| Hotline: 0983.970.780

Vì sao xập xệ?

Chủ Nhật 14/04/2019 , 09:10 (GMT+7)

Mùa thu 1984, tôi đi từ Hà Nội về Nam bằng tàu hỏa. Lần đầu sân ga và đường tàu háo hức nhờ quá yêu "Tàu đêm năm cũ" của Lam Phương.

Ảnh minh họa

Nguyễn Quang Thân mách cho “32 chước đi tàu”, trong đó có chước “ngồi mà vẫn ra tiền”. Nghĩa là đi vé dân đen, rẻ bằng nửa vé nằm, xuống ga Sài Gòn mua lại vé nằm cũ mà dân phe vé mua đi bán lại nhan nhản. Vé ấy kẹp vào giấy công tác về thanh toán với cơ quan. Hồi ấy vé không ghi tên, vu vi rất dễ. Tiền dôi ra để xài phí dọc đường và mua quà cho người thân. Anh ấy bày cho nhưng giống như anh dạy bơi mà chưa chi đã ném ùm tôi xuống nước.

Tàu 72 giờ, không có lựa chọn khác. Đầu máy sặc hơi nước mù mịt ngộ nghĩnh như phim. Những khoang ngồi cho dân thường lẫn với cánh buôn đường dài và công chức đi chui (sau này Nguyễn Quang Thân phải ra Bắc vào Nam kiểu này, bởi đi thăm bồ thì Công lệnh đâu để mua vé chính thức!). Ghế gỗ hai người một băng, đàn ông treo võng nhưng võng xệ quá, lưng người võng cứ cạ qua cạ lại người tôi như cố ý, vậy là tôi bắt chước cánh con buôn trải giấy báo qua đêm trên sàn tàu, chân thò ra giữa đường đi, sấp mặt nghe cái mùi lưu cữu được định nghĩa là “mùi nhà tàu”, mùi của chúng sinh. Bù lại, ba ngày ngồi ngắm và nghĩ, nhìn được bên trong một cơ thể với tim gan phèo phổi. Thú vị không, thú vị! Cảnh có đẹp không, đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi! Dân sao, dân nghèo thê thảm! Sau có đi nữa không, đi chứ, đi ra với người tình, đi về với con cái, đi chứ, ngồi mà ra tiền, sao không?

Phẩm giá là cái gì đó cao siêu nhưng có thật và phải được hiện hữu. Chúng tôi chỉ ma lanh gói ghém bằng những khe hở nhỏ của những qui định như mạng nhện trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Rồi đầu máy hơi nước kết thúc sứ mệnh lịch sử. Thời gian đi tàu còn 64 giờ, rồi 56 giờ và có tàu suốt đặc hiệu S1, S2 chỉ 34 giờ. Vẫn còn cảnh trẻ con ném đá lên tàu, hỏi chúng bảo ngứa tay nhưng bố mẹ chúng lý giải, rằng nhà tàu thản nhiên thả chất thải xuống đường, dân sở tại lãnh đủ. Ra thế! Cuối cùng, ngành đường sắt chính thức sửa sai và nạn ném đá cũng biến mất.

Sau này khi đã “về một mối”, chúng tôi thong dong tàu nằm, nhưng vẫn cứ giường tầng trên vừa rẻ vừa không bị “chiếm đóng”, “nằm cũng ra tiền, tại sao không?”. Sau này nữa, tàu có buồng máy lạnh bốn giường, có cả buồng dành cho người đi trăng mật. Và rồi máy bay giá rẻ lên ngôi. Chúng tôi bái bai đường sắt. Bỗng rộ lên chuyện sẽ thay tàu cũ bằng tàu cao tốc. Chấn động! Nó không phải giấc mơ mà là ác mộng biết trước. Cao tốc Bắc - Nam sẽ xuyên Việt, xương sống của quốc gia là rừng sâu núi cao, là những nơi hiểm yếu như huyệt đạo, chưa kể tốn kém vô cùng, nguy hiểm vô cùng và những hệ lụy an ninh khôn lường. Dư uận sôi lên không khí Diên Hồng, đánh hay không đánh!

Mùa hè 2010 chúng tôi đi châu Âu, rắp tâm sang đó phải ngồi cao tốc cho biết. Nhất định nhé, đi cho biết và về còn để viết báo phản biện. Từ Budapest, ngồi liên vận sang Đức và từ Đức sẽ sang Pháp bằng TGV (Train à Grande Vitesse). Nói là liên vận quốc tế nhưng Hungary hậu xã hội chủ nghĩa, tàu hỏa xưa cũ ậm ạch trễ 4 tiếng đồng hồ so với lịch trình.

Chúng tôi phải đi “đấu” với đại diện của tàu liên vận phía Hung đặt trong nhà ga Munich rộng bằng một thị trấn. Chao ơi, vé nối tự check-in, người đến người đi rầm rập nghẹt thở, mỗi chuyến tàu chỉ có vài phút để lấy khách rồi lao như tên bắn vào mênh mông. Chúng tôi ngao ngán hỏi, bao giờ dân mình đủ trình độ để đi tàu kiểu này? Người Nhật ư, đừng quên họ là nước Nhật!

Năm 2015 chúng tôi thử đi lại tàu hỏa Nam - Bắc để biết nó ra sao. Vẫn mùi nhà tàu bệ rạc, vẫn kiểu phục vụ nhát gừng của cánh nhân viên, vẫn không đủ giấy trong toa-lét, vẫn phải cảnh giác khâu vệ sinh trong bữa ăn và, khi phát hiện một con gián nhỏ trong hộp canh, Nguyễn Quang Thân phát khùng. Năm 1980 anh có “Người không đi cùng chuyến tàu” suýt bị treo bút bởi câu “Tôi phản đối những người lái tàu hôm nay”...

Xập xệ hơn, xập xệ hơn xưa nhiều và những tai nạn liên tiếp những năm gần đây cho thấy, có phải đường sắt đang bị thả nổi? Không dưng mà ngài bộ trưởng nói rằng nhà thầu Trung Quốc sẽ khiến dự án nhanh và rẻ hơn Mỹ hơn Nhật. Nhanh và rẻ, rõ rồi, nhưng thòng lọng nợ thì sao? Lại không khí Diên Hồng vì qua dư luận người dân nhắc nhở “khéo ăn thì no khéo co thì ấm” và, đường sắt cũ vẫn hữu dụng cho dân nghèo, cho kinh tế du lịch và cho quốc phòng, xin đừng khiến dân bất an thêm!

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm