| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam lần đầu được quốc tế chi trả giảm phát thải từ rừng

Thứ Năm 22/10/2020 , 16:16 (GMT+7)

Với khoản tài chính 51,5 triệu USD do Quỹ Các-bon thuộc Quỹ Đối tác các-bon Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ, Việt Nam lần đầu được quốc tế chi trả giảm phát thải từ rừng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, thỏa thuận ERPA trị giá 51,5 triệu USD là nguồn bổ sung thêm rất có ý nghĩa với bà con trồng rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, thỏa thuận ERPA trị giá 51,5 triệu USD là nguồn bổ sung thêm rất có ý nghĩa với bà con trồng rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (gọi tắt là ERPA) trị giá 51,5 triệu USD ngày 22/10 tại Hà Nội giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB), Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh, đây là sự kiện đặc biệt với ngành Lâm nghiệp Việt Nam, thể hiện nỗ lực cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc giảm phát thải.

Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chia sẻ, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa từ miền Trung trở về nên cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu nó ghê gớm như thế nào tới cuộc sống của con người. Do đó, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam đã cam kết với nỗ lực cao nhất sẽ giảm phát thải khí các-bon 8% vào năm 2030 và nỗ lực để nâng lên mức 25%.

“Với việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo luật pháp thông lệ quốc tế, Việt Nam từ bây giờ đã có thể chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn thực thi dựa vào thực tế phát thải CO2. Đây là nguồn bổ sung thêm rất có ý nghĩa với bà con trồng rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Việt Nam hy vọng sẽ cùng một số nước đi đầu sẽ thúc đẩy hình thành một thị trường các-bon phát triển”, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cam kết.

Theo Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB, thỏa thuận đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu với khát vọng lớn.

ERPA được ký kết nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e từ vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF, với tổng số tiền nhận từ FCPF là 51,5 triệu USD. Trong đó, Bộ NN-PTNT với tư cách là chủ Chương trình và WB với tư cách là cơ quan được FCPF ủy thác.

Theo điều khoản thương mại được kết kết, một nhánh của ERPA sẽ nhận chuyển nhượng khoảng 5% tổng lượng giảm phát thải ký kết với Bộ NN-PTNT, tương đương khoảng 0,515 triệu tấn CO2e và lượng giảm phát thải bổ sung (nếu có).

Nhánh còn lại của ERPA nhận chuyển nhượng khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết với Bộ NN-PTNT, tương đương khoảng 9,785 triệu tấn CO2e và lượng giảm phát thải này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho mục đích đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Thời điểm chuyển giao lại cho Việt Nam được xác định sau khi hoàn thành ERPA.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB, thỏa thuận đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB, thỏa thuận đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Bộ NN-PTNT, việc thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành Lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

Lợi ích kinh tế trực tiếp sẽ đem lại là tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững.

Về xã hội, thực hiện ERPA giúp mang lại hiệu quả lớn về mặt xã hội trong khu vực. Cụ thể là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, khu vực tư nhân về giá trị dịch vụ các-bon rừng, hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại.

Thỏa thuận ERPA được ký kết giữa Bộ NN-PTNT và WB giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng. Ảnh: Nguyên Huân.

Thỏa thuận ERPA được ký kết giữa Bộ NN-PTNT và WB giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng. Ảnh: Nguyên Huân.

Thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm tham gia bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép, qua đó góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng.

Về môi trường, ERPA góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Bắc Trung Bộ. Cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu. Được sử dụng tối đa 95% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải theo ERPA để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

ERPA là thỏa thuận vừa có tính chất hỗ trợ vừa có tính thương mại đối với lượng giảm phát thải từ rừng được triển khai trong phạm vi 6 tỉnh và duy trì trong thời gian tương đối dài, ít nhất đến hết năm 2025.

Tuy nhiên, rủi ro có thể xảy ra với Việt Nam khi không bảo đảm lượng giảm phát thải theo như ERPA đã ký kết giữa Việt Nam và WB và có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về chia sẻ lợi ích nếu không đảm bảo công bằng, công khai, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan tham gia vào ERPA.

Để phòng tránh những rủi ro nêu trên, Việt Nam cần giải pháp phòng ngừa tập trung vào việc ngăn chặn phá rừng, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng mới rừng. Tiếp đến là phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, phòng chống cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân và cộng đồng, xây dựng kế hoạch chia sẻ lợi ích dựa vào kết quả giảm phát thải và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.