| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam có quyền khai thác vùng biển chủ quyền

Thứ Tư 15/06/2011 , 11:16 (GMT+7)

“Ngư dân Việt Nam hoàn toàn được phép khai thác ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Không ai có quyền ngăn cản..."- TS Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định.

“Ngư dân Việt Nam hoàn toàn được phép khai thác ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Không ai có quyền ngăn cản ngư dân VN khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN”- TS Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định với NNVN hôm qua (14/6).

Thời gian qua, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đòi tiền chuộc, phá hỏng, đốt tàu… khiến ngư dân hoang mang, lo lắng. Theo ông Chu Tiến Vĩnh, ngư dân cần hiểu rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN trong phạm vi nào để khai thác, tránh lấn sang vùng biển nước bạn.

“Vùng đặc quyền kinh tế là vùng tiếp liền lãnh hải VN và hợp với lãnh hải VN thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải VN. Thềm lục địa của VN bao gồm đáy biển và lòng đất đưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa VN mở rộng ra ngoài lãnh hải VN cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải VN không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Chúng ta có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN”-ông Vĩnh khẳng định.

Trên thực tế có nhiều ngư dân bị bắt khi khai thác trên vùng biển giáp ranh, chồng lấn. Theo ông, phía nước bạn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý?

Nếu ngư dân khai thác sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài, thì nước đó có quyền bắt giữ, xử phạt theo luật. Còn nếu đánh bắt trên vùng giáp ranh, vùng biển chồng lấn, chưa được phân định rõ ràng, thì nên đối xử với ngư dân một cách nhân đạo, nhất là trong điều kiện sóng gió, dòng chảy, phương tiện thông tin liên lạc chưa tốt. Đã có những trường hợp tàu thuyền của Malaysia, Thái Lan xâm phạm vào vùng biển VN. Các lực lượng chức năng của ta đối xử rất nhân đạo. Chúng ta chỉ lập biên bản, xử phạt theo hình thức hữu nghị, sau đó phóng thích toàn bộ tàu và người vi phạm. Về phía Việt Nam, chúng tôi không khuyến khích ngư dân đánh bắt tại các vùng biển chồng lấn.

Sau khi có thông tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, chúng tôi luôn cố gắng can thiệp nhanh nhất bằng cách phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương để xác nhận sự việc, kịp thời can thiệp, hoàn thiện thủ tục để tiếp nhận tài sản và số ngư dân được trao trả. Song hoạt động tàu cá trên biển diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Có một số ít ngư dân dù biết được ranh giới các vùng biển song vẫn vi phạm, chưa ý thức hậu quả khôn lường và bất trắc mà họ gánh chịu.

Từ đầu năm đến nay vẫn có một số tàu cá VN bị Trung Quốc bắt giữ trong vùng đánh cá chung của hai nước, vì sao?

Theo nguyên tắc, chỉ có những tàu có giấy phép mới được phép vượt qua khỏi đường phân định vùng đánh cá chung kèm theo các hoạt động khai thác theo quy định. Nếu tàu cá Trung Quốc vượt qua khỏi phía tây đường phân định thì các lực lượng như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng VN có quyền kiểm tra giấy phép và ngược lại. Nếu tàu bên nào không có giấy phép, bên còn lại có quyền xử phạt theo quy định về quản lí nghề cá riêng của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp tàu cá hai bên không có giấy phép vùng đánh cá chung nhưng đang gặp nạn, bị trôi dạt hoặc đi trú bão mà phải vượt qua khỏi đường phân định thì không bị xử phạt, với điều kiện là tàu đó không có biểu hiện hoạt động đánh bắt.

Trong trường hợp này chủ tàu phải tìm cách nhanh chóng liên lạc với lực lượng chức năng trên biển để kịp thời ứng cứu. Tàu gặp nạn cũng cần liên lạc về Ban chỉ đạo PCLB TƯ và Bộ Ngoại giao để kịp thời báo cáo với phía nước bạn hợp tác cứu nạn. Ngư dân nên ngừng hẳn hoạt động đánh bắt, cất lưới và ngư cụ xuống hầm tàu. Nếu lưới và ngư cụ vẫn trên boong tàu (có thể không đánh bắt), tàu đó vẫn bị kết luận là đánh bắt trái phép và bị bắt giữ.

Đối với thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ có được Nhà nước hỗ trợ?

Chính phủ đã có QĐ 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 về hỗ trợ khai thác hải sản. Đối tượng là thuyền viên hoạt động trên các tàu đã đăng ký tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa bị nước ngoài bắt, giam giữ. Đối tượng bị bắt có con dưới 18 tuổi và những người thân khác trên 60 tuổi sống phụ thuộc vào thuyền viên bị giam giữ ở nước ngoài.

Điều kiện được hỗ trợ là tàu cá đã đăng ký thường xuyên khai thác trên các vùng biển xa, có giấy phép khai thác còn hiệu lực, không vi phạm các quy định pháp luật về thủy sản và các quy định pháp luật khác liên quan. Đồng thời có giấy xác nhận tàu cá, thuyền viên bị nước ngoài bắt, giam giữ, xử phạt tại nước tàu bị bắt giữ…

VN đàm phán hợp tác quốc tế về khai thác đến đâu, thưa ông?

Trong năm 2010 và đầu 2011 đến nay, VN đã hoàn tất việc đàm phán và ký kết xong văn bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá với nhiều nước Asean như Indonesia, Myanma, Philippines. Theo đó, các tổ chức, DN hoạt động về khai thác, chế biến hải sản của VN sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện để được sang vùng biển của các quốc gia trên hợp tác đầu tư.

Theo dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn I, hiện tại Chính phủ đã cấp 7.000 máy trực canh giúp ngư dân chủ động có thông tin cảnh báo bão. Giai đoạn 2 sắp tới, Chính phủ sẽ trang bị thêm 23.000 máy trực canh, chủ yếu cho các tàu công suất lớn.

Riêng với Malaysia cũng đang mong muốn có hợp tác nghề cá với VN và Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục làm việc trong thời gian tới. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm 2011 việc khai thác hải sản của ngư dân nước ta tại các nước lân cận sẽ có sự thống nhất và cụ thể hơn nhằm giảm tới mức tối đa mọi sự tranh chấp không đáng có, đồng thời bảo đảm quyền lợi của ngư dân nước ta khi khai thác trên ngư trường.

Chúng ta khuyến cáo gì để ngư dân không đánh cá trên vùng biển nước ngoài?

Chúng tôi đã có các bản đồ hướng dẫn khai thác, có sơ đồ các vùng giáp ranh trên biển và đề nghị ngư dân nên đi khai thác theo tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau. Tuyệt đối không vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài và vùng lãnh thổ khác, cần thận trọng và lưu ý khi khai thác ở các vùng biển giáp ranh trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tránh chuyện vô tình vi phạm. Khi gặp các sự cố trên biển, ngư dân tìm cách thông báo nhanh về cho cơ quan chức năng để được giải quyết một cách tốt đẹp nhất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất