| Hotline: 0983.970.780

Vị tiến sĩ của "quân đoàn hai chân"

Thứ Hai 23/08/2010 , 10:51 (GMT+7)

Để nói về những gắn bó của TS Phùng Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, với việc phát triển của ngành gia cầm có khá nhiều cột mốc cần phải nhắc đến.

Phùng Đức Tiến xuống trại nuôi đà điểu

Để nói về những gắn bó của TS Phùng Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương, với việc phát triển của ngành gia cầm có khá nhiều cột mốc cần phải nhắc đến.

Hì hụi bảo vệ gà mái

Trước tiên là dấu ấn về con gà công nghiệp. Mấy năm đầu thập niên 90 (TK XX), gà công nghiệp là đối tượng nuôi mới được đón nhận nhiệt liệt bởi những cái bụng vừa mới thoát khỏi sự sôi sục của khoai, sắn, bo bo, bột mỳ thời bao cấp. Thế nên chuyện mổ một con gà được một bát ô tô mỡ, cắn miếng thịt mỡ ngập đến tận chân răng được bàn tán từ đầu làng đến ngõ phố. Do mới du nhập vào ta, không có kinh nghiệm gì nên người ta nuôi gà công nghiệp sinh sản cũng tương tự như gà thịt, nghĩa là cho ăn đẫy diều từ lúc một ngày tuổi trở đi. Gà lớn nhanh như thổi, đẹp mã bóng bẩy như công như phượng nhưng chức năng quan trọng nhất là sinh sản thì gần như... tịt ngòi vì quá béo.

Đàn gà giống ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cũng trong tình trạng như vậy. Qua học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của nước ngoài, TS Tiến lúc ấy mới chỉ là anh cán bộ quèn bèn đề xuất áp dụng chế độ cho ăn hạn chế để thúc đẩy gà sinh sản. Lúc mới áp dụng, đàn gà đang béo đẹp, mượt mà bỗng xù lông, rũ cánh, gầy rộc, đi đứng xiêu vẹo tưởng chết đến nơi. Một số cán bộ thấy vậy hoảng quá cấp báo với lãnh đạo: “Nếu xảy ra việc gì với đàn gà chúng tôi không chịu trách nhiệm”. Mọi người nghi ngại nhìn nhau, bán tín, bán nghi về hiệu quả của một cách làm lạ huơ, lạ hoắc. Chỉ có ông Tiến đứng bật dậy giữa đám đông lớn tiếng khẳng định, chắc như đinh đóng cột: “Về chuyện cho gà ăn hạn chế, chết chóc, tội vạ đâu tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn”.

Chỉ mạnh miệng thôi chưa đủ, ông Tiến còn mạnh làm. Quan sát thấy cảnh “tốt trống, hại mái”, những con gà trống tây ục ịch nhảy lên lưng gà mái khiến chúng xơ xước cả, ông Tiến lại càng quyết tâm hạ khẩu phần của chúng. Cẩn thận hơn, ông còn mang cả chiếc bếp dầu nhóm lửa khử trùng con dao rồi tự tay cắt từng cựa của các con gà trống để bảo toàn sức khỏe cho gà mái. Hì hụi nhiều đêm một hai giờ sáng người ta vẫn thấy ông Tiến lui cui dọn phân, cắt cựa ở chuồng gà. Nhờ áp dụng nghiêm khắc cách cho ăn “hành xác” này mà những chị gà mái trước béo lú mề đẻ tỷ lệ rất thấp 100-120 quả trứng/trên chu kỳ nay đã đẻ lên khoảng 180 quả trứng/chu kỳ.

Mê mải với "chim khổng lồ"

Giai đoạn lên hương của gà lông màu, vịt Cẩm Bình, rồi ngan giống mới đều có bóng dáng của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, trong đó có ông Phùng Đức Tiến. Đến con đà điểu - vật nuôi khổng lồ nhất trong các con hai chân, ông Tiến cũng góp phần thúc đẩy. Công bằng mà nói, con đà điểu vào nước ta từ thời người tiền nhiệm của anh, khởi sự từ năm 1995 khi nguyên Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Công Tạn giao cho Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương ấp thử 2 quả trứng nhập từ Úc, nở được 2 con. Năm 1996, Trung tâm được Bộ trưởng giao ấp tiếp 100 quả trứng nhập từ Zimbabwe, nở được 38 con nuôi cho kết quả tốt. Từ những khảo nghiệm thành công trên, năm 1998, Bộ NN & PTNT phê duyệt dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu, phát triển chăn nuôi đà điểu Ba Vì, nhập từ Úc 150 đà điểu giống gốc để nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam.

Thế nhưng mọi chuyện đâu xuôi chèo, mát mái. Vì là đối tượng nuôi mới, đầu ra chật vật, giống bán chậm, thịt cũng ế sưng ế sỉa. Ế đến nỗi, đường đường là giám đốc nhưng ông Tiến phải đích thân đánh ô tô đi...tiếp thị 6 kg thịt đà điểu. Nói là tiếp thị cho oai chứ trắng phớ ra là đem đi biếu một nửa còn một nửa vật nài mấy nhà hàng trên Hà Nội cho tạm ký gửi. Dư luận xôn xao về lối ra của loài chim khổng lồ này đã đành, ngay cả cán bộ Trung tâm cũng có người nao núng nhưng năm ấy vị giám đốc vẫn cử người sang hội nghị quốc tế về đà điểu ở Trung Quốc. "Cơm nắm muối vừng" mấy ngày mới ngộ ra được rằng, con đà điểu nhu cầu thế giới vẫn cần nhiều lắm, không chỉ khai thác mỗi thịt mà còn thuộc da, lấy mỡ làm mỹ phẩm, xương làm dược phẩm, hoạt động du lịch sinh thái... Vậy là lại yên tâm để lao tâm, khổ tứ với nó tiếp.

Liên quan đến con đà điểu cũng lắm chuyện bi hài. Số là khi cán bộ Trung tâm mới phối ghép cặp đôi cho loài chim khổng lồ này, ai ngờ chúng chẳng bén duyên với nhau mà đánh nhau chí mạng vì lạ chuồng. Hậu quả là chết mất 2 con khiến người phụ trách mặt như tàu lá chuối hơ lửa. Nhận được tin dữ, ông Tiến tức tốc lên Trại Ba Vì. Nhớ lại các cụ đúc rút kinh nghiệm phối giống của gà là “nhất chạng vạng, nhì rạng đông” nên anh mới nghĩ ra cách cho bịt mắt cặp uyên ương rồi dắt chúng vào “động phòng hoa chúc” lúc ban đêm. Ghép đến cặp thứ 18, cậu quản lý trại cứ một hai xin thôi không cho làm tiếp nữa vì sợ đà điểu toi mạng hết, không ôm nổi trách nhiệm nhưng ông Tiến vẫn tự tin đến mức cho ghép nốt đến con số 42 thì bị đà điểu... đá cho một cú trời giáng vào mạng sườn, ốm li bì nằm cả tuần dưỡng bệnh. Cú đá đó mở ra một kết cục có hậu, cả 42 con đều lành lặn, an toàn khi “hành sự”. Tính đến năm 2008, đơn vị đã chuyển giao được trên 15 nghìn đà điểu giống nuôi tại 56 trang trại trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Không chỉ có thế mà trong cuộc cạnh tranh giành thị phần cung cấp giống, kỹ thuật cho trại đà điểu của ông Khăm Tày ở Lào giữa ta và Thái Lan, chỉ sau một thời gian đội kỹ sư người Thái đã phải khăn gói lặng lẽ thu quân.

Kỳ khu hơn là chuyện đợt cúm gà mấy năm trước từng gây nao núng dư luận đến mức có cả đề xuất diệt sạch mấy trăm triệu gia cầm trên toàn quốc thế mà ông Tiến dám lên ti vi nói oang oang về thịt gà sạch, gà an toàn. Giữa lúc thiên hạ đang sợ cúm gà và... thèm thịt gà đến cùng cực thì cũng chính anh là người đứng ra nhận cung cấp mấy chục con gà an toàn cho một VIP cấp cao của Chính phủ mà hễ có sơ sẩy, không chỉ chức giám đốc của anh "bay" mà hậu quả còn không thể đong đếm xuể... Kể ra số  ông Tiến cũng “đen”. Mấy năm lên lãnh đạo, liêu xiêu cả mấy năm. Hết cúm gia cùm quần thảo lại tệ nhập đùi, cánh gà giá rẻ nước ngoài. Hết nạn buôn giống lậu tràn về từ biên giới lại đến sự thờ ơ của dân chúng trước nghề nuôi gia cầm. Sóng gió đến nỗi phần đa những đơn vị cung ứng giống trong nước nát tựa tương bần. Giữ được thu nhập bình quân trên 3 triệu/tháng/người, giữ được đội ngũ cả chục tiến sĩ, ngót 40 thạc sĩ lại là đơn vị đầu tiên của Bộ NN & PTNT dám chặt đứt cái dây bảo hiểm của Nhà nước, đánh đu trên dây theo cơ chế 115 kể cũng khá kỳ tích.

Vậy, đằng sau đó TS Phùng Đức Tiến được những gì? Những buổi viết luận văn tiến sĩ thâu đêm, những đợt đau sỏi thận quằn quại nằm trên băng ghế ô tô vẫn đến trụ sở, thậm chí Chủ nhật cưới vợ, chiều thứ Bảy vẫn họp ban giám đốc, sáng thứ hai vẫn đến đi làm đều đặn. Nhà khoa học Bạch Thị Thanh Dân, cộng sự của anh chép miệng: “Âu cũng là con người không ai hoàn hảo. Anh Tiến làm được việc nhưng cũng vì thế mà đòi hỏi ở đồng nghiệp rất cao, nhiều khi họ bắt nhịp không kịp nên có lúc cũng nóng nảy, có lúc cũng ngoa ngôn, xong đâu đấy lại hòa nhã như thường. Hiềm một nỗi công việc triền miên thành ra vợ con anh ấy cũng thiệt thòi, vất vả”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất