| Hotline: 0983.970.780

Viện Lúa ĐBSCL đón Huân chương Độc lập hạng Nhất

Thứ Tư 28/01/2015 , 09:31 (GMT+7)

Kỷ niệm 38 năm thành lập (1977 - 2015), ngày 29/1, Viện Lúa ĐBSCL vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng

Đánh dấu một chặng đường phát triển đạt nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật, đóng góp tích cực vào quá trình SX, nâng cao sản lượng lúa gạo xuất khẩu, gia tăng thu nhập cho nông dân.

09-03-30_u1e2nh-viu1ec7n-lu00f-u0110bscl-u1e2nh-lu00chou00c0ng-vu0168-1
Viện Lúa ĐBSCL

Chặng đường vẻ vang

Cách nay 38 năm, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL, tiền thân của Viện Lúa ĐBSCL được thành lập, là đơn vị sự nghiệp khoa học được Nhà nước giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ về cây lúa, những cây trồng luân canh với lúa và hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển KT-XH vùng ĐBSCL.

Trải qua những năm đầu gian nan, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, nhưng với lòng nhiệt quyết khát vọng đổi đời từ cây lúa của những cán bộ khoa học thế hệ tiên phong đã nỗ lực nghiên cứu tạo chọn các giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, kết quả góp phần thắp sáng bức tranh lương thực trong bối cảnh thiếu đói sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong thập niên đầu tiên, Viện Lúa ĐBSCL đã gây ấn tượng mạnh với dòng lúa OM (Viện Lúa Ô Môn), dần dần lan rộng trên khắp đồng ruộng, gần gủi đời sống nông dân ĐBSCL. Các giống lúa OM có đặc tính thích nghi cao, đưa năng suất lúa từ 2 - 3 tấn tăng lên 6 - 7 tấn/ha/vụ và còn hơn thế nữa, đáp ứng được sự mong mỏi của hàng triệu người.

Tựa như câu chuyện thần kỳ, các giống lúa ngắn ngày tạo điều kiện thâm canh, tăng vụ, góp phần gia tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL từ 4 triệu tấn/năm đến nay vượt trên 25 triệu tấn/năm, tăng hơn gấp 6 lần.

Viện Lúa ĐBSCL phát triển như hôm nay nhờ sự vun đắp công sức của các lãnh đạo tiền nhiệm qua các thời kỳ như thầy Trần Như Nguyện, GS.TS. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Luật, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, GS.TS Bùi Chí Bửu… cùng với sự đoàn kết một lòng của nhiều thế hệ CBCNV từ khắp mọi miền đất nước.

Viện Lúa ĐBSCL ngày nay xây dựng khang trang, với trang thiết bị, trình độ nghiên cứu được nâng cao, hợp tác quốc tế mở rộng. Những thành quả nghiên cứu giúp nâng cao hiệu quả SX lúa khẳng định vai trò của viện - sức cống hiến của đội ngũ nhân lực trình độ cao xứng tầm với một viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Trong các chương trình hợp tác nghiên cứu, viện đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN quan trọng, nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp Bộ và hàng trăm đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế và các địa phương trong vùng góp phần giải quyết các vấn đề KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với thành công trong việc sử dụng các phương pháp truyền thống trong chọn tạo giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL tiếp cận được trình độ và những thành tựu mới nhất về KHCN, đặc biệt là công nghệ sinh học, tạo ra những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với các vùng sinh thái, không thua kém các nước trong khu vực.

Thành tựu nổi bật

Đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo giống và được công nhận đưa vào SX 166 giống lúa. Hầu hết các giống lúa do viện chọn tạo với ký hiệu OM đều có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90 - 100 ngày. Viện chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày, nhóm Ao (các giống OMCS) vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và tính chống chịu sâu bệnh tốt, giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ.

Nhờ nhóm giống lúa ngắn ngày đã giúp nông dân ĐBSCL làm tăng thêm vụ 3 với trên 800.000 ha, mỗi năm sản lượng tăng thêm khoảng 4 triệu tấn lúa.

Đặc biệt khi tình hình dịch hại, rầy nâu xuất hiện với mật số cao, viện đã kịp thời chọn tạo và phóng thích các giống lúa mới có khả năng chống chịu với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ lúa gạo có xu hướng chuyển đổi, viện đã nhanh chóng nghiên cứu chọn tạo và đưa vào SX nhiều giống lúa mới cao sản có chất lượng cao, gạo thơm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

09-03-30_nghiu00en-cu1ee9u-giu1ed1ng-lu00f-mu1edbi-u1edfviu1ec7n-lu00f-u0110bscl-u1e3nh-lhv
Nghiên cứu lúa

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, đến nay Viện Lúa ĐBSCL đã đóng góp 5 giống trong số 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước. Riêng ở ĐBSCL trong 10 giống chủ lực được trồng phổ biến nhất và có diện tích gieo trồng cao nhất đã có 8 giống do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo, chiếm trên 70% diện tích gieo trồng.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện “Công tác giống cây trồng, vật nuôi” mới đây (ngày 5/12/2014) của Bộ NN-PTNT, chỉ riêng 4 giống lúa chủ lực của Viện Lúa ĐBSCL như OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 4900 chiếm 40 - 60% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL.

Trong bối cảnh mở cửa có nhiều giống lúa lựa chọn đưa vào SX, nhưng nông dân vẫn chọn giống lúa của viện với tỷ lệ cao như vậy đã khẳng định vị thế và tính năng vượt trội của các bộ giống lúa OM. Hơn nữa, trong những năm qua nhiều giống lúa OM đã được trồng thử nghiệm và chứng tỏ khả năng thích nghi rất tốt ở nhiều nước như Campuchia, Lào, Brunei, các nước Nam Á và châu Phi.

Hằng năm Viện Lúa ĐBSCL tổ chức SX và cung ứng hàng trăm tấn giống siêu nguyên chủng, hàng ngàn tấn giống nguyên chủng và giống xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các địa phương, góp phần đưa tổng diện tích SX lúa ở ĐBSCL sử dụng hạt giống lúa đạt tiêu chuẩn các cấp, năm 1999 từ dưới 10% lên gần 40%.

Nếu tính theo cách của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), KHCN đóng góp khoảng 30 - 40% vào sự gia tăng sản lượng lúa thì việc gia tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên trên 25 triệu tấn hiện nay là nhờ có sự đóng góp quan trọng của Viện Lúa ĐBSCL.

Kết quả chuyển giao kỹ thuật

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, Viện Lúa ĐBSCL đã xây dựng 16 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp quốc gia, 42 quy trình kỹ thuật cấp cơ sở; đồng thời phối hợp cùng với các cơ quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp kỹ thuật ứng dụng hiệu quả rất lớn như gói kỹ thuật thâm canh tổng hợp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; sử dụng công cụ và máy gieo lúa bằng kỹ thuật sạ hàng…

Mặt khác Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu đưa ra biện pháp phòng trừ sinh học, SX thuốc trừ sâu sinh học Ometar/Biovip - hai loài nấm có ích là nấm trắng và nấm xanh, giúp nông dân phòng trừ sâu, rầy hại lúa rất hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả các giải pháp KHCN được viện chuyển giao đưa vào SX đã góp phần nâng cao năng suất lúa bình quân trên 5,7 tấn/ha, cao trên 1,5 lần so Thái Lan, đứng đầu khu vực ASEAN.

Ngày nay cùng với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Viện Lúa ĐBSCL thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng; thông qua tổ chức tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, sau đại học, tiến sỹ. Viện trở thành một trung tâm KHCN có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của vựa lúa ĐBSCL và cả nước, góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia và tạo ra một lượng gạo hàng hóa xuất khẩu lớn trên thế giới.

Với những thành tích đạt được Viện Lúa ĐBSCL đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý:

Huân chương Lao động hạng Ba năm 1986, hạng Nhì năm 1990, hạng Nhất năm 1996.

Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2002, hạng Nhì năm 2007, hạng Nhất năm 2014.

Nhiều năm liền được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.

Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2000.

GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000.

Giải thưởng Kovalepskaia cho tập thể các nhà khoa học nữ thuộc Phòng Di truyền giống (1995) và cá nhân TS. Nguyễn Thị Lộc (2012).

10 nhà khoa học được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2000.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.