| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam là điểm sáng khi thế giới nói về rừng

Thứ Hai 21/03/2022 , 13:52 (GMT+7)

Chất lượng rừng nâng lên trên nền tảng tỷ lệ che phủ ổn định là một nội dung chỉ đạo xuyên suốt của ngành lâm nghiệp, theo lãnh đạo ngành lâm nghiệp.

Nhân ngày Quốc tế về rừng 21/3, GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về định hướng phát triển thời gian tới.

GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. 

GS.TS Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. 

Trong kế hoạch triển khai 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phát triển thành một ngành kinh tế, trong đó tập trung đa dạng hóa nguồn thu từ rừng. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Đa dạng hóa nguồn thu từ rừng không phải là định hướng mới. Ý tưởng này đã được đưa ra từ lâu. Ngay sau khi giành độc lập vào năm 1946, các kỹ sư thủy lâm đã đưa ra thuật ngữ "điều chế rừng". Theo đó, rừng cần được kinh doanh tổng hợp, tận dụng toàn diện, vốn rừng cần được duy trì lâu dài, liên tục.

Ngày nay chúng ta khái niệm "quản lý rừng bền vững" (do Tổ chức quốc tế gỗ nhiệt đới - ITTO đề xuất năm 1990, và Hội nghị Helsinky công nhận năm 1994). Trong đó, đa dạng hóa là một nội dung, vừa nhằm chỉ sự phong phú về các khía cạnh, chỉ tiêu mà rừng cần đáp ứng; vừa để chỉ sự hội tụ, gặp gỡ của các khía cạnh, chỉ tiêu này khi rừng đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra.

Cái mới trong giai đoạn hiện nay có thể nằm ở khâu hành động. Chúng ta đang nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng đa dạng hóa nguồn thu.

Từ nguồn thu ban đầu là gỗ, củi do khai thác rừng tự nhiên, chúng ta đã chuyển sang đóng cửa rừng tự nhiên, thu giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu đạt 15,87 tỷ USD vào năm 2021.

Từ các lâm sản phụ, nay chúng ta đã đưa ra quan niệm đúng đắn là lâm sản ngoài gỗ, với giá trị xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD (năm 2021) và đang tiếp tục tăng.

Đa dạng hóa nguồn thu từ rừng cần dựa trên nền tảng vững chắc là quản lý rừng bền vững, gắn với xã hội hóa lâm nghiệp. Kết quả đa dạng hóa nguồn thu từ rừng có thể được lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, kinh tế, xã hội và môi trường, cả trước mắt và trong lâu dài.

Tuy nhiên, không thể đa dạng hóa nguồn thu khi thiếu đa dạng hóa đầu vào cho bảo vệ và phát triển rừng. Lâm nghiệp phát triển theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, bền vững, tích hợp đa giá trị chính là nền lâm nghiệp ở mức toàn diện và cao hơn so với nền lâm nghiệp đa dạng hóa nguồn thu.

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã và đang trở thành hiện thực. Thu từ dịch vụ thủy văn rừng đạt 3.115 tỷ đồng (năm 2021). Dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon rừng đang có tiến triển tốt. Dự kiến giai đoạn 2022 - 2030, thu từ dịch vụ các bon rừng có thể đạt vài chục triệu USD mỗi năm. Xuất siêu, thu về ngoại tệ là điểm sáng của ngành lâm nghiệp, và cần tiếp tục là định hướng trong thời gian tới.

Tổng cục Lâm nghiệp đã hưởng ứng và lồng ghép chủ đề do FAO phát động "Rừng và sản xuất, tiêu dùng bền vững" trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 như thế nào, thưa ông?

Công tác chỉ đạo, điều hành của ngành lâm nghiệp thời gian qua đã thể hiện rõ tư tưởng phát triển của ngành, đó là phát triển lâm nghiệp Việt Nam bền vững, hướng tới mục tiêu: mọi người được hưởng lợi từ thành quả phát triển rừng.

Chủ đề do FAO phát động rất phù hợp với đường lối phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ ý tưởng này và đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động trong thực tế.

Trước hết, tiếp tục bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng; duy trì tỷ lệ che phủ của rừng ở mức ổn định 42 - 43% trong những năm tới; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu các loại rừng theo hướng hợp lý; nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo đa dạng hóa nguồn thu gắn với việc duy trì và nâng cao chất lượng các loại rừng, cũng là nâng cao chất lượng của các loại hình dịch vụ hệ sinh thái rừng. Chất lượng rừng nâng lên trên nền tảng tỷ lệ che phủ ổn định là một nội dung chỉ đạo xuyên suốt của ngành lâm nghiệp.

Một khía cạnh khác là, đảm bảo các chuỗi giá trị dịch vụ hệ sinh thái của ngành lâm nghiệp hợp pháp và bền vững. Để thực hiện nội dung này, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật gắn với chỉ đạo thực thi có hiệu quả pháp luật, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Việc loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi các chuỗi giá trị; thay đổi tiêu dùng theo hướng hợp pháp, bền vững (như loại bỏ gỗ tịch thu ra khỏi chuỗi giá trị, ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã) được các đối tác quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Các hoạt động như "gỗ bền vững vì con người và hành tinh", "rừng vì sự yên bình và thịnh vượng", "nông nghiệp không gây mất rừng", "rừng sinh kế bền vững", "thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào rừng"... đang được triển khai cùng các đối tác quốc tế, có triển vọng mang lại tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tất cả những hoạt động này đều được địa phương và cộng đồng tiếp nhận, tích cực tham gia; các quốc gia, tổ chức quốc tế ghi nhận và ủng hộ. Việt Nam là một trong những điểm sáng khi thế giới nói về rừng, cũng như ngày Quốc tế về rừng 21/3 hàng năm.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.