| Hotline: 0983.970.780

Video, hình ảnh mới nhất về vụ sạt lở mỏ than Phấn Mễ, Thái Nguyên

Thứ Hai 16/04/2012 , 15:48 (GMT+7)

Hy vọng mong manh giành lại sự sống cho 5 người mất tích tại khu sạt lở núi thải của mỏ than Phấn Mễ đang ngày một nhỏ lại...

Hy vọng mong manh giành lại sự sống cho 5 người mất tích tại khu sạt lở núi thải của mỏ than Phấn Mễ đang ngày một nhỏ lại. Cố gắng của cả cộng đồng chạy đua với tử thần dường như không còn kết quả.

>> Điện thoại nạn nhân đổ chuông
>> Video vụ sạt lở bãi thải mỏ than làm 7 người chết và mất tích
>> Sạt lở bãi thải mỏ than, 7 người chết và mất tích


 

Chúng tôi quay lại hiện trường vào sáng 16/4 khi gia đình và người thân đang đưa cụ Vũ Thị Hồng (nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ sạt lở) về nơi an nghỉ cuối cùng. Không khí tang thương bao trùm xóm Khuôn 1.


Máy xúc chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân 

Sau một ngày đêm nỗ lực đào bới, đến sáng ngày 16/4, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tìm được bất kỳ nạn nhân nào trong tổng số 5 người mất tích. Trong cuộc họp khẩn của Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên sáng 16/4, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu tất cả các lực lượng phải bằng mọi biện pháp với nỗ lực và tinh thần cao nhất tìm bằng được người mất tích. Theo đó, ngày 16/4, tỉnh Thái Nguyên đã huy động 5 máy xúc và 200 bộ đội phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân.


Sáu chú chó nghiệp vụ được điều đến hiện trường tìm người mất tích

Tỉnh đã đề xuất và được Bộ Công an điều 6 chó nghiệp vụ đến hiện trường; phối hợp với các đơn vị đưa thêm máy dò tìm bằng phương pháp địa bức xạ BXT01 (loại máy đã từng dùng trong tìm thi thể các nạn nhân trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, Yên Thành, Nghệ An) để tìm kiếm. Ban Chỉ huy tiền phương tại hiện trường đã khoanh vùng, xác định được vị trí trọng điểm để đào bới, cắt tầng.

Mỏ than Phấn Mễ đã hỗ trợ việc mai táng cho bà Vũ Thị Hồng 40 triệu đồng, mỗi người trong khu vực bị ảnh hưởng 2 triệu đồng.

Song song với việc tìm kiếm nạn nhân mất tích, các cơ quan chức năng của địa phương cùng với lực lương công an, quân đội đã tiến hành thăm hỏi, hỗ trợ, bố trí nơi ở tạm thời, ổn định cuộc sống cho các gia đình bị mất nhà cửa; di dời 6 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở tiếp.

Thống kê ban đầu của UBND huyện Đại Từ, số thiệt hại về kinh tế do sạt lở gây ra ước khoảng 15 tỷ đồng. Trong đó có 13 nhà cấp 4, 10 xe máy, 11 ti vi cùng số lượng khá lớn gia súc, gia cầm và hoa màu, ruộng nương, vườn bãi bị vùi lấp…

Trong một diễn biến khác, PV NNVN đã tìm hiểu về việc khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở của xóm Khuôn 1, xã Phục Linh có nằm trong kế hoạch bồi thường, GPMB hay không? Bà Tạc Thị Thịnh, trưởng xóm Khuôn 1 cho biết, từ năm 2006, mỏ than Phấn Mễ đã bồi thường, GPMB trên địa bàn để làm bãi thải số 3. Tuy nhiên, việc bồi thường lại không triệt để mà trừ ra phần diện tích khu dân cư vừa mới bị ảnh hưởng bởi sạt lở.


Đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 1 tặng quà cho gia đình nạn nhân Hà Văn Xuân

Đến năm 2008, kế hoạch bồi thường của mỏ lại được nhắc đến. Tuy vậy, mỏ vẫn không thực hiện được việc bồi thường vì đa phần người dân yêu cầu phải bồi thường cả đất đai, nhà cửa và hoa màu thì mới di chuyển. Lý do là, tại khu vực trên có hồ Bà Chu (diện tích 5.000 mét vuông phục vụ thuỷ lợi cho gần 10 ha lúa và hoa màu). Nếu mỏ chỉ bồi thường, GPMB diện tích hồ thuỷ lợi trên và một phần diện tích canh tác của nhân dân thì việc canh tác sản xuất của nhân dân sau đó sẽ rất khó khăn.

Ông Trần Như Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Phục Linh cũng xác nhận sự việc trên. Kể từ đó, mỏ than Phấn Mễ sử dụng khu vực đã bồi thường, GPMB để tập kết đất đá thải và liên tục gặp phải sự phản ứng của các hộ dân.

Bà Tạc Thị Thinh cho biết thêm, kể từ khi mỏ đổ thải về xóm, dân liên tục kiến nghị về ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở…song đâu lại vào đấy. Câu trả lời của lãnh đạo mỏ này là chúng tôi làm và chắc chắn an toàn mới làm. Dân không biết kêu ai nên đành sống chung với tử thần. Cứ mỗi lần trời mưa, xóm lại phải cắt cử người canh gác, sẵn sàng tri hô nếu có sạt lở.

Tiếp tục tìm hiểu về nguy cơ mất an toàn khi tập kết đất đá thải trong khi các hộ dân sống ngay liền kề, ông Hoàng Ngọc Diệp, Phó tổng giám đốc Cty Gang thép Thái Nguyên khẳng định, công tác an toàn lao động là vấn đề hàng đầu, tất cả các bãi thải tại các mỏ của công ty đều phải thuê các đơn vị tư vấn thiết kế thì mới được hoạt động. Tại khu vực bãi thải số 3 của mỏ than Phấn Mễ, vì không tiếp tục tiến hành được việc bồi thường, GPMB nên phía mỏ than đã dừng tập kết đất đá thải từ lâu rồi. Khi được hỏi, việc dừng tập kết đó được xác định từ thời điểm nào thì ông Diệp lại không trả lời được với lý do “mới được giao nhiệm vụ phụ trách mỏ của Cty Gang thép Thái Nguyên được 3 tháng nay”.

Không rõ việc xây dựng bãi thải số 3 của mỏ than Phấn Mễ tuân theo những quy định về an toàn như thế nào nhưng có một thực tế được khẳng định là, nếu như các hộ dân liền kề bãi thải được di chuyển trước đó thì thảm họa đã không xảy ra. Phải chăng đó cũng là trách nhiệm liên quan. Song để ai hay đơn vị nào nhận phần trách nhiệm đó về mình thì cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

 

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất