| Hotline: 0983.970.780

"Việt Nam dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng"

Thứ Tư 02/10/2013 , 15:29 (GMT+7)

Báo cáo của ADB và HSBC đều khẳng định Việt Nam đang dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, tuy nhiên cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước.

Ảnh minh họa
Ngày 2/10, cả hai ngân hàng nước ngoài lớn tại Việt Nam đều có báo cáo đánh giá về sự phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng HSBC đã công bố bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 10/2013 với tiêu đề: "Sự nổi lên của kẻ yếu”, trong đó cho rằng Việt Nam đang dần phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã đưa ra triển vọng khá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam dù giữ nguyên dự báo GDP năm nay là 5,2%.

Đang chuyển biến tốt

Theo HSBC, Việt Nam đang trong quá trình hồi phục từ sau giai đoạn khó khăn khi nhu cầu thế giới và trong nước chậm lại trong nửa đầu năm 2013. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện trong nước đang ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng đang tăng nhẹ so với thời kỳ trì trệ trong nửa đầu năm 2013.

Báo cáo Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC trong tháng Chín đã phản ánh quá trình hồi phục khi có mức tăng từ 49,4 điểm trong tháng Tám lên 51,5 điểm trong tháng Chín. Mặc dù vẫn còn yếu do các điều kiện trong nước nhưng chỉ số PMI trong tháng 9 đã cải thiện nhờ vào nhu cầu nước ngoài tăng.

Chỉ số việc làm tăng đặc biệt khích lệ triển vọng phát triển của đất nước trong giai đoạn trung hạn khi mức tăng thu nhập sẽ tác động tích cực tới tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Theo báo cáo, điều đáng ghi nhận là lạm phát toàn phần trong tháng 9 đang chậm lại còn 6,3% từ mức 7,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. HSBC hy vọng lạm phát toàn phần sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới.

“Việt Nam dường như đang hồi phục một cách chậm rãi. Bức tranh vĩ mô ổn định hơn. Dòng vốn FDI đang đổ vào mạnh, tăng hơn 50% so với đầu năm. Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư lâu dài, đặt biệt là từ các nhà đầu tư Đông Á. Samsung, LG Electronics và Foxcom là một vài trong số những nhà sản xuất điện tử quan trọng đang xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam,” báo cáo của HSBC nhận định.

Cũng trong ngày 2/10, ADB đã công bố "Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2013”. Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực ngân hàng, nhưng các cuộc cải cách thường không ổn định và gặp nhiều thách thức.

Tuy nhiên, ông Dominic Mellor, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, tổ chức này vẫn không thay đổi dự báo đối với triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam như đã đưa cách đây 6 tháng.

Theo đó, ADB dự báo mức tăng GDP của Việt Nam năm 2013 vẫn sẽ chỉ đạt 5,2%, thấp hơn so với mục tiêu 5,5% mà Chính phủ đặt ra cũng như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra mới đây là 5,3-5,4%.

Trong năm tới, GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 5,5%, tuy nhiên, mức dự báo này thấp hơn so với triển vọng mà ADB từng đưa ra hồi đầu năm là 5,6%.

Bản cáo cáo của ADB cũng đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập VAMC. Tuy nhiên, ADB cũng lưu ý rằng, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Bản báo cáo cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

“Việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ. Nếu thực hiện được các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng thì đã có thể giảm bớt được rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư," ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định.

Đối với lạm phát, ADB đã điều chỉnh giảm xuống còn 6,5% trong năm nay, do giá lương thực đã giảm nhanh hơn dự kiến. Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên khoảng 7,2% trong năm 2014, do chính sách nới lỏng tiền tệ và nguồn vốn khả dụng tăng.

Đẩy mạnh cải cách cơ cấu

Mặc dù đánh giá cao những chuyển biến của Việt Nam nhưng ADB cũng cho rằng, nếu Việt Nam không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu ớt kéo dài dưới mức 7%-8% như giai đoạn 2002-2007.

Báo cáo chỉ rõ, Chính phủ đã phê duyệt các kế hoạch tái cơ cấu cho một số doanh nghiệp nhà nước và năm sau sẽ cần phải đẩy nhanh việc triển khai. Minh chứng cho những khó khăn trong công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước, Vinashin đã thông báo vào hồi tháng Chín là tập đoàn này sẽ cắt giảm 14.000 việc làm trong quá trình tái cơ cấu.

Các quan chức của ADB băn khoăn, trường hợp của Vinashin có tạo ra một tiền lệ về việc cắt giảm lao động trên quy mô lớn hiện nay đã được cho phép như một phần của quá trình tái cơ cấu.

ADB cũng cho biết, tăng trưởng được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014 so với năm nay. Tiến bộ dần dần trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ cải thiện lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc hạ thấp lãi suất trong năm nay, sẽ tạo đà cho tăng trưởng. Một số biện pháp kích thích tài khóa cũng có khả năng sẽ được áp dụng.

ADB tỏ ra lo ngại, những tiến bộ trong quá trình củng cố hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ không ổn định. Mức độ cấp vốn hiện tại cho VAMC chắc hẳn sẽ không đủ để xử lý một lượng nợ xấu khổng lồ. Hiện nay vẫn chưa rõ liệu Chính phủ có bổ sung thêm vốn cho công ty quản lý tài sản, hay tái vốn hóa cho các ngân hàng thương mại quốc doanh hay không. Thành công của chương trình xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào việc tăng cường khuôn khổ pháp luật về phá sản và thiết lập cơ chế định giá và đấu giá nợ xấu.

Tuy nhiên, với việc VAMC đã bắt đầu ký hợp đồng mua bán nợ từ các tổ chức tín dụng đã làm cho ADB có cái nhìn lạc qua hơn. Ông Kimura khẳng định: “Những tiến bộ dần dần trong việc xử lý nợ xấu sẽ cải thiện được lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo động lực cải thiện hoạt động tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP".

(Vietnam+)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất