20 năm qua, Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ đã làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành thủy sản.
Gần 2 thập kỷ hình thành và phát triển, bám sát định hướng chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Phân viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao công nghệ về giống và nuôi trồng thủy sản tại khu vực Bắc Trung Bộ cũng như trên phạm vi cả nước.
Trạm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung Bộ được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I thành lập năm 1998, địa chỉ đóng tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Hòa trong xu thế phát triển chung, năm 2005 Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) đã nâng cấp Trạm Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ thành Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung Bộ. Chức năng chính của Phân viện là nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao công nghệ về giống và nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Xuyên suốt hành trình đã qua, Phân viện đã thể hiện đậm nét thế mạnh chuyên môn thông qua sản xuất giống, nhuyễn thể và nuôi thương phẩm cá biển.
Ông Chu Chí Thiết – Phân Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ chia sẻ: “Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung Bộ đã nghiên cứu, tạo ra công nghệ ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản. Điển hình như công nghệ lồng nuôi HDPE, có thể áp dụng ở vùng biển lở hoặc hồ chứa; công nghệ sản xuất các loài giống cá biển, thời gian qua bảo bảo cung cấp nguồn cá giống chất lượng cho bà con ở vùng Bắc Trung Bộ và trên phạm vi toàn quốc; công nghệ sản xuất giống ngao Bến Tre, Phân viện đã chuyển giao cho nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất giống ở Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh. Góp phần khai thác tiềm năng đối tượng nuôi chủ lực tại Việt Nam.
Trên địa bàn Nghệ An, Phân viện đã triển khai các dự án sản xuất, nghiên cứu các đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao, có nhiều tiềm năng phát triển như dự án nghiên cứu nuôi cá hồi vân, cá tầm tại Kỳ Sơn, dự án nuôi cá bống bớp. Gần đây Phân viện cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và nuôi sinh khối tảo tại Quỳnh Lưu, đây là kết quả đáng được ghi nhận và mở ra hướng sản xuất tảo nannochloropsic oculata trên địa bàn”.
Hiện con người của Phân viện khá hạn chế, trong khi nhiệm vụ chuyên môn được giao rất rộng, dàn trải, để đảm đương hiệu quả đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch bài bản.
Bà Phan Thị Thu Hiền – Trưởng phòng môi trường và bệnh thủy sản - Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ thông tin thêm: “Phân viện có 3 phòng chuyên môn, trong đó phòng môi trường và bệnh thủy sản có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích mẫu bệnh và môi trường phục vụ cho sản xuất, đề tài dự án trong phạm vi của đơn vị. Ngoài ra còn phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh”.
Hơn 20 năm qua, Phân viện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chuyển giao thành công các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, từ đó giúp nhiều đối tác kinh doanh hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là cơ sở kinh doanh dịch vụ, chuyên cung cấp giống thủy sản của ông Lê Anh Tuấn đóng tại địa bàn xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Ông Võ Văn Tính là cán bộ phụ trách chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở này, do đó hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của mối liên kết bền chặt:”Tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ Phân viện, chúng tôi đã chủ động xây dựng mô hình nuôi cá mú, cá chim, cá vược, cá hồng mỹ… kết quả kinh doanh nhìn khấm khá, nguồn hàng xuất ra thị trường rất nhiều”, ông Tính khẳng định.
Ông Tạ Quang Sáng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đánh giá:”Đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, Phân viện đã có sự phối, kết hợp rất chặt chẽ, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, Phân viện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông xây dựng các mô hình… Phân viện cũng đưa ra các đánh giá tác động đến thông số môi trường trên các lĩnh vực nuôi như mặn lợ, nước ngọt, nuôi trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để các địa phương và ngành nông nghiệp định hướng phù hợp…”
Nghề nuôi trồng thủy sản cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đồng nghĩa nhiệm vụ đặt ra cho Phân viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ càng nặng nề hơn. Từ tính chất cấp thiết của thực tiễn, Phân viện đã bám sát chủ trương, chủ động xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển bài bản.
Mục tiêu sẽ tập trung nghiên cứu nguồn lợi, đa dạng sinh học và các vùng nuôi; nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác thuỷ sản nội địa, công nghệ sau thu hoạch; nghiên cứu kinh tế, xã hội thủy sản các tỉnh Bắc Trung bộ để đề xuất phương hướng và các giải pháp quản lý nuôi trồng phù hợp với các ngành và địa phương…
“Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung Bộ và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để xây dựng cơ sở sản xuất giống, nghiên cứu tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Cùng với đó, Phân Viện đã xây dựng chiến lược phát triển từ năm 2024 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, an toàn sinh học nhằm chuyển giao đến tay người sản xuất. Đồng thời tập trung vào các đối tượng có thế mạnh như giống, cá biển, nhuyễn thể và thức ăn tươi sống. Ngoài ra sẽ hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học để tham gia vào công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức tới những đối tượng có nhu cầu”, ông Chu Chí Thiết nhấn mạnh.