| Hotline: 0983.970.780

Việc kiểm soát lò giết mổ là điều không thể

Thứ Sáu 08/10/2010 , 09:50 (GMT+7)

Sau những đêm thức trắng kiểm tra lò mổ, tình hình đâu lại vào đấy bởi chưa có cách gì xử lí triệt để.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội

Thực trạng mất ATVSTP đã phơi bày rõ sau khi cơ quan chức năng tiến thành tổ chức các đoàn kiểm tra các lò giết mổ tại Hà Nội trong dịp Đại lễ.  Điều đáng nói,  sau kiểm tra, tình hình đâu lại vào đấy bởi chưa có cách gì xử lí triệt để. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội. 

Thưa ông, “chiến dịch 45 ngày kiểm tra các lò giết mổ GSGC” phát hiện hàng loạt cơ sở vi phạm. Ông có bất ngờ về thực trạng này? 

Thực ra vấn đề này đã bắt đầu từ khá lâu và khiến các ban ngành liên quan hết sức đau đầu. Việc các đoàn kiểm tra rốt ráo nhằm đảm bảo chất lượng ATVSTP dịp đại lễ phát hiện nhiều lò mổ chui không đảm bảo chất lượng cũng không có gì bất ngờ. Ngay trên địa bàn lâu nay thì các lò mổ chui vẫn chiếm số lượng lớn. Việc kiểm soát họ gần như là điều không thể. Mà không kiểm soát được thì vi phạm là điều đương nhiên. 

Các đoàn công tác đã đột kích nhiều lò mổ, hiệu quả thế nào, thưa ông? 

Nhìn qua thì có vẻ quyết liệt nhưng thực tế lại nảy sinh khá nhiều vấn đề. 5 đoàn của TP Hà Nội, 5 đoàn Sở Y tế, 2 đoàn Sở Công thương, 1 đoàn của Cục Thú y, 4 đoàn của Chi cục Thú y…đoàn nào đơn vị chúng tôi cũng có người phối hợp tham gia nhưng nói thật là hiệu quả không được cao.

Lý do? Chỉ một hai cán bộ thú y tham gia đoàn thì không thể có được sự đánh giá đầy đủ. Dường như chỉ có đoàn của Cục Thú y là đi đúng vào chuyên môn và có chiều sâu. Còn những đoàn khác khi thì đi kiểm tra ở chợ, khi khác lại kiểm tra nhà hàng. Không có chuyên môn sâu thì làm sao mà hiệu quả được. Đó là chưa kể việc một lò mổ nhưng đoàn này đi thì đoàn kia lại đến. Thực trạng đã rành rành nhưng xử lý ra sao lại là một vấn đề. 

Có nghĩa là chúng ta đang bó tay với các lò mổ chui? 

Không chỉ lò mổ chui không đâu, mà ngay cả các lò mổ có có giấy phép kinh doanh hẳn hoi cũng rất khó để xử lý họ. Chúng ta chưa tập trung được các lò giết mổ, chủ yếu vẫn là của cá nhân. Cấu trúc quy hoạch lò giết mổ tập trung không phù hợp dẫn đến thực trạng không “gom” được các cơ sở giết mổ vào. Nghe các chủ lò giết mổ trình bày thì anh biết. Quản lý “đội” này rất khó. 

Trách nhiệm của ngành Thú y trong việc để các lò mổ mặc nhiên vi phạm là thế nào, thưa ông? 

“Các lò mổ chui vi phạm ATVSTP ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng là một vấn đề. Còn một vấn đề cũng nghiêm trọng không kém là việc họ xả chất thải ra môi trường. Bệnh tật từ môi trường ngày càng nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra xử lý được”- Ông Nguyễn Xuân Vui  
Nói không có trách nhiệm thì không đúng nhưng thực tế là ngành Thú y gần như không liên quan gì cả. Cán bộ thú y thực chất là người nắm rõ nhất các kỹ thuật và chất lượng các lò giết mổ nhưng lại không có bất kỳ một chế tài xử phạt nào. Ngay cả Thanh tra thú y cũng có quyền hạn gì đâu. Thành ra mới có chuyện họ bị các chủ lò mổ dọa dẫm này kia. Về chuyên môn, chúng tôi phát hiện, “bắt tận tay day tận cánh” rất nhiều cơ sở, vụ việc vi phạm nhưng toàn phải nhờ bên Quản lý thị trường xử phạt.

Muốn phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiểm dịch, kiểm tra thì vai trò của họ quá mờ nhạt. Dường như họ không muốn đụng chạm đến các lò mổ trên địa bàn.  

Vậy thì trách nhiệm chính thuộc về ai? Thưa ông 

Theo tôi trách nhiệm chính phải thuộc về ngành thương nghiệp và các địa phương. Thương nghiệp là những đơn vị quản lý các lò giết mổ, quản lý nơi tiêu thụ chủ yếu là các chợ. Nếu vào cuộc thật sự, bắt các lò giết mổ phải được đóng dấu kiểm dịch, đóng dấu đảm bảo vệ sinh rồi mới cho đưa đi bán thì có thể kiểm soát được tình hình vi phạm.  

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.