| Hotline: 0983.970.780

'Vì sức khỏe của bạn, chúng tôi luôn sẵn sàng'

Thứ Tư 02/03/2022 , 14:37 (GMT+7)

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp có thư gửi cán bộ ngành NN-PTNT, thể hiện niềm tin, sự chia sẻ, đồng hành trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

LTS:

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cùng Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tân Trang - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa Nông nghiệp và các đồng nghiệp có thư gửi cán bộ ngành NN-PTNT, thể hiện niềm tin, sự sẻ chia, đồng hành với cộng đồng, với cán bộ ngành nông nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đồng thời lưu ý một số vấn đề về phòng và điều trị F0. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đại dịch Covid-19 quá tàn khốc đã làm thay đổi khoa học - kinh tế - văn hóa - xã hội, nhất là thời kỳ chưa có vacxin phòng bệnh. Việc phát hiện ra vacxin là một cuộc cách mạng giúp loài người khống chế, ngăn chặn bệnh dịch này, đặc biệt là hạ thấp tỷ lệ bệnh nặng và người bệnh tử vong.

Cho đến nay tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản và nhắc lại đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên virus cũng biến đổi thành nhiều biến chủng khác nhau, vì thế không giảm được số người nhiễm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan động viên đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lên đường hỗ trợ Bắc Giang tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan động viên đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lên đường hỗ trợ Bắc Giang tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với người đã được tiêm vacxin khi nhiễm phần nhiều không có triệu chứng (những người có kháng thể cao và sức đề kháng tốt), vì vậy người bệnh (F0) và người tiếp xúc gần (F1) trong cộng đồng là rất nhiều, không thể xác định được. Bởi vậy xác suất mỗi chúng ta bị nhiễm virus là rất lớn.

Một số ít có biểu hiện triệu chứng nhưng thường nhẹ như cúm: sốt nhẹ, ho ít, rối loạn khứu giác, đau mỏi người và tự hết sau 2-5 ngày (chưa cần điều trị, nhanh hết triệu chứng hay chậm cò phụ thuộc vào cơ địa và sức đề kháng của mỗi cá nhân).

Bệnh nhân chuyển nặng rất ít, thường gặp ở đối tượng chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản; Đặc biệt lưu ý là những bệnh nhân cao tuổi (>70 tuổi), có bệnh nền nặng: Suy thận, suy tim, COPD, đái tháo đường có biến chứng, tai biến mạch não… Những trường hợp này bắt buộc phải được điều trị tại bệnh viện.

Như vậy, cán bộ công nhân viên chức và người lao động thuộc Bộ NN-PTNT chắc chắn không thuộc đối tượng nguy cơ chuyển nặng (cao tuổi, có bệnh nền nặng); và đã được tiêm đủ liều vacxin. Do đó, nếu nhiễm virus, bệnh sẽ không biểu hiện, hoặc biểu hiện triệu chứng nhẹ, hiếm có khả năng chuyển nặng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tặng hoa cho đoàn công tác trước khi lên đường Bắc Giang tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tặng hoa cho đoàn công tác trước khi lên đường Bắc Giang tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thực tế những ngày gần đây, tỷ lệ người dân nhiễm Covid-19 cao làm mọi người lo lắng quá mức, đã truyền miệng nhau tự mua test thử thường xuyên, mua thuốc không cần đơn, mua máy đo nồng độ O2,... Đó là việc không cần thiết và không nên, làm lũng đoạn thị trường thuốc và vật tư y tế, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người dân và kinh tế - xã hội.

Chúng ta không nên áp dụng gói thuốc cơ bản phát cho mỗi bệnh nhân tự điều trị tại nhà như trước đây, bởi những nội dung đã được nêu trên. Trong khi hệ thống y tế của chúng ta vẫn đáp ứng được nhu cầu khám và tư vấn cho người bệnh.

Vì sức khỏe của cộng đồng nói chung, của cán bộ công nhân viên chức và người lao động thuộc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp và Bộ NN-PTNT nói riêng, thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp luôn đồng hành chia sẻ, tư vấn, tổ chức cơ sở điều trị kịp thời, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cán bộ ngành chúng ta.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Hà Hữu Tùng (trái), Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp dặn dò các y, bác sĩ trước khi lên đường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS. Hà Hữu Tùng (trái), Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp dặn dò các y, bác sĩ trước khi lên đường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để công tác phòng chống dịch Covid-19 - bảo vệ sức khỏe đạt hiệu quả cao, tinh thần chủ động tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định, chúng tôi cung cấp một số thông tin và hướng dẫn mang tính nguyên lý để mỗi người thực hiện, khi cần đừng ngần ngại phối hợp với cán bộ y tế.

Tóm tắt bệnh học của Covid-19

Covid-19 là bệnh do virus Corona gây nên và xâm nhập vào cơ thể người từ đường hô hấp, trực tiếp thông qua hơi thở/giọt bắn nước bọt hoặc gián tiếp qua trung gian bàn tay vật dụng có virus từ người bệnh. Dễ bị tiêu diệt bởi điều kiện môi trường tự nhiên, với nhiệt độ 70 độ C bị bất hoạt sau 5 phút; Tiêu diệt nhanh bởi cồn 70 độ hoặc Cloramine.

Sau khi xâm nhập qua đường mũi họng, virus bám dính, xâm nhập tế bào và nhân lên (ủ bệnh 3-5 ngày), gây bệnh tại đó: Mũi - họng có cảm giác khác thường, giảm hoặc mất khứu giác cơ thể phản ứng sốt từ nhẹ đến cao. Virus tiếp tục gây bệnh tại phế quản - phổi nên ho nhiều, khạc đờm, nếu nặng sẽ khó thở và giảm trao đổi oxy làm nồng độ oxy trong máu giảm (đây là các phản ứng có hại); tiếp tục gây bệnh tại các bộ phận khác. Bên cạnh đó cơ thể cũng phản ứng có lợi đó là Hệ thống Miễn dịch sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt virus, tuy nhiên kháng thể này không bền vững, bị đào thải sau khoảng 3-6 tháng.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đã có vacxin tiêm để tạo kháng thể chủ động: Pfizer, Moderna, Astra…; Kháng thể có hiệu ứng sau 2 tuần tiêm, khả năng bảo vệ từ 3-6 tháng.

Virus rất dễ thay đổi thành các biến thể khác nhau: Từ Alpha, Beta, Delta, Omicron…; Các loại vacxin hiện có đều có tác dụng bảo vệ với các biến chủng này.

Chẩn đoán đặc hiệu bằng xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, hoặc RT- PCR.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mới có thuốc ức chế sự nhân lên của virus.

Nếu người có hệ Miễn dịch bình thường, sẽ tự tiêu diệt virus trung bình trong vòng 5-7 ngày (không cần điều trị)

Người chưa tiêm vacxin hoặc tiêm chưa đủ; có bệnh nền nặng, người cao tuổi dễ có nguy cơ trở nên nguy kịch: Do sức đề kháng kém, hoặc là điều kiện thuận lợi để bệnh nền tăng nặng lên.

Xét nghiệm chẩn đoán Covid-19

- Có 2 phương pháp chính: RT-PCR và test kháng nguyên nhanh

+ RT-PCR là phương pháp hiện đại, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Nên làm xét nghiệm này khi có yêu cầu của Bác sĩ.

+ Test kháng nguyên nhanh là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện thường được sử dụng trong cộng đồng.

- Các thời điểm xét nghiệm:

+ Sau tiếp xúc nguồn lây (F0): thời điểm hiệu quả nhất là khoảng 3 ngày (72 giờ) sau tiếp xúc, hoặc khi xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm.

+ Theo dõi F0 tại nhà: sau khi hết triệu chứng 03 ngày, hoặc 7 ngày kể từ khi phát hiện nhiễm.

  • Như vậy chúng ta chỉ xét nghiệm lần đầu khi: có triệu chứng nghi nhiễm như đau, rát họng, ho, sốt, đau mỏi người, sau khi tiếp xúc từ 3 -5 ngày với người bệnh (F0).
  • Xét nghiệm lần 2 khi hết triệu chứng trên trong 3 ngày, hoặc ngày thứ 7 sau ngày phát hiện (ngày thứ nhất); Kết quả âm tính được xác định là khỏi bệnh.
  • Sau khỏi bệnh tự theo dõi sức khỏe 1 tuần tiếp theo, nếu có biểu hiện đặc biệt thì báo cho bác sĩ.
  • Những người không có yếu tố nghi nhiễm, không có triệu chứng thì không nên làm xét nghiệm do ảnh hưởng đến tâm lý và kinh tế, gây áp lực cho xã hội (chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh dưới đây).

Các vấn đề F0 theo dõi tại nhà cần lưu ý

* Những điều F0 nên làm:

- Tâm lý thoải mái. Khi có khó khăn hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn.

- Tự theo dõi sức khỏe: Đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu có) khi cảm thấy có bất thường (ớn lạnh, tức ngực, khó thở).

- Sử dụng thuốc như điều trị khi bị cảm cúm: Decolgen, cảm xuyên hương...

- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe.

- Ăn đủ chất, uống đủ nước.

- Thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người khác: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…

* Các dấu hiệu bệnh trở nặng:

- Ho nhiều/Khó thở/thở hụt hơi. Độ bão hoà oxy máu SpO2 < 94% (nếu có).

* Các loại thuốc:

- Các thuốc thông thường.

+ Thuốc hạ sốt: paracetamol 500 mg. Uống 01 viên khi nhiệt độ > 38,5. Lặp lại sau mỗi 4-6h.

+ Vitamin C 500mg uống 01 viên/lân x 02 lần/ngày.

- Các thuốc chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ:

Thuốc kháng virus (tác dụng không rõ ràng) dùng 1 trong 2 loại sau:

+ Molnupiravir viên 200 mg hoặc 400 mg

Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 800mg. Uống liên tục trong vòng 05 ngày.

+ Favipiravir viên 200mg

Ngày đầu: uống 1.600mg/lần x 02 lần/ngày

Ngày sau: uống 600mg/lần x 02 lần/ngày

Uống từ 5-7 ngày.

+ Kháng sinh

+ Chống viêm

+ Chống đông

Các biện pháp phòng bệnh

* Làm sạch không khí

- Tăng cường lưu thông khí: Mở cửa, quạt thông gió, …

- Sử dụng máy lọc không khí, tạo ozone nếu có điều kiện

* Làm sạch bề mặt.

- Các vị trí bề mặt cần chú ý khử khuẩn: nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại.

+ Đối với các bề mặt không chịu nước có thể sử dụng các dung dịch có chứa cồn > 60%. VD: điện thoại, máy tính…

+ Đối với các bề mặt khác nên làm sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, nếu có điều kiện lau dung dịch khử khuẩn (có chứa khoảng 5% sodium hypochlorite hoặc khoảng 5% sodium hypochlorite).

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hiếu.

* Xử lý Chất thải liên quan đến nguồn bệnh

Thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế

* Tránh lây lan hoặc phát tán virus:

Nếu cần tiếp xúc gần, cần mang khẩu trang; Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

* Nâng cao thể lực

Ăn uống đủ chất, khoa học

Sinh hoạt, tập thể dục đều đặn

* Tạo miễn dịch chủ động

Tiêm vacxin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Điều cốt lõi cần lưu ý để

  • Virus không tồn tại: Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn
  • Virus không xâm nhập: Mang khẩu trang; giữ khoảng cách; bàn tay sạch
  • Virus đã xâm nhập cần tiêu diệt, bởi:

Sức đề kháng của cơ thể (tài nguyên sẵn có)

Kháng thể chủ động (do tiêm vacxin)

Thuốc (Mới có thuốc hỗ trợ, chưa có thuốc đặc hiệu)

  • Không nên tự mua thuốc điều trị theo nguồn tin không chính thống
  • Mỗi người bệnh đều có đặc thù riêng, bệnh của người này chưa chắc giống người khác, nên phải được khám và chỉ định hợp lý.
  • Điều trị không phải là ứng dụng đơn lẻ khoa học y học mà phải kết hợp hài hòa với các ngành khác như Tâm lý - Khoa học - Xã hội - Nhân văn. Không kỳ vọng hiệu quả điều trị đạt tuyệt đối (100%).

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.