| Hotline: 0983.970.780

Cải cách & Phát triển

Viện Cây ăn quả Miền Nam tinh gọn bộ máy hoạt động

Thứ Sáu 01/12/2023 , 10:05 (GMT+7)

TIỀN GIANG Để việc nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học được thuận lợi, Viện Cây ăn quả Miền Nam quan tâm công tác cải cách hành chính, cởi bỏ nhiều thủ tục.

Với tầm nhìn xa trong việc phát huy tiềm năng cây ăn quả nước nhà, ngày 26/3/1994 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập Trung tâm Cây ăn quả Long Định (trụ sở tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và đến năm 1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lại ký quyết định chuyển Trung tâm Cây ăn quả Long Định thành Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Cán bộ, viên chức Bộ môn Sau thu hoạch - Viện Cây ăn quả Miền Nam trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Cán bộ, viên chức Bộ môn Sau thu hoạch - Viện Cây ăn quả Miền Nam trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Minh Đảm.

Từ ngày 1/1/2010, Viện Cây ăn quả miền Nam trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) với chức năng nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh, tư vấn… trong lĩnh vực cây ăn quả và rau, hoa, cây cảnh cho các tỉnh, thành miền Nam.

Trải qua gần 30 năm lao động bền bỉ và sáng tạo, phấn đấu không ngừng của nhiều cán bộ, công nhân viên, Viện Cây ăn quả miền Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực nghiên cứu cây ăn quả, rau, hoa và thu được những kết quả rất đáng khích lệ.

Nghiên cứu song hành với chuyển giao

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện Cây ăn quả Miền Nam được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ trọng điểm, điển hình là 1 nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia, 11 đề tài, dự án cấp Bộ, 3 dự án hợp tác quốc tế... Viện xác định công tác chọn tạo giống cây ăn quả, rau và hoa là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược nghiên cứu dài hạn.

Tính đến năm 2022, Viện đã tạo được 22 giống cây trồng mới bằng kỹ thuật lai tạo và xử lý đột biến. Cùng với đó, tuyển chọn ra hơn 68 giống đầu dòng cây ăn quả các loại để cung cấp cho các địa phương, nhân thành các vườn cây đầu dòng. Tuyển chọn được 4 tổ hợp gốc ghép chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn, 19 giống (hoặc dòng) chịu mặn, 7 giống gốc ghép chống chịu ngập, 4 giống gốc ghép cây có múi chống chịu bệnh thối rễ và 4 giống gốc ghép chống chịu với nấm Phytophthora sầu riêng.

Bên cạnh đó, Viện còn nghiên cứu, xây dựng trên 50 quy trình công nghệ trong sản xuất giống, thâm canh cây ăn quả, rau, hoa và quản lý dịch hại tổng hợp…  Trong đó có 15 quy trình kỹ thuật và công nghệ tiêu biểu đã được ứng dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Ngoài ra, phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ, trong đó tiêu biểu là 6 sản phẩm: SOFRI Protein, SOFRI-Trừ kiến, SOFRI- Trichoderma, SOFRI-Paecilomyces, SOFRI-Streptomyces, SOFRI-BTEC.

Từ những sản phẩm khoa học của mình, Viện Cây ăn quả Miền Nam đã chuyển giao các giống mới cho sản xuất với quy mô trên 45.000ha canh tác và quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến quy mô trên 60.000ha cho các tỉnh phía Nam.

Giống sầu riêng RM22 và RM22 do Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo. Ảnh: Sofri.

Giống sầu riêng RM22 và RM22 do Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo. Ảnh: Sofri.

Trong giai đoạn 2018 – 2022, Viện đã đào tạo tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cây ăn quả, rau, hoa cho khoảng 7.500 lượt người tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ, miền Trung và Tây nguyên… với nhiều lĩnh vực và đa dạng về nội dung tập huấn như: kỹ thuật canh tác nâng cao chất lượng, năng suất rau quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp, bảo quản sau thu hoạch, thị trường, nâng cao năng lực quản trị và liên kết nhóm sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh, còn phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn quả tại vùng ĐBSCL, xây dựng Bệnh viện cây trồng tại Viện và các tỉnh ĐBSCL… Ngoài ra, giai đoạn 2018-2022, Viện thực hiện 5 dự án hợp tác quốc tế viện trợ không hoàn lại với New Zealand, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Hàn Quốc.

Tinh gọn bộ máy hoạt động

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay Viện đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, là một đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập, Viện đã và đang tự chủ được khoảng 30% chi phí hoạt động, nguồn thu đến từ các dịch vụ khoa học công nghệ mang lại.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (phải) thăm giống sầu riêng do Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (phải) thăm giống sầu riêng do Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo. Ảnh: Minh Đảm.

Với sự khuyến khích của VAAS, Viện chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay, Viện có 2 đơn vị nghiệp vụ, 5 bộ môn nghiên cứu, 2 trung tâm trực thuộc so với năm 2014, giảm được 1 phòng chức năng, 3 bộ môn, 1 trại thực nghiệm và 1 công ty.

Trong năm đầu thành lập 1994 - Viện chỉ có 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ. Nhờ có hướng đi chiến lược “trồng người”, bằng nhiều con đường khác nhau Viện đã và đang tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân sự cho nghiên cứu - giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật trong ngành rau quả. Đến năm 2023, Viện có 103 người, trong đó có 17 tiến sĩ, 23 thạc sĩ, 39 cử nhân và kỹ sư, còn lại là cán bộ hỗ trợ.

Giai đoạn này, Viện chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự kế thừa. Thông qua các chương trình học bổng Nhà nước, hợp tác trao đổi, sự giúp đỡ của Chính phủ Ấn Độ, New Zealand, lãnh thổ Đài Loan, Hungary,… Viện đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn, hội nghị, hội thảo và đào tạo sau đại học trong và ngoài nước. Từ năm 2015 đến năm 2022, đã có 15 tiến sỹ, 11 thạc sĩ được đào tạo, trong đó có 9 tiến sĩ và 4 thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài.

Viện Cây qủa Miền Nam luôn quan tâm 'cởi trói' cho các nhà khoa học khỏi những thủ tục phức tạp trong quyết toán kinh phí dự án. Ảnh: Minh Đảm.

Viện Cây qủa Miền Nam luôn quan tâm "cởi trói" cho các nhà khoa học khỏi những thủ tục phức tạp trong quyết toán kinh phí dự án. Ảnh: Minh Đảm.

Viện đã vận dụng linh hoạt các thông tư, quy định, hướng dẫn (đặc biệt là Thông tư liên tịch 27/2015 của liên bộ: Khoa học và Công nghệ - Tài chính) để “cởi trói” cho các nhà khoa học trong việc thực hiện các thủ tục quyết toán kinh phí nghiên cứu các dự án, nhiệm vụ khoa học.

“Trước đây, các thủ tục quyết toán kinh phí sự thực chiếm mất nhiều thời gian, công sức - từng được các nhà khoa học kiến nghị rất nhiều rồi. Ngoài ra, còn nhiều quy định cứng, hoặc không có hướng dẫn hay hướng dẫn chung chung bó buộc khiến nhà nghiên cứu rất e ngại. Hiện cơ chế được vận dụng linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho toàn hệ thống nghiên cứu”, một cán bộ có trách nhiệm cho biết.

Ngoài ra, công tác điều hành của lãnh đạo Viện đã giúp ổn định và nâng cao thu nhập cho đội ngũ, cán bộ công nhân viên yên tâm làm việc thông qua việc phân bổ hợp lý các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Nhờ quan tâm công tác cải cách hành chính, nhất là cởi trói khỏi các thủ tục phức tạp trong quyết toán kinh phí của những dự án mà thời gian qua đội ngũ cán bộ, viên chức, công nhân viên của Viện Cây ăn quả Miền Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng là chỗ dựa cho nhà vườn. Những thành quả đó của Viện Cây ăn quả Miền Nam đã được sự ghi nhận, khen thưởng, động viên của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.