| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Việt Nam không khơi mào đối đầu quân sự, sẽ cân nhắc phương án pháp lý

Thứ Năm 22/05/2014 , 14:16 (GMT+7)

Trả lời phỏng vấn 2 hãng tin AP và Reuters, Thủ tướng nhấn mạnh: "Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói" và không chấp nhận đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lấy "một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á tại thủ đô Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn hai hãng thông tấn AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về các diễn biến hiện nay tại Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam trước việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:

"Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ. 

Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình.

Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam.

Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói.

Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.

Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế."

Trả lời câu hỏi về việc trong bối cảnh căng thẳng leo thang hiện nay ở Biển Đông, Việt Nam có những đề nghị gì đối với cộng đồng quốc tế, có xem xét tham gia các liên minh an ninh không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

"Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công khai về điều này rất nhiều lần với thế giới.

Về việc Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, chúng tôi đã thông báo và thông tin trung thực đến các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, chính giới và các học giả, truyền thông quốc tế.

Những ngày qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa của sự việc này đối với hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực".

Thủ tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng "cộng đồng quốc tế tiếp tục có đánh giá đúng và tiếng nói thích hợp để ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.”

Trả lời câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:

"Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì điều này không chỉ đem lại lợi ích cơ bản và lâu dài cho hai nước Việt-Trung mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Còn ngược lại, chắc các bạn hoàn toàn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình đóng góp vào việc gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm này và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế".

Vietnam+

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm