| Hotline: 0983.970.780

'Việc làm lệch đi nhiệm vụ cốt lõi sẽ chỉ mang lại những mối hiểm họa'

Thứ Ba 18/07/2017 , 09:05 (GMT+7)

Năm 1985, doanh nghiệp quân đội đầu tiên ở Trung Quốc được thành lập, nhiều người không thể dự báo tương lai của nó. Lúc này, quân đội Trung Quốc đang có khẩu hiệu “Tự thân vận động, cơm no áo ấm”.

09-49-47_tp-cn-binh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Reuters

Tháng 3/1999, Nhà xuất bản Kiến thức Thế giới, Trung Quốc xuất bản cuốn sách nói về việc kinh tế nước này sẽ bùng nổ từ sau thời điểm 1998, trong đó có nêu phần phân tích về quân đội làm kinh tế.
 

Bối cảnh lịch sử đặc thù

People’s Daily trích đăng một phần sách, nêu rõ kinh tế Trung Quốc hướng tới phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ những năm 80. Lúc này, Trung Quốc đề cập tới việc cho quân đội tham gia làm kinh tế, phục vụ mục đích chung.

Thời kỳ này, chi phí cho quân đội so với tổng thu nhập cả nước giảm mạnh. Theo nhà nghiên cứu kinh tế quốc phòng Chiêm Vĩ, tỷ lệ này giảm từ 10% xuống 8%, sau đó giảm tiếp còn 6%. Trước tình hình đó, giới Bắc Kinh cho phép quân đội thành lập doanh nghiệp để giải quyết vấn đề tài chính, chi phí quân sự, đồng thời yêu cầu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thực hiện tốt khẩu hiệu “tự hoàn thiện, tự phát triển, tự hạn chế”.

Tuy nhiên, khẩu hiệu này sau đó được chứng minh là “rỗng tuếch”. Giới phân tích kinh tế cho rằng doanh nghiệp quân đội ngay khi sinh ra đã được hưởng ưu đãi. Trung Quốc thời những năm 80 dành những điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp quân đội về giấy phép, thuế, phạm vi kinh doanh. Ví dụ như doanh nghiệp địa phương phải đóng thuế thu nhập 33%, trong khi doanh nghiệp quân đội là 9,9%. Đến năm 1994, khi Trung Quốc cải cách mức thuế, doanh nghiệp quân đội vẫn không bị tăng thuế.

Trong số các doanh nghiệp quân đội tiêu biểu ở Trung Quốc có Tập đoàn Tam Cửu, Tập đoàn Tân Hưng thuộc Tổng cục Hậu cần, Tập đoàn Bảo Lợi thuộc Tổng cục Tham mưu, Tập đoàn Khải Lợi thuộc Tổng Cục Chính trị, Tập đoàn Tân Thời Đại thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng, Công ty Trường Thành, Công ty Trường phong thuốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ. Các doanh nghiệp này có điểm chung là sử dụng bất động sản của quân đội, một phần vốn của Bộ Quốc phòng và vốn vay của ngân hàng.

Một số doanh nghiệp được hưởng “đặc quyền”, trở thành đơn vị kinh doanh tổng hợp với số vốn và nhân lực khổng lồ. Đơn cử như Tập đoàn Bảo Lợi kinh doanh từ vận tải hàng không, du lịch, bất động sản, thương mại. Vốn đăng ký ban đầu của Bảo Lợi là 1,5 tỷ nhân dân tệ, sau đó tăng trưởng đến mức có tổng vốn 14 tỷ tệ, đồng thời có hai công ty con kinh doanh hàng không ở Hong Kong.

Tập đoàn Tân Hưng có hơn 100 công ty con, 180.000 nhân viên, doanh thu hàng năm hơn một tỷ tệ. Đơn vị này kinh doanh bất động sản, khách sạn, gang thép, dược phẩm, du lịch, xuất nhập khẩu.

Theo thống kê của People’s Daily, trong 1.500 doanh nghiệp quân đội có 95% là đơn vị kinh doanh cỡ vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp lớn chiếm 2/3 tổng doanh thu từ việc quân đội làm kinh tế.
 

Giao thời

“Quân đội làm kinh tế, điều này ở các nước phát triển không có, chỉ có ở các nước đang phát triển. Nó chỉ tồn tại trong những nền kinh tế có sức sản xuất thấp, phân công xã hội đơn giản”, People’s Daily trích lời một sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu PLA.

“Lịch sử đã chứng minh, khi quân đội và kinh doanh kết hợp, nhất định sẽ là quân đội tham nhũng, kinh doanh tham nhũng, hoàn toàn không có lợi cho việc quân đội phát huy tính năng vốn có”, nhà nghiên cứu Chiêm Vĩ nói.

Hơn 10 năm quân đội Trung Quốc làm kinh tế không phải dài, cũng không quá ngắn. Lịch sử chứng minh, việc quân đội và cảnh sát vũ trang làm kinh tế để bù đắp thiếu hụt chi tiêu, cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng vũ trang, phụ giúp gia đình cán bộ, chiến sĩ, đã phát huy tác dụng nhất định. Tuy nhiên, theo đà cải cách sâu rộng và phát triển kinh tế ở Trung Quốc, những mặt xấu trong việc quân đội làm kinh tế dần lộ rõ, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng kéo dài. Song điều này không được People’s Daily đưa con số thống kê cụ thể.

Năm 1991 đến 1993, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu quân đội thanh lý, chỉnh đốn việc kinh doanh, đồng thời lệnh cho các đơn vị tác chiến không được phép tham gia thị trường. Tuy nhiên, kết quả của việc chỉnh đốn không thể hiện rõ, thậm chí không diệt được nạn tham nhũng do PLA làm kinh tế.

Vì thế, Trung Quốc quyết định dừng cho phép quân đội làm kinh tế. Theo People’s Daily, quyết định của Trung Quốc thời điểm đó vẫn vấp phải nghi ngại về việc liệu có có biện pháp buộc PLA rút khỏi hoạt động kinh doanh.

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Giang Trạch Dân về việc yêu cầu PLA dừng hoạt động kinh doanh, các quân khu ở Trung Quốc bắt đầu tổ chức hội nghị triển khai. Lãnh đạo các đơn vị PLA thể hiện quyết tâm dừng tham gia kinh doanh trong quân đội.

PLA lập cơ quan chuyên trách, khởi thảo “Phương án thực hiện quyết định không làm kinh doanh với quân đội, cảnh sát vũ trang”. Sau đó, các nhóm kiểm tra, giám sát thực hiện quyết định của ông Giang được thành lập.

Từ cuối tháng 10/1998, nội bộ PLA bước vào giai đoạn “chuyển giao và tiếp nhận” đối với các đơn vị làm kinh tế, thực hiện kiểm tra sổ sách, giao về cho cấp nhà nước hoặc cấp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương. Kế hoạch bàn giao dự kiến đến hết năm 1998, song chỉ một tháng sau đã có những kết quả rõ rệt.

Tiến sỹ Lý Hiểu Đinh (Li Xiaoting) của Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, hôm 11/7 nói với BBC rằng “những sĩ quan có thái độ chuyên nghiệp hơn trong quân đội Trung Quốc từ lâu phản đối việc quân đội tham gia kinh tế và thương mại”.

“Dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, hiện đại hóa quân đội phải đi sau hiện đại hóa đất nước, vì vậy ngân quỹ quân đội được giữ ở mức tối thiểu cho đến giữa thập niên 90. Năm 1998, Trung Quốc tăng ngân sách đáng kể cho quân đội, tránh việc PLA phải làm kinh tế để duy trì hoạt động”, ông Lý nói.

Tháng 3/2016, báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, khẳng định quân đội cần tập trung vào việc bảo vệ đất nước thay vì làm kinh tế. "Việc làm lệch đi nhiệm vụ cốt lõi sẽ chỉ mang lại những mối hiểm họa", báo viết.

Ông Tập quyết định PLA sẽ buộc phải dừng mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng ba năm. Dù bị cấm kinh doanh từ năm 1998, PLA vẫn giữ một số công ty dịch vụ công như bệnh viện, nhà xuất bản, đoàn kịch quân đội.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.