định, Thái Bình).

Theo dõi năng suất trà sớm cấy trước 5 tháng 7 của những năm gần đây đều cho năng suất cao trên dưới 55 tạ/ha, vùng thâm canh trên 60 tạ/ha, và thực tế các địa phương như Hà Tây cũ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, ngay cả các huyện phía bắc của Thái Bình trà lúa này cũng liên tục được mùa.

Trà lúa mùa sớm lại né tránh được chí ít là 1-2 lần phòng trừ sâu bệnh đục thân, cuốn lá và rầy cuối vụ. Và rầy thì đã và đang chuyển cực từ vụ xuân sang vụ mùa. Càng mùa muộn càng đối mặt dữ dội hơn với nạn rầy nâu, rầy lưng trắng và cứ cái vòng luẩn quẩn, chi phí thì cao, năng suất thì thấp, sản phẩm thì không an toàn, môi trường thì ô nhiễm...

Trà mùa sớm quyết định vụ đông

Ngành NN- PTNT nhiều địa phương khi xây dựng đề án sản xuất đã tính đến cả một chuỗi liên hoàn, lúa vụ xuân, lúa vụ mùa, trong đó tỷ lệ cơ cấu của trà mùa sớm đã gia tăng khá nhanh, đồng thời đẩy mùa trung lên sớm hơn so trước đây, thường thì trà mùa sớm sẽ được cấy kết thúc trong tháng 6 chậm là 5 tháng 7, trà lúa mùa còn lại sẽ kết thúc trước 20 tháng 7, rất nhiều vùng bà con cấy kết thúc trước 15 tháng 7, thậm chí 10 tháng 7 đã là cơ bản.

Lợi thế hiện nay là chúng ta có bộ giống lúa cảm ôn ngắn ngày khá phong phú, phần lớn nhóm giống này có TGST chỉ 100-105 ngày, và theo đó thì thời gian từ cấy đến trỗ bông chỉ 52-55 ngày. Có những giống thuần hoặc lai chống chịu tốt hơn với bạc lá thì sẽ an tâm hơn rất nhiều. Thời gian lúa trổ bông phơi màu sẽ len vào khoảng có tần suất mưa, bão thấp của vụ và vì vậy những tác động xấu nói trên sẽ được giảm thiểu nhiều hơn.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất