| Hotline: 0983.970.780

Vì sao ngày nay có quá nhiều đôi trung niên hoặc trẻ nữa bỏ nhau?

Thứ Tư 06/06/2018 , 06:50 (GMT+7)

Lá thư này vì vậy không xin cô bất cứ chuyện gì từ gia đình nhỏ của cháu mà chỉ muốn nghe cô, vì sao các đôi vợ chồng lứa của chúng cháu sẵn sàng ly dị để rồi, cũng quay về công thức cũ là chồng vợ phải bao dung...

Cô kính mến!

Cháu là người sống theo mô hình chồng đi làm vợ ở nhà nội tướng. Muốn nuôi dạy được con thời nay, nội tướng cũng phải có trình độ, hiểu biết, cập nhật. Hồi đại học cháu cũng đâu có nghĩ mình sẽ ngồi nhà ôm con. Số phận đưa đẩy, chồng cháu lập công ty, vợ chồng cùng làm, sau trụ sở công ty tách khỏi nhà cháu, cháu sinh con rồi ở nhà, cho đến hôm nay.

Chuyện vợ và chồng, thời buổi làm ăn nhá nhem trước kia và hiện nay cũng chưa được cải thiện nhiều, cháu biết những khoảng tự do mà vợ phải cho chồng để chồng xoay xở. Ví dụ như chuyện bao ăn bao chơi cho đối tác khi cần. Ví như chuyện dưới gầm bàn với ông nọ ông kia cho trót lọt. Ví như nhiều chuyện ví như khác mà ai cũng biết.

Hai vợ chồng hai đứa con, vợ chồng thời son trẻ cho đến trung niên, chúng cháu cũng qua bao nhiêu đoạn lên bổng xuống trầm. Nhưng sao nhiều người cũng như cháu mà không vượt qua được. Như chuyện các cô chân dài mồi chài, như chuyện nợ chéo nợ, người ta nợ mình khiến mình nợ người khác. Như chuyện nhà cửa xe cộ ăn học cho con…gì họ cũng mâu thuẫn nhau rồi ra tòa. Cháu có bốn đứa bạn thân thì ba đứa đã ly dị rồi.

Chồng cháu một lần khiến cho chúng cháu suýt phải bỏ nhau vì một cô chân dài bên đường. Phải lâu lắm cháu mới vượt qua chuyện đó dù cứ tặc lưỡi, gái cắt tóc gội đầu để bụng làm chi. Rồi anh ấy hai lần khiến tiền bạc về mo, công ty suýt phá sản. Đó là công thức, cháu nghiệm ra, công thức cho từng đôi trong cuộc sống hỗn tạp ngày nay, rằng là phải có biến cố nhưng cái cách ta sống sót và ngoi lên như thế nào.

Lá thư này vì vậy không xin cô bất cứ chuyện gì từ gia đình nhỏ của cháu mà chỉ muốn nghe cô, vì sao các đôi vợ chồng lứa của chúng cháu sẵn sàng ly dị để rồi, cũng quay về công thức cũ là chồng vợ phải bao dung, thấu hiểu để không bị chết chìm, phải keo sơn khi gian nan, phải, điều này mới quan trọng nhất nè cô, phải biết đủ để mà đủ, tham thì thâm, biết vậy nhưng sao ai cũng húc đầu vô để rồi tan cửa nát nhà, đổ vỡ hết cả.

---------------------

Cháu thân mến!

Trước hết, lá thư cho thấy cháu rất trình độ, rất từng trải, tóm lại, rất văn minh. Việc vợ có trình độ mà chọn giải pháp ở nhà nuôi con khỏe dạy con ngoan không phải mô hình lạc hậu. Người Mỹ, người Nhật và nhiều phụ nữ ở các nước hiện đại khác đã chọn kiểu sống vợ chồng theo cách này, vì không dễ thuê mướn người và phó thác cho người ta. Đầu tiên, cháu đã chính xác và không mặc cảm nên cháu đã thành công, ấy là kiến trúc cơ bản cho cả gia đình nhỏ của cháu.

Cô đồng cảm với cháu, rằng, đôi vợ chồng nào cũng phải trải qua những biến cố thông thường, rất hay gặp : nguy cơ ngoại tình, nguy cơ phá sản, nguy cơ con hư, nguy cơ bênh tật nay y…Lúc này mới biết người phụ nữ vợ hay hoặc kém, tốt tính hoặc xấu tính, bao dung hoặc cố chấp, sáng suốt hoặc tối tăm. Chồng cháu có lẽ là một người may mắn nên có được người nội tướng như cháu.

Vì sao ngày nay có quá nhiều đôi trung niên hoặc trẻ nữa bỏ nhau? Theo cô, do thời thế, trào lưu, cái tôi và cuộc sống nhiều biến cố quá. Ở các nước chúng ta gọi là văn minh cũng vậy thôi, họ quan niệm hẳn, sống đời với nhau khó quá mà cũng kỳ quá, ai lại đi gắn bó hết đời với chỉ một người. Việc bỏ nhau nhẹ nhàng như thay ra cái áo, thay cái va ly cũ, nhưng họ khá khôn ngoan là ít ghen tuông, để bụng, thù hằn. Dù vậy, cũng có những đôi đầu bạc răng long, cực kỳ được ngưỡng mộ.

Nhưng đặc điểm ở ta là lòng tham chiếm lĩnh số đông chúng ta. Ban đầu chỉ ước một ngôi nhà đơn sơ, cơm ba bữa. Rồi khá lên, lai ước nhà lầu xe hơi, rồi lại ước biệt phủ, siêu xe, hàng hiệu, cao lương mỹ vị…Chết, con người ta chết khi chỉ nhìn lên mà không chịu nhìn xuống, không giới hạn tham sân si, không thấu hiểu đời vô thường, mọi thứ đều vô nghĩa khi ta nằm xuống, tay không, mình không.

Dù cho chung quanh ba đào, cháu hãy vẫn cứ một phương châm biết đủ là đủ, cháu nhé. Không ai dám nói mình giàu nhất, cũng như không ai nghĩ mình nghèo nhất. Ta giàu có người giàu hơn, ta nghèo có người nghèo hơn. Thong dong tự tại đi rồi cháu sẽ bước qua một giai đoạn khác của vợ chồng, xuống dốc. Khi xuống cũng có người lật ngang, đổ vỡ ấy chứ, lên khó thì khi đã xế, cũng không dễ dàng. Mọi thứ phải có nghệ thuật, xế rồi sẽ già hẳn.

Cô rất có cảm tình với lá thư tâm sự chuyện đời này. Chúc cháu giỏi giang như vậy và cứ bình tâm như vậy, đến già.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm