Trong năm 2024, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh duy trì 3 cơ sở an toàn dịch lở mồm long móng trên địa bàn với hơn 4.000 con gia súc của 1.176 hộ chăn nuôi.
Duy trì 3 cở sở an toàn dịch với hơn 4.000 con gia súc
Ngoài trồng cây ăn trái, hàng năm gia đình ông Nguyễn Văn Ngàn ở ấp Sóc Thác, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nuôi từ 5-7 con bò để bán thịt. Ông Ngàn cho biết để đàn bò luôn khỏe mạnh và chóng lớn, ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật, việc tiêm phòng rất quan trọng, đặc biệt là phòng các bệnh thường gặp vào mùa mưa như lở mồm long móng, viêm da nổi cục và tụ huyết trùng.
Ông Nguyễn Văn Ngàn xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh: Để nuôi bò đạt hiệu quả, phải chích ngừa đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cung cấp đủ thức ăn và nước uống. Một ngày phải vệ sinh chuồng trại 3 lần.
Ông Lâm Trung Tính xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh: "Tôi tiêm phòng hàng năm và thấy rất ổn, bò không bị nhiễm bệnh. Tôi thấy vac xin này hiệu quả, bà con có chăn nuôi nên tiêm mỗi năm 2 lần.
Tuy hiệu quả của vac xin phòng bệnh cho đàn gia súc là vậy nhưng theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, hiện đa số hộ chăn nuôi còn nhỏ lẻ, ý thức về công tác phòng ngừa dịch bệnh chưa cao. Một số hộ trông chờ vào chính sách tiêm miễn phí. Việc thống kê đàn vật nuôi chưa chính xác cũng gây khó khăn cho công tác tiêm phòng. Hiện cán bộ thú y đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng cho đàn vật nuôi với tổng số 33.600 liều, trong đó ngân sách hỗ trợ 50% chi phí vac xin, còn lại do người dân thanh toán.
Ông Phạm Văn Bảo, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành: Trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì 3 cơ sở an toàn dịch lở mồm long mống với 1.146 hộ và 4186 con gia súc cùng 1 vùng an toàn bệnh dại tại thị trấn Châu Thành.
Theo các chuyên gia biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn vật nuôi là tiêm vac xin. Vì vậy, bà con nên tuân thủ lịch tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y để hạn chế rủi ro do dịch bệnh.