| Hotline: 0983.970.780

Vì sao nông dân bỏ ruộng?

Thứ Tư 19/06/2013 , 09:51 (GMT+7)

Vào vụ HT năm nay, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã bỏ ruộng.

Vào vụ HT năm nay, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã bỏ ruộng.

Ông Nguyễn Duy Viên - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất (xã An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) chia sẻ: “Có mấy nguyên nhân chính để bà con không mặn mà với việc gieo cấy vụ HT. Đó là giá thóc thấp làm không có lãi; rủi ro do sâu bệnh, chuột và thiên tai rất lớn. Nhiều năm, lúa đã gặt vào nhà nhưng gặp mưa lũ không phơi phóng được đành để thóc lên mầm”...

Chật vật vụ hè thu

Theo lịch nông vụ HT, Quảng Bình đến khoảng 20/6 là kết thúc gieo cấy để thu hoạch chạy lũ. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có tình trạng người dân bỏ ruộng. Chuyện bỏ ruộng không chỉ ở vùng sản xuất khó khăn mà xảy ra ở những nơi được xem là “bờ xôi ruộng mật”.

Xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) được xem “vựa” lúa của huyện với những thành tích áp dụng giống mới có năng suất và chất lượng; năng suất lúa có những lúc lập kỷ lục và luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Thế nhưng, vào vụ HT này đã có gần 50 ha ruộng bị... ngó lơ. Trên cánh đồng ngoài hơn trăm ha không còn thấy không khí nhộn nhịp như trước đây. Ruộng liền thẳng cánh, những tuyến đường giao thông nội đồng dọc ngang như bàn cờ cũng thưa thớt xe bò kéo chở phân, giống... ra ruộng. Ông Nguyễn Duy Viên - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho hay: “Năm nay, kế hoạch của chúng tôi làm 130 ha. Đến nay, thực hiện được trên 90 ha. HTX cũng đã cày xong 17 ha nhưng bà con nông dân không mặn mà gì. Diện tích còn lại thì đang để nguyên vậy”. Hỏi vì sao có hiện tượng nông dân bỏ ruộng ở vùng đất “vựa” lúa này, ông Viên chậm rãi:

- Nguyên nhân có nhiều, nhưng chỉ hai điều chính đó là giá lúa thấp quá, trong khi giá phân bón, thuốc BVTV, ngày công tăng cao nên cân đối lại, bà con thấy lỗ hoặc chưa có tiền công sức bỏ ra. Mặt khác, vụ HT luôn đối mặt với rủi ro cao. Nhiều khi thấy hạt lúa vàng rực, lúa vào tận nhà rồi nhưng chưa hẳn đã chắc ăn... vì lụt. 


Mô hình chuyển đổi trồng ớt XK cho thu nhập cao ở Cự Nẫm (Bố Trạch)

Chúng tôi về vùng Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) nơi có cánh đồng Ông Đồng rộng đến cả ngàn ha. Theo nhiều bà con nông dân, vụ ĐX vừa qua được xem là bội thu. Tuy nhiên, giá thóc lại xuống thấp nhất so với mấy năm gần đây. Tính toán của bà con là không có lãi nên cũng khó mà chăm lo đồng áng. Ông Nguyễn Thặng (xã Gia Ninh) bật ngón tay tính toán như đi buôn lúa mới về: “Hiện bà con phải chi phí cho một sào lúa (500 m2), gồm các khoản chủ yếu sau: Nhóm cày bừa, giống hết 335 ngàn đồng. Nhóm phân bón, thuốc BVTV hết 300 ngàn đồng. Nhóm công gieo cấy, tỉa dặm, gặt, vận chuyển về... hết hơn 800 ngàn đồng. Tổng chi phí vào khoảng 1,4 triệu đồng. Quy ra mỗi ha chi phí khoảng 28 triệu đồng. Nếu năng suất đạt trung bình 6 tấn/ha và giá thóc ở mức 4,5 triệu đồng/tấn thì có tổng thu 27 triệu đồng. Trừ chi phí nông dân lỗ 1 triệu đồng/ha. Nếu giá tăng lên trên 5 triệu đồng/tấn thì bà con mới có lãi một chút”.

Nghe cách tính của ông Thặng, nông dân Nguyễn Quốc cũng “nóng gáy” vào đề: “Ấy là bác Thặng chưa đề cập đến “bách cập” (ông này nói trại tiếng bất thành bách) trong việc ngày công. Chẳng hạn như em đây, gặt một sào ruộng cũng mất gần hai ngày có cả vợ con phụ giúp. Mất hai công phụ xây của em là vị chi 300 ngàn đồng. Có nghĩa là làm sào ruộng khoán em lỗ “thẳng cẳng” 50 ngàn đồng, cộng với mất toi hai ngày công thợ nữa là “tổng mất” 350 ngàn đồng. Nên chi vụ này em xin “nghỉ phép” chạy kiếm công thợ cho chắc ăn. Cuối ngày em còn được khoản đãi bữa rượu với cá trê phi nuôi nướng chấm mắm thơm lừng của gia chủ”. Thông tin từ các nông dân này còn cho hay, có nơi bà con không gieo cấy lúa HT mà bán lại đồng ruộng cho các hộ thả nuôi vịt đàn với giá 50 ngàn đồng/sào (1 triệu đồng/ha). Nghe thủng chuyện, ông Thặng đập tay xuống đùi ông Quốc một phát đau điếng, làm ông Quốc la như cắt tiết vịt: “Chu cha, rứa là họ khôn rồi. Không phải lo lắng chi cả cũng thu được món tiền khá”.

Tại Lệ Thủy có hơn 6.000 ha đầy đủ các yếu tố để sản xuất vụ HT, với năng suất cao (trên 50 tạ/ha), nhưng bà con không làm, mà dùng làm lúa tái sinh. Theo nông dân Nguyễn Văn Hải (xã Lộc Thủy) thì cho dù năng suất lúa tái sinh khoảng 20 tạ/ha, chỉ bằng 40% năng suất lúa gieo cấy HT nhưng bà con vẫn mặn mà. Điều này đã làm giảm sản lượng lúa của huyện đến gần hai ngàn tấn trong một vụ HT. “Biết vậy, nhưng làm HT thì bà con từ huề vốn đến lỗ nếu như giá lúa không cao. Ngược lại, làm tái sinh thì bà con cầm chắc kiếm được vài triệu bạc vì các khoản chi phí không đáng kể” - ông Hải bộc bạch.

Không nhất thiết là lúa

Theo ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì định hướng của ngành là không nhất thiết phải làm lúa. Ngành đang xây dựng những mô hình chuyển đổi phù hợp và có hiệu quả cao. “Có thể việc bà con bán ruộng cho hộ chăn nuôi vịt đàn cũng là vấn đề cần quan tâm vì đó cũng là cách chuyển đổi phát huy được hiệu quả. Mặt khác, cũng phải mạnh dạn đưa cây trồng có kinh tế cao vào thay cây lúa” - ông Khoa nhấn mạnh.

Diện tích lúa vụ HT bị bỏ ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình từ vài chục đến gần trăm ha. Dù con số chưa đến mức báo động nhưng cũng phải có tính định hướng tốt cho quá trình phát triển đối với bà con.

Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây hoa màu có năng suất chất lượng cao để nâng cao thu nhập là điều cần làm. Tại xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), có 60 hộ dân đã thực hiện chuyển đổi trên 4 ha đất trồng lúa ở vùng Cồn Me sang trồng đậu xanh và dưa hấu. Ông Lê Thế Triển - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài 100% giá giống đậu xanh được ngân sách huyện hỗ trợ, chúng tôi trích từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã hỗ trợ nông dân mua các loại thuốc BVTV và thực hiện các khâu làm đất, mỗi ha được hỗ trợ 4 triệu đồng”.

Cũng bàn luận theo chuyển đổi cây trồng, nhóm nông dân như ông Thặng, ông Quốc bàn nhau đến các xã mà qua thông tin trên báo cho hay nông dân ở đó chuyển sang trồng ớt xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Ông Quốc hứng giọng: “Ngày mai, dằn một bụng cơm thật no, em đèo bác ra xã Cự Nẫm (Bố Trạch) xem họ trồng ớt thế nào mà học hỏi rồi về mà làm. Giá thấp nhất mà mỗi ha thu được gần trăm triệu là bà con ở làng mình cũng thích mê tơi rồi bác hè”.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.