| Hotline: 0983.970.780

Vị thế mới của cây khoai lang trong nền nông nghiệp

Thứ Ba 14/02/2012 , 12:54 (GMT+7)

Khoai lang là cây lục bội thể (hexaploid 2n = 6x = 90), nguồn gốc ở Châu Mĩ nhiệt đới, lan truyền rất sớm sang các quần đảo Thái Bình Dương...

I. Đặc tính cây khoai lang

Cây khoai lang có tên khoa học là Ipomoea batatas (L) Lam, là cây hoa màu lương thực ăn củ và lấy dây lá, trồng hàng năm, họ Bìm Bìm (Convolvulaceae). Khoai lang trồng ở vùng nhiệt đới thường có thân bò, trồng ở vùng ôn đới, thường có dạng bụi.

Lá hình tim, nguyên hay có khía. Hoa trắng, vàng hay tím, hình phễu. Củ hình thoi do rễ phồng lên, chứa tinh bột và đường, vỏ củ màu trắng, vàng hay đỏ tím, thịt củ trắng, vàng hay tím nhạt tùy theo giống.

Khoai lang là cây lục bội thể (hexaploid 2n = 6x = 90), nguồn gốc ở Châu Mĩ nhiệt đới, lan truyền rất sớm sang các quần đảo Thái Bình Dương và từ đó sang các nước Châu Á, được C.Colombo đưa về Châu Âu và người Bồ Đào Nha đưa sang Châu Phi. Hiện nay, khoai lang được trồng ở khắp các vùng nhiệt đới và một số vùng cận nhiệt đới, ôn đới.

Khoai lang là một cây dân gian đã được trồng từ lâu đời ở nước ta, có phổ thích nghi rất rộng, có thể trồng được ở nhiều điều kiện khí hậu, đất đai khác nhau; nhưng tốt nhất là trồng trên đất pha cát, lượng mưa năm khoảng 1.000 mm, chịu hạn, chịu đất xấu. Là cây giao phấn, ngày ngắn, không ra hoa khi ngày dài quá 13 giờ 30 phút, do đó ít khi ra hoa ở những vùng có vĩ độ ôn đới trên 30 độ Bắc hay Nam. Ở vùng nhiệt đới, dễ ra hoa, có hạt, có sức sống, nhưng thường chỉ trồng bằng các đoạn dây gọi là hom, trong trường hợp gây giống có thể trồng bằng mầm nẩy từ củ.

Khoai lang có 2 nhóm giống chính gồm: Nhóm giống củ thịt mềm, nhiều nước, màu trắng, vàng, da cam, hồng, tím và nhóm giống củ thịt chắc, nhiều bột, thích hợp với công nghệ thái lát, phơi khô, lấy bột.

Thành phần khoai lang tươi: 68% nước, 0,8% protit, 28,5% gluxit, 34 mg% canxi, 50 mg% phốt-pho, 23 mg% vitamin C. Thành phần khoai lang khô: 11% nước, 2,2% protit, 80% gluxit.

II. Chuỗi giá trị cây khoai lang

1. Khoai lang là cây đa tác dụng

1.1 Khoai lang nhiều tinh bột

Tinh bột khoai lang có tính kết dính cao hơn hẳn tinh bột các loại hạt cốc, dễ tạo màng, khẩu vị dễ chịu, không gây kích thích, khác hẳn khẩu vị hạt cốc điển hình như bột ngô, lúa mì, chủ yếu do lượng tàn dư protit thấp, thường dưới 0,05- 0,10%. Các giống khoai lang giàu tinh bột được sử dụng theo các hướng sau đây:

a. Làm nguyên liệu để chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp:

Tinh bột khoai lang có thể chế biến sâu thành các sản phẩm tinh bột biến tính, các sản phẩm hoá công, các sản phẩm lên men thuỷ phần được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp thực phẩm, dệt, giấy, vật liệu xây dựng, cao su nhân tạo ...

b. Làm nguyên liệu lý tưởng để SX thức ăn chăn nuôi (TĂCN) có giá cạnh tranh cao.

Với công nghệ mới, khoai lang khô thông qua công nghệ vi sinh để chế biến thức ăn vi sinh giàu đạm, có hàm lượng protit cao tới trên 40%, tương đương hàm lượng đạm trong đậu tương.

Hiện nay, ở nước ta, sản lượng TĂCN gia súc, gia cầm và thuỷ sản khoảng 25 triệu tấn/năm, trong tương lai, ngành chăn nuôi phát triển mạnh, cần tới 50 triệu tấn/năm. Nguyên liệu giàu đạm hiện nay chủ yếu dựa vào đậu tương và bột cá NK. Nếu sử dụng thức ăn vi sinh giàu đạm từ khoai lang để phối chế với các nguyên liệu chất bột khác thì sẽ giảm hẳn nhu cầu NK đậu tương và bột cá đắt tiền- là những mặt hàng mà Việt Nam không có lợi thế phát triển như Mỹ, Braxin, Achentina và Peru.

Nguồn chất bột làm TĂCN hiện nay chủ yếu dựa vào ngô, mà SX ngô ở nước ta cũng không có lợi thế cạnh tranh so với các nước ôn đới SX ngô theo công nghệ hiện đại. Nhưng sử dụng khoai lang thay thế một phần ngô, dù cho hàm lượng protit chỉ 2,2% thua kém ngô, nhưng được phối chế tỉ lệ cao với thức ăn vi sinh giàu đạm, vẫn đảm bảo TĂCN có hàm lượng dinh dưỡng đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu nhu cầu NK ngô với giá khá đắt.

TĂCN được cơ cấu lại theo hướng này dựa vào nguyên liệu chính là bột khoai lang phối chế với thức ăn vi sinh giàu đạm, cũng lấy nguyên liệu từ khoai lang, thì giá thành TĂCN có thể giảm thiểu được trên 30%, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản, tạo ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp TĂCN dựa vào lợi thế của Việt Nam. Không những vậy, thân lá khoai lang ở dạng tươi và khô cho ủ lên men, cũng là loại thức ăn xanh, thô cần thiết cho ngành chăn nuôi.

c. Làm nguyên liệu để SX ethanol sinh học có giá thành cạnh tranh, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hoá thạch.

Cây khoai lang được coi là “cây vua năng lượng”. Hiệu suất SX ethanol sinh học từ khoai lang cao hơn hẳn mía đường, cao lương, ngô, sắn và khoai tây. Với năng suất khoai lang tinh bột đạt 70 tấn/ha/vụ thì 1 vụ khoai có thể SX 10 tấn ethanol/ha, nếu 1 năm làm 2- 3 vụ có thể SX 20 tấn- 30 tấn ethanol/ha năm, tạo ra triển vọng phát triển ethanol sinh học có giá cạnh tranh, không tranh chấp lương thực của loài người. Với công nghệ SX ethanol sinh học từ khoai lang, thông qua chu trình tuần hoàn khép kín, không thải ra độc tố, lại còn sản sinh khí CH4 để phát điện, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

1.2 Khoai lang thực phẩm

Từ xa xưa, nông dân ta vẫn sử dụng khoai lang làm lương thực cho người, nhất là khi thiếu gạo ăn hoặc vào vụ giáp hạt thường vẫn ăn khoai luộc thay cơm, hoặc ăn cơm độn khoai, là bữa ăn đã có từ lâu của dân nghèo.

Nhưng từ nhiều năm nay, kinh tế phát triển, mức sống nhân dân ta được nâng cao, dân có đủ gạo ăn, ít ăn cơm độn khoai.

Những nghiên cứu gần đây cho biết, giống khoai lang tím có polyphenol chứa anthocyamin có tác dụng kháng ôxy hoá rất mạnh, có khả năng kiềm chế đột biến của tế bào ung thư, có tác dụng ngăn ngừa ung thư, hạ huyết áp, phòng ngừa bệnh tim mạch, có công năng làm đẹp và thông tiện. Cây khoai lang có sắc tố có thể bào chế chất nhuộm màu thực phẩm thiên nhiên thay sắc tố tổng hợp nhân tạo. Khoai lang chứa nhiều loại vitamin A, B,C,E và các chất khoáng K, Ca, Mg, Fe, Se…, giàu chất xơ thực phẩm. Tổ chức FAO của Liên Hợp Quốc đã đánh giá khoai lang là thực phẩm bổ dưỡng tốt nhất của thế kỷ 21, đang được thị trường thế giới rất ưa chuộng.

2. Hiệu quả kinh tế cao

Với các công năng như trên, khoai lang là một cây trồng có thu nhập cao. Một vụ khoai lang chỉ cần khoảng 110 ngày, năng suất khoai thực phẩm đạt khoảng 40- 50 tấn/ha vụ, với giá 2.000 đ/kg thì nông dân có thể thu 100 triệu đồng/ha vụ, nếu làm 2- 3 vụ/năm, có thể thu 200- 300 triệu/ha/năm. Với khoai lang tinh bột, năng suất 70- 80 tấn/ha/vụ, với giá 1.000 đ/kg thì nông dân có thể thu 70- 80 triệu đồng/ha/vụ, nếu làm 2- 3 vụ, có thể thu 150- 300 triệu đồng/ha/năm.

Khoai lang đầu tư ít, bán được giá, lợi nhuận đem lại cho nông dân chắc chắn cao hơn hẳn những cây trồng ngắn ngày khác ở nước ta.

3. Khoai lang dễ trồng, nhanh ăn, đầu tư ít, dễ bảo quản, chế biến:

Khoai lang có thể trồng ở khắp cả nước ta, từ vùng đồng bằng đến trung du miền núi, từ Bắc vào Nam, thích hợp mọi loại đất, mọi thời vụ, chỉ cần đất trồng không úng nước. Trồng 100 ngày có thể thu hoạch, nhân giống rất đơn giản, bón phân chuồng và phân khác chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng/ha, tốn rất ít công chăm sóc và thu hoạch, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/ha vụ.

Khoai lang củ dễ bảo quản. Nếu bảo quản tươi có thể giữ được vài tháng, nếu sấy khô có thể giữ được thời gian dài.

Khoai lang thực phẩm hoặc tinh bột dễ chế biến. Việc làm khô và sơ chế dựa vào công nghệ sấy rất đơn giản, nông dân có thể tự làm, còn công đoạn chế biến sâu dựa vào doanh nghiệp.

4. Có thị trường tiêu thụ lớn

Khoai lang thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của thị trường nội địa, có thể XK sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Đông Nam Á.

Khoai lang tinh bột làm nguyên liệu SX nhiều sản phẩm các có nhu cầu lớn của thị trường. Nếu SX ethanol sinh học thì thị trường nội địa có nhu cầu rất lớn, triển vọng XK cũng rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu về phát triển năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hoá thạch.

Nếu SX TĂCN, với 40% nguyên liệu là khoai lang, trước mắt cần 10 triệu tấn (quy khô)/năm, về lâu dài cần tới 20 triệu tấn (quy khô)/năm. Với thức ăn đạt chất lượng cao với giá cạnh tranh, còn có thể XK lớn.

5. Tạo ra cơ hội lớn về việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân

Với chuỗi giá trị cao cùng với tiềm năng phát triển lớn ở nước ta, đưa cây khoai lang hướng tới là một cây chủ lực được trồng phổ biến ở mọi miền nước ta như cây lúa, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục triệu nông dân gắn với truyền thống SX khoai lang đã có từ lâu đời, làm cho chủ trương phát triển mạnh khoai lang rất dễ được nông dân ta tiếp nhận. (Còn nữa)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.