Ngày 8/4, tại TP. Pleiku, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh các nhà máy sản xuất sắn phải tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến sắn, các sản phẩm từ sắn, giải quyết triệt để các vấn đề xử lý chất thải trong chế biến sắn đảm bảo an toàn môi trường.
Định hướng phát triển sắn bền vững
Ngày 8/4, tại TP. Pleiku, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2021, diện tích sắn cả nước đạt 528 nghìn ha tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Năm 2021, năng suất sắn bình quân cả nước đạt 20,3 tấn/ha, trong khi sản lượng sắn cả nước đạt gần 10,7 triệu tấn. Xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020.
Trên thị trường thế giới, nước ta là quốc gia có sản lượng sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới và xếp thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu. Trong nước, hiện có 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại 27 tỉnh, đáp ứng công suất chế biến trên 8,6 triệu tấn củ tươi/ năm.
Tuy nhiên, hiện trình độ chế biến tinh bột sắn còn hạn chế, chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc, Thái Lan. Mặt khác, cơ sở chế biến sắn công suất nhỏ hầu hết chỉ được trang thiết bị tự chế tạo hết sức đơn giản nằm rải rác gần khu dân cư.
Ngoài ra, sản phẩm chế biến chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thông qua hội nghị này cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ trong sản xuất sắn ở Việt Nam, đó là năng suất chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng; một số nơi diện tích canh tác chưa bền vững, xói mói đất. Ngoài ra, dịch bệnh cây mì còn xuất hiện nhiều, không chỉ bệnh khảm mà còn có nhiều bệnh khác, sản phẩm từ cây mì chưa đa dạng, còn xuất khẩu thô…
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trong thời gian tới, Cục Trồng trọt cần phối hợp với các đơn vị chức năng cần phải thực hiện ngay đề án phát triển cây sắn bền vững giai đoạn 2025-2030.