Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 3 đợt dịch liên tiếp, Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, đưa ra phương thức, cách làm quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, với tinh thần thực hiện “mục tiêu kép”, “thần tốc, thần tốc hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”.
“Chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả các đợt dịch lây lan trong cộng đồng trong suốt 1 năm, chính xác là 14 tháng qua. Việc ngăn chặn Covid-19 của nước ta đã được thế giới đánh giá cao, được ca ngợi trên nhiều diễn đàn, phương tiện thông tin. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn còn tồn tại ở nơi này nơi khác tại các nước, thậm chí tại ASEAN, nhưng chúng ta có kinh nghiệm tốt trong phòng chống. Hiện các địa phương tiếp tục theo dõi chỉ đạo, nhất là vùng vừa trải qua dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong nước hiện cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực. Đặc biệt, đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vacxin. Trong khi đó, nguồn cung ứng vacxin nhập khẩu còn hạn chế và vacxin trong nước dự kiến phải tới quý IV/2021 Việt Nam mới có.
Do đó, cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
Về vấn đề vacxin, tính đến hết ngày 16/3, hơn 16.000 người là các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đã được tiêm vaccine đảm bảo an toàn, các trường họp đã tiêm vaccine đều có tình trạng sức khỏe ổn định. AstraZeneca sẽ cung cấp lịch giao hàng dự kiến cho Việt Nam trong tháng 3/2021.
“Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng làm việc để mua vacxin của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ Đầu tư Nga (Sputnik-V)…
Ngoài nguồn vacxin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vacxin trong nước. Vacxin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động được vacxin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị, tiếp tục thực hiện 5 nguyên tắc phòng chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ. Chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, huy động sức dân, hoạt động hiệu quả của các tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Từ 8/3 đến 16/3, Việt Nam đã triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng ưu tiên tuyến đầu chống dịch. Đến nay, đã có 20.695 người thuộc đối tượng ưu tiên được tiêm vacxin với các phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…