Ảnh mang tính minh họa. |
Nếu viêm tai ngoài không điều trị kịp thời có thể lan đến viêm tai giữa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực gây điếc.
Bệnh hay gặp sau đi bơi
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y cho biết, viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng ống tai, phần ngoài cùng trong cấu trúc tai (đoạn chạy từ lỗ tai ngoài đến màng nhĩ). Thông thường, viêm tai ngoài do tai tiếp xúc với nguồn nước bẩn trong hồ bơi hoặc ao hồ gây ra bởi vi khuẩn, nhưng đôi khi có thể do virus hoặc nấm. Các cảm nhận thường thấy là ngứa trong tai, đau tai (tình trạng đau tăng dần có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt của bạn như khó há miệng, nhai ngáp đều đau, thậm chí đau không ngủ được). Nhiều trường hợp bị viêm tai ngoài lại có dấu hiệu nghe giảm, hay chảy dịch lỏng hoặc mủ từ trong tai ra ngoài, khi ấn hoặc kéo tai thấy đau…
Giải thích lý do vì sao, bệnh hay gặp khi đi bơi, PGS Phạm Thị Bích Đào cho biết, ống tai ngoài có lớp lông, da, biểu bì và các tuyến ráy tiết ra ở tai giúp bảo vệ, chống lại vi trùng gây bệnh. Nhất là hệ thống tuyến ráy tai - phủ lên lớp da ống tai ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Do đó, mỗi lần bơi, cảm giác nước vào tai và bạn thường xuyên sử dụng tăm bông, ngón tay, kẹp tóc, mũ bút hoặc bất cứ thứ gì khác để làm sạch tai, nó có thể làm mất đi ráy tai bảo vệ hoặc làm trầy xước da, vi khuẩn có thể xâm nhập vào ống tai và gây nhiễm trùng. “Nếu nói một cách hài hước, bạn có thể coi bệnh lý viêm tai ngoài như một món quà lưu niệm không mong muốn sau kỳ nghỉ ở bể bơi hay ra biển. Tuy nhiên, viêm tai ngoài không chỉ gặp khi bơi lội mà xuất hiện ngay cả khi không hề tiếp xúc với nước nhưng thường xuyên sử dụng vật để lau chùi tai”, PGS. TS Bích Đào lưu ý.
Thậm chí, bệnh có thể xảy ra ngay cả với những người dùng nút tai tránh nước vào tai (nếu không biết cách sử dụng hoặc sử dụng quá lâu việc nút tai này). Nguyên nhân là khi, ống tai thường xuyên bị ẩm do nước, có thể làm bong mất lớp ráy tai và làm mềm da, giúp vi trùng dễ dàng xâm nhập hơn vào tổ chức dưới da gây bệnh.
Theo PGS Phạm Thị Bích Đào, mặc dù viêm tai ngoài do bơi có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên do ống tai của trẻ hẹp, khó thoát nước.
Hầu hết viêm tai ngoài cảm thấy tốt hơn trong vòng 2 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Nhưng đôi khi, bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị sẽ trở thành mạn tính khi biểu hiện viêm tai không khỏi trong 3 tháng, nếu mắc loại vi khuẩn kháng thuốc, nấm, dị ứng hoặc các tình trạng da như bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm.
Đáng lưu ý, đôi khi, vi khuẩn có thể lan sâu hơn vào da hoặc đến các bộ phận khác trên cơ thể người bệnh. PGS Bích Đào cũng cho biết thêm, một tình trạng hiếm gặp là viêm tai ngoài ác tính, xảy ra khi nhiễm trùng di chuyển vào xương và sụn trong đầu của người bệnh. Đây là một cấp cứu y tế, phổ biến nhất ở người già mắc bệnh tiểu đường và người nhiễm HIV hoặc các suy giảm về hệ miễn dịch khác. Đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng như này phải dùng kháng sinh mạnh hoặc phải tiêm kháng sinh tĩnh mạch.
Ngoáy tai cũng cần đúng cách
“Trong trường hợp nghi ngờ bị viêm tai ngoài, người bệnh nên sử dụng máy sấy tóc để làm khô tai sau khi cảm nhận được nước vào tai khi bơi (cẩn thận để đảm bảo không khí không quá nóng).
Tuyệt đối, dừng các hoạt động bơi lặn, nên đi khám bác sĩ tai mũi họng. Đừng tự làm bất cứ điều gì vào tai của bạn trừ khi được bác sĩ hướng dẫn để làm như vậy. Nếu người bệnh bị tiểu đường hoặc dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, viêm ống tai ngoài tiên lượng nặng, cần có sự thăm khám hỗ trợ của thầy thuốc tai mũi họng ngay. Tuyệt đối không ngoáy tai, không nắn bóp nhiều vào vùng tai viêm. Chỉ bơi lặn trở lại khi được bác sĩ chuyên khoa khẳng định tình trạng viêm đã ổn định”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, TS Đào khuyến cáo, người dân cần giữ tai luôn sạch sẽ và khô ráo. Làm khô tai bằng khăn sau khi bơi hoặc tắm bằng cách nghiêng đầu và kéo dái tai của bạn theo các hướng khác nhau trong khi tai của bạn hướng xuống. Bạn có thể làm khô tai bằng máy sấy tóc đặt ở chế độ thấp nhất và giữ nó cách tai ít nhất một khoảng (khoảng 0,3 mét).
Tránh đặt các đồ vật như tăm bông hoặc ngón tay của bạn vào ống tai hoặc tự lấy ráy tai - cả hai hành động này có thể làm hỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu tai không bị thủng màng nhĩ, bạn có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ tai không cần kê đơn hoặc các loại nút tai khi bơi.