| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam giúp Giải phóng quân Trung Quốc trên đất Trung Hoa: Những viên cẩm thạch xây tình hữu nghị

Thứ Sáu 27/09/2019 , 10:18 (GMT+7)

“Vì nghĩa vụ quốc tế cao cả mà một số anh em chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh, nằm lại trên đất nước Trung Hoa. Các anh là những viên cẩm thạch, xây lên tình hữu nghị tốt đẹp thắm đậm tình nghĩa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Hoa”.

Lương y Thân Văn Nhã, cựu chiến binh Tiểu đoàn 426 tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn xúc động mỗi khi nhớ đến những đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế.

Cựu chiến binh Thân Văn Nhã (2019). Ảnh: KMS.


Ký ức tri ân

Tròn 70 năm, cuộc chiến cũng đã lùi xa và những người trong cuộc chiến đó có lẽ cũng ra đi gần hết rồi. Khi tham gia chiến dịch, ông Thân Văn Nhã còn rất trẻ, mới 17 tuổi. Đến nay, gần 90 tuổi đời, ông vẫn cặm cụi tìm thông tin trên mạng Internet với hy vọng mong manh tìm lại đồng đội trong chiến dịch nhưng không có hồi âm. Ông tự nhủ, không biết có ai viết lại kỷ niệm về Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn cho hậu thế hay không? Còn lại mình, dù không có năng khiếu văn chương, lương y Thân Văn Nhã rút ruột viết từng dòng ký ức để tri ân đồng đội, lưu lại chút dấu vết nào cho con cháu trong nhà.

 

“Ngồi ôn lại kỷ niệm cuộc chiến năm xưa, một cảm xúc dâng trào, lâng lâng khôn tả, đôi mắt cay cay dòng lệ muốn tuôn trào”, ông Nhã mở đầu cho những dòng hồi ức về Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.

Tôi may mắn được cựu chiến binh Diêu Nhật Thăng, người cán bộ chi tình báo Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ thông tin về ông Thân Văn Nhã - người chiến binh Thập Vạn Đại Sơn năm xưa. Ôn lại kỷ niệm những ngày tháng vượt qua mười vạn dãy núi bên đất Trung Hoa tròn 70 năm về trước, ông Thân Văn Nhã nghẹn ngào:

“Nói thực với anh, tôi không cầm được nước mắt. Thương anh em quá! Chính mình cũng trong hoàn cảnh đó”.
 

Gạo - bảo vật vượt Thập Vạn Đại Sơn

“Qua biên giới bộ đội hành quân ban ngày, vì bên ngày không có máy bay. Vì phương tiện thông tin liên lạc lúc bấy giờ không có bộ đàm, không có điện thoại, thông tin liên lạc bằng nhân lực chạy bộ.

Bắt đầu vượt dãy Thập Vạn Đại Sơn, ngoài tư trang, súng đạn, mỗi người được phát một bao ruột tượng gạo khoảng 10 kg, đây là bảo vật của mỗi chiến sĩ vì trên dãy Thập Vạn Đại Sơn không dân, không có nguồn tiếp tế, chỉ có núi non trùng điệp và mây trời. Một bao gạo tính toán làm sao cho duy trì cuộc sống hàng tháng trời để vượt qua được dãy núi trùng điệp này.

Chúng tôi bắt đầu phải ăn rau thay cơm, mỗi bữa chỉ được nấu một số ít gạo làm cháo với rau rừng. Suốt gần một tháng trời trên dãy núi Thập Vạn Đại Sơn, chúng tôi đói đến nỗi lúc nào cũng nghĩ đến cơm, rất thèm cơm, ngủ cũng nghĩ đến cơm, bụng đói, chân mỏi, mắt hoa mà phía trước là con đường dốc khúc khuỷu, gập ghềnh lên xuống, heo hút xa tắp mãi chân trời. Một số chiến sĩ có hiện tượng phù hai chân, buổi tối không nhìn thấy đường, đi lại anh em phải dắt, dân gian gọi là bệnh quáng gà. Có một số anh em yếu quá đi không nổi, anh em phải mang vác giúp súng đạn tư trang dìu nhau đi, với quyết tâm không để một chiến sĩ nào phải tụt lại phía sau”, lương y Thân Văn Nhã kể về chặng đường hành quân.

Các ông Nam Long, Biên Cương, Lê Quảng Ba, Đỗ Trình trước khi lên đường Thập Vạn Đại Sơn. Ảnh tư liệu.

Sau các trận đánh đồn Trúc Sơn, trận Mào Lẻng, trận “tao ngộ chiến” ở Quán Thoong, quân Tưởng hoang mang cao độ. Quân tình nguyện Việt Nam tiến đến đâu, ở đó quân Tưởng bỏ chạy. Một vùng khá rộng lớn được giải phóng: Na Lương, Khâm Châu, Phòng Thành, Đông Hưng.
 

Tinh thần quốc tế cao thượng

Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1949 thì kết thúc. Một cuộc liên hoan văn nghệ hoành tráng được tổ chức thắm tình hữu nghị Việt-Trung. Khi chia tay, lưu luyến tiễn chân bộ đội ta ở bờ sông giáp Phù Lủng, ông bà Trần Phát đều khóc. Tư lệnh Biên khu nắm chặt tay ông Lê Quảng Ba - Tư lệnh bộ đội Việt Nam, giọng nghẹn ngào:

“Cám ơn các đồng chí Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, đem mồ hôi xương máu giúp chúng tôi trong lúc khó khăn. Các đồng chí đã để lại những tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế. Cám ơn cách mạng Việt Nam. Tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Cách mạng Việt Nam vẫn ghé vai đỡ gánh nặng cho Cách mạng Trung Quốc. Thật là cao thượng!”.

“Tôi chỉ mong rằng, Nhà nước chỉ đạo 2 tỉnh giáp biên giới ở nơi có nghĩa trang: Cao Bằng giáp với nghĩa trang Thủy Khẩu và Quảng Ninh giáp với nghĩa trang Đông Hưng (Trung Quốc), hàng năm ngày 27/7 – cũng đúng vào ngày Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn – tổ chức đoàn sang thắp hương để tri ân các liệt sĩ, gọi là uống nước nhớ nguồn” (Lương y Thân Văn Nhã - Cựu chiến binh Thập Vạn Đại Sơn).

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.