Tướng Apirat Kongsompong. Ảnh: Bangkok Post. |
Hội đồng Quốc phòng Thái Lan đang xem xét bổ nhiệm các chức danh cao nhất trong quân đội nước này để trình lên Hoàng gia phê duyệt và công bố vào tháng 9. Trong danh sách này, trung tướng Apirat Kongsompong, trợ lý tư lệnh Quân đội Hoàng gia, được cho là sẽ trở thành người đứng đầu lực lượng vũ trang Thái Lan.
Bình luận viên Marwaan Macan-Markar của Nikkei cho rằng một khi tướng Apirat trở thành tư lệnh quân đội Thái Lan, đây sẽ là bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng giữa nước này và Mỹ.
Quan hệ quốc phòng Thái Lan - Mỹ trở nên lạnh nhạt kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2014 và lập nên chính quyền quân sự cho tới nay.
Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã chỉ trích cuộc đảo chính, cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan vi phạm các nguyên tắc về nhân quyền và tự do chính trị, nên đã đóng băng quan hệ quân sự với quốc gia này.
Trong thời gian đó, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể quan hệ quốc phòng với Thái Lan, đặc biệt là qua các hợp đồng mua bán vũ khí không có nhiều điều kiện ràng buộc.
Thái Lan năm 2015 đã đặt mua 28 xe tăng VT-4 của Trung Quốc và tăng thêm 10 chiếc vào năm 2017. Đầu năm nay, quân đội Thái đã bày tỏ sự quan tâm tới việc tăng đơn đặt hàng xe tăng chiến đấu VT-4 của Trung Quốc lên 49 chiếc.
Một tàu ngầm S26T lớp Yuan cũng được đặt hàng năm ngoái với giá 13,5 tỷ baht (400 triệu USD), sau đó tăng thêm hai chiếc với tổng giá trị lên tới 36 tỷ baht (khoảng hơn 1 tỷ USD).
Sau chuyến thăm của một số sĩ quan cấp cao Thái Lan tới Bắc Kinh hồi tháng 6, có nhiều thông tin cho thấy nước này sẽ hợp tác với Trung Quốc xây dựng một nhà máy chế tạo vũ khí ở đông bắc hoặc dọc bờ biển phía đông Thái Lan.
"Trung Quốc muốn thiết lập một nhà máy tại Thái Lan để chế tạo vũ khí cho các lực lượng dự kiến đóng quân tại khu vực", Paul Chambers, chuyên gia an ninh quốc gia Thái Lan tại Đại học Naresuan, chia sẻ. Ông cho rằng nhà máy này sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc tham gia vào hoạt động huấn luyện ở Đông Nam Á và Biển Đông, đồng thời đóng vai trò là "nguồn cung cấp vũ khí trong trường hợp quân đội Trung Quốc triển khai chiến đấu tại Đông Nam Á".
Với nhà máy chế tạo vũ khí này, quân đội Thái cũng có thể mua số lượng lớn vũ khí Trung Quốc với mức giá phải chăng. Theo Chambers, các tướng lĩnh muốn "tăng cường kho dự trữ quân sự" để phục vụ cho kế hoạch 10 năm.
Bước ngoặt trong quan hệ với Mỹ
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu tướng Apirat trở thành tân tư lệnh quân đội Thái Lan. Là con trai của một cựu tư lệnh quân đội Thái Lan và có quan hệ rất tốt với Mỹ, Apirat có thể giúp cải thiện đáng kể hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
"Apirat là người thường xuyên tới Mỹ", một sĩ quan cấp cao trong quân đội Thái Lan tiết lộ với Nikkei. "Ông ấy có những người bạn trong bộ máy quốc phòng Mỹ bởi từng thực hiện các nghiên cứu tốt nghiệp tại đây và có những mối quan hệ do cha ông tạo dựng"
Với vai trò trợ lý tư lệnh quân đội, Apirat hiện là người phụ trách hậu cần, vũ khí và các hợp đồng mua sắm. Ông từng giám sát hợp đồng trị giá 261 triệu USD gần đây với Mỹ , bao gồm các trực thăng Black Hawk.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Thái Lan cũng đã được cải thiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Các tướng cấp cao của Mỹ gần đây đã tới Thái Lan để xem xét về các hợp đồng bán vũ khí. Chuyến thăm của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tới Nhà Trắng vào tháng 10/2017 là một trong những dấu hiệu nổi bật cho thấy sự tiến triển trong quan hệ song phương.
Tướng Apirat Kongsompong (trái) đồng thành cùng Tướng Robert B. Brown, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, vào tháng 6/2017 trong chuyến thị sát Trung đoàn Bộ binh 31 Thái Lan. Ảnh: Reuters. |
"Mức độ hợp tác quốc phòng hiện tại nên được đặt trong bối cảnh tăng cường quan hệ toàn diện giữa Thái Lan và Mỹ", trung tướng Werachon Sukhondhapatipak, một phát ngôn viên của chính phủ, cho biết. "Thái Lan và Mỹ đang kỷ niệm 200 năm thiết lập quan hệ trong năm nay, và việc Thái Lan là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực cũng góp phần vào hợp tác quốc phòng giữa hai nước".
Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và các cơ quan tình báo khác của Thái Lan ban đầu cũng do Mỹ thành lập trong Chiến tranh Lạnh, nên Mỹ sẽ không để họ dễ dàng xoay theo Trung Quốc.
"Cộng đồng tình báo Mỹ có quan hệ tốt với người Thái, thậm chí còn tốt hơn sau cuộc đảo chính", theo Sanit Nakajitti, giám đốc PSA Asia, nhóm tư vấn an ninh và rủi ro chính trị tại Bangkok.
Một thành viên của NSC đồng tình với quan điểm này và thừa nhận rằng NSC luôn thúc đẩy quan hệ với các đồng nghiệp Mỹ. "Cuộc đảo chính không làm suy yếu quan hệ của chúng tôi", ông cho biết, đồng thời nhấn mạnh "đừng tiến hành thỏa thuận lớn với Trung Quốc".