| Hotline: 0983.970.780

Việc gì cũng nên đặt mình vào vị trí ấy để so sánh, xem xét và dễ thấu đáo hơn!

Thứ Sáu 04/01/2019 , 06:50 (GMT+7)

Chúng nó bảo bà nội có cháu quanh năm rồi. Con gái tôi cũng phải mang con về bên chồng, tôi không ai cả mấy cái tết rồi. Năm nay chúng lại thế, đặt vé mà không hỏi tôi lấy một câu chị ạ...

Thưa chị!

Tôi viết những dòng này là để cho cái Tết ta sắp tới chị ạ. Tôi cũng như hàng triệu người đã vào Nam từ sau năm 1975. Hai đứa con đều sinh trong đây đó chị. Nhưng càng già, càng thấy đây chỉ là đất tha hương, vẫn nhớ cố hương, món cà món tương, cái rét cái nóng chị ạ. Khi trẻ, vợ chồng tôi hay tha con về quê, tàu hỏa, vất vả nhưng sau đấy năng lượng tinh thần như được bổ sung, cận tết sau đã thấy bồn chồn lại muốn vất vả để được bước đi ở quê nhà.

Rồi chồng mất sớm. Con trai út vừa xong đại học. Tảo tần mua cái ao này, mua vạt đất kia để gây dựng cho con. Con gái giỏi, may mắn có chồng giỏi, chúng nó phát nhanh. Con trai chật vật quá chị ạ, vợ lần đầu mới 5 năm đã bỏ vì con dâu này hiếm muộn, mất khối tiền. Vợ lần sau nhỏ hơn nó 10 tuổi gái tân, được chồng chiều. Chúng nó đã có con gái đầu 4 tuổi. Không nói hết vui mừng của tôi, nó có con ở tuổi 36, dù con gái đi nữa, vẫn tuyệt. Rồi sẽ sinh nữa, đúng không chị?

Con dâu hiện nay là con gái một như con gái tôi, nhưng nó là gái út, bố mẹ bỏ nhau, nó sống với bố, anh cả nó nuôi mẹ. Hoàn cảnh ấy nên năm nào tôi cũng để chúng nó ra Tết với bố nó. Nếu ông thông gia vào cũng bất tiện vì tôi góa, con trai và con dâu sống cùng tôi và nhà khá chật chị ạ. Năm đầu làm dâu, tôi có tết với con và dâu. Năm sau dâu sinh nở, tôi chăm sóc, có cả con và cháu. Nhưng khi con 2 tuổi, chúng mang ra Bắc, 3 tuổi chúng cũng mang ra Bắc.

Chúng nó bảo bà nội có cháu quanh năm rồi. Con gái tôi cũng phải mang con về bên chồng, tôi không ai cả mấy cái tết rồi. Năm nay chúng lại thế, đặt vé mà không hỏi tôi lấy một câu chị ạ. Nếu chị, chị sẽ giận hay để mặc. Bạn bè tôi bảo dạy dâu dạy thuở bơ vơ mới về, tôi cưng chiều quá, ngông nghênh quen rồi. Giờ phải làm sao đây chị?

-------------------

Bạn thân mến!

Đầu tiên mừng cho bạn, con gái khá giả, con trai sau lần vợ hiếm muộn phải tan vỡ, cuối cùng đã có vợ trẻ và đã có cháu nội cho bà. Người Việt mình vẫn nhất con nhì của. Ở đời, cái gì mình cần nhất, quan trọng nhất mình mừng nhất, mọi chuyện khác thành phụ hết.

Vì sao con dâu hay đi Bắc? Là vì bạn cũng rõ rồi, bố nó nuôi nó, bố nó cô quạnh ngày xuân, nó mến mùi bố, nó thương bố cả một trời thương nhớ. Và nó nghĩ không sai, bà nội đã có cháu và dâu và con quanh năm rồi. Và, điều này sâu xa đây, cái rét, cây đào, mùi bánh chưng, mùi quất… ở miền Nam không có, người ta nhớ vi lượng cuộc sống mình đã từng, cuộc sống ấy có tên là bản quán, dân cư, mồ mả, tổ tiên, đình chùa miếu mạo…

Vấn đề là, nếu là bạn, bạn sẽ xử lý sao? Nếu bạn là con gái rượu, sống với bố cảnh gà trống nuôi con, bạn lấy chồng xa, cưới xong, đẻ con xong, bạn không ra Tết với bố được, dù bạn có 2 năm về để bù đắp cho bố, bạn có thỏa mãn không, có an lòng không? Bạn ạ, ngày tết ở Bắc tái tê quá đi, con dâu của bạn nó biết và nó thương bố nó quá. Việc gì cũng nên đặt mình vào vị trí ấy để so sánh, xem xét và dễ thấu đáo hơn.

Các con đã mua vé. Một khối tiền. Ngày tư ngày tết bạn ạ, phiên phiến để vui nhau. Có lẽ chuyện đã lỡ, chúng nó không nghĩ bạn chạnh lòng, bạn so sánh mình không được coi trọng bằng bố nó. Còn con trai của bạn, vợ trẻ một phần, chủ yếu con gái nó mới 4 tuổi, đường sá, mưa rét, vợ và chồng phải có nhau khi giao thừa, khi ăn uống, khi thăm hỏi họ hàng chứ.

Ra Giêng rồi hãy nói bạn nhé. Nói một lần cho những năm sau chứ không bới chuyện cũ mà trách nhé. Nói, theo suy nghĩ của tôi, nên quy định, một năm các con bên mẹ, một năm các con ra với bố con. Ở đây, chị gái con mẹ cũng qui định thế, một năm nhà chồng, một năm cho mẹ đẻ, công bằng, coi như luật, cứ chiếu theo đó thi hành. Các con ý kiến gì, cứ nói, ngày hè, ngày lễ cứ đi nếu các con muốn nhưng tết ta là của bàn thờ, mẹ góa, các con nên chú ý đời sống tâm linh của nhà mình và đời sống tinh thần của mẹ với chứ. Đến khi mẹ già nữa và bố ngoài ấy cũng già nữa thì các con đành xẻ đôi, con dâu ra, con trai ở cạnh mẹ, xong, nhé.

Khoan hòa, bình tâm và thấu hiểu, sẽ đâu ra đấy, bạn nhé!

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.