| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đã cử 400 chuyên gia hỗ trợ nông nghiệp châu Phi

Thứ Ba 10/09/2019 , 15:58 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi sau 10 năm đã tăng trưởng 300%, đạt 20,5 tỷ USD năm 2018.

Các đại biểu Việt Nam và đại sứ các nước châu Phi, Trung Đông tọa đàm tiêm năng hợp tác nông nghiệp, thủy sản.

Phát biểu tại Hội thảo tiềm năng, mô hình hợp tác nông nghiệp, thủy sản Việt Nam - Trung Đông - châu Phi do Bộ NN-PTNT và Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 10/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Việt Nam hiện là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông, châu Phi bởi đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông, châu Phi, có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với tổng kim ngạch hai chiều tính đến năm 2018 đạt trên 20,5 tỷ USD, tăng 300% so với năm 2008.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Đông đạt 8,8 tỷ USD và sang châu Phi đạt 2,9 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD (nhập khẩu từ Trung Đông đạt 5,1 tỷ USD và từ châu Phi đạt 3,7 tỷ USD). Riêng trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi là 6,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, tăng 10% so với 2017.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp nhận trên 2,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực Trung Đông, châu Phi. Việt Nam cũng đã triển khai thành công nhiều mô hình hợp tác song phương, ba bên, bốn bên, với sự hỗ trợ của một số quốc gia phát triển và tổ chức quốc tế.

Chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ các dự án lương thực, thực phẩm tại các nước châu Phi.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong lĩnh vực nông nghiệp những năm qua Việt Nam đã cử trên 400 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như: Mozambique, Benin, Guinea, Senegal... Nhờ sự trợ giúp tận tình của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, năng suất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản tại các dự án thí điểm đều tăng, từng bước góp phần giúp các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Việt Nam ghi nhận những đóng góp hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi từ các Quỹ Ả Rập, Quỹ Kuwait... cho các địa phương của Việt Nam triển khai các dự án xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và phát triển nông thôn tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông, châu Phi có rất nhiều tiềm năng, định hướng hợp tác trong thời gian tới. Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến, diễn đàn kết nối các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội giữa Việt Nam và Trung Đông, Châu Phi để các bên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

“Đề nghị các nước Trung Đông hỗ trợ tài chính cho các chương trình hợp tác ba bên để Việt Nam tiếp tục cử chuyên gia sang thực hiện các dự án đảm bảo an ninh lương thực cho các nước châu Phi. Đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông, Châu Phi hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, rau quả, thủy sản...” Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý.

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, mô hình tại các nước châu Phi.

Theo PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), sau những thành công tại các dự án hợp tác phát triển lúa gạo tại Venezuela; Dự án nghiên cứu, phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mozambique….khi nâng gấp đôi năng suất lúa so với giống bản địa cũng như giúp nhiều nước tăng từ 1 lên 2 vụ lúa/năm, hiện giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi có những triển vọng hợp tác trong lĩnh vực như: Chuyển giao nguồn gen cây lượng thực, cây thực phẩm. Chọn tạo giống cây trồng, sản xuất hạt giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phát triển chuỗi giá trị thực phẩm. Đào tạo nguồn nhân lực cho các nước châu Phi. Xây dựng Trung tâm xuất sắc hợp tác Nông nghiệp Nam - Nam, đề nghị hỗ trợ của FAO, IFAT và các tổ chức quốc tế.

Còn PGS. TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Ria1), hiện Ria1 đã và đang hỗ trợ các mô hình nuôi cá trê, rô phi,… tại một số nước châu Phi thông qua đào tạo chuyên gia, tập huấn nông dân, sinh viên với kết quả đạt được rất khả quan. Theo Ria1, hiện ngồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên tại các nước châu Phi cũng bắt đầu suy giảm và cạn kiệt, trong khi các mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt, lợn và mặn vẫn chưa được các nước bản địa quan tâm nên đây là tiềm năng rất lớn đề hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi, nhất là con cá rô phi và trê phi bởi có thể nâng cao năng suất gấp tới 7 lần.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các nước Trung Đông, châu Phi đề xuất, kiến nghị cần thí điểm mô hình hợp tác công tư (PPP) theo hình thức hợp tác ba bên giữa Trung Đông - Việt Nam - châu Phi đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản tại một số nước châu Phi, ưu tiên các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh về công nghệ và có nhu cầu tiêu thụ lớn tại thị trường Trung Đông - châu Phi như: lúa gạo, cao su, cà phê, hạt điều, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

 

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.