| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/09/2020 , 09:10 (GMT+7)
PSG. TS Nguyễn Minh Châu

PSG. TS Nguyễn Minh Châu

Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam 09:10 - 17/09/2020

Việt Nam nên bán quả gì tại 'chợ trái cây EU'?

Ngoài chanh và bưởi, sầu riêng của Việt Nam cũng là mặt hàng đã được xuất khẩu đi EU và có thể cạnh tranh được tại thị trường này...

Hiện nay, các loại trái cây đã xuất khẩu đi Châu Âu đã khá đa dạng, nhiều nhất như tôi biết đó là bưởi và chanh (nhất là chanh ở tỉnh Long An). Ngoài ra còn có nhiều loại trái cây nhiệt đới khác của ĐBSCL rất có tiềm năng xuất khẩu, như sầu riêng cũng đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia (trong đó có EU, với sản phẩm đông lạnh và tươi), thanh long, xoài...

EU là một thị trường vô cùng khó tính, có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt, nhưng bù lại cũng có giá bán rất cao. Vì vậy, có thể nói việc trái cây Việt Nam thâm nhập được tới “chợ chung EU” là điều rất đáng mừng, và sẽ là cú hích nhằm từng bước nâng cao chất lượng, cải thiện dần năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp trong nước.

Tại thị trường EU, Việt Nam sẽ có lợi thế đối với các loại trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, ở đây không chỉ có trái cây nhiệt đới của Việt Nam, mà chúng ta sẽ phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng trái cây nhiệt đới đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ví dụ đối với nhóm trái cây nhiệt đới, Thái Lan từ lâu đã là “ông trùm”, đi đầu Đông Nam Á về xuất khẩu, với việc chọn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon là các mặt hàng trái cây nhiệt đới xuất khẩu điển hình của họ.

Malaysia đi sau Thái Lan về xuất khẩu trái cây nhiệt đới, và để tránh “đụng chạm” với các loại trái cây nhiệt đới của Thái Lan, họ đã chọn xây dựng mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ mà ít ai ngờ tới, đó là trái khế, mít và đu đủ.

Sau này, người Malaysia mới phát hiện ra trái sầu riêng của họ gần như đứng đầu thế giới về chất lượng, có giá bán cao nhất, và họ đang dần thâm nhập dần thị trường quốc tế đối với sầu riêng.

Vì vậy đối với Việt Nam, một mặt đối với những mặt hàng đã thâm nhập được sang thị trường EU, cần tiếp tục duy trì, mở rộng vùng trồng, nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đối với các đối thủ khác.

Một mặt, chúng ta cần xác định để xây dựng mặt hàng trái cây có lợi thế cạnh tranh cao tại thị trường Châu Âu, tương tự như cách mà người Malaysia đã làm.

Bởi trái cây nhiệt đới nói chung cũng rất nhiều quốc gia có thế mạnh, chứ không chỉ có Việt Nam “một mình một chợ”. Ngay trong khu vực, ngoài Thái Lan, Malaysia, thì Indonesia, Philippines... cũng rất mạnh về trái cây nhiệt đới.

Về mặt hàng trái cây nhiệt đới có tính cạnh tranh cao của nước ta tại thị trường EU, quả bưởi và quả chanh của Việt Nam có thể xem là có nhiều triển vọng.

Bởi Châu Âu không có dòng bưởi nhiệt đới như chúng ta, mà chỉ có loài bưởi chùm. Chanh chua nhiệt đới của Việt Nam (tiếng Anh gọi là Lime) cũng là loại quả mà Châu Âu không có (Châu Âu chỉ có loài chanh quả to màu vàng, tiếng Anh gọi là Lemon).

Vì vậy, quả chanh chua của Việt Nam cũng là mặt hàng mà EU không có, và nhất là có nhu cầu rất lớn để phục vụ cho cộng đồng người Châu Á tại EU.

Sầu riêng của Việt Nam cũng là mặt hàng đã được xuất khẩu đi EU và có thể cạnh tranh được tại thị trường này, bởi chất lượng sầu riêng của ta (nhất là sầu riêng trồng tại Tây Nguyên) cũng có chất lượng rất tốt. Không chỉ xuất khẩu sầu riêng quả tươi, chúng ta cũng có thể tăng cường các mặt hàng sầu riêng chế biến để xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.

Ngoài ra, một số mặt hàng trái cây khác mà chúng ta đang tham gia tại nhiều thị trường xuất khẩu (trong đó có thị trường Châu Âu), và có thể cạnh tranh được, đó là mít và chuối (chuối già)...

Dù chúng ta chọn trái cây nào để xuất đi Châu Âu, thì yêu cầu tiên quyết ở thị trường này là phải đẹp, sau nữa là phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm, không được vi phạm về dư lượng hóa chất.

Người Châu Âu thường quan niệm “ăn bằng mắt”, chứ không phải ăn bằng miệng trước. Họ sẵn sàng trả tiền rất cao để mua sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã phải vô cùng cao và nghiêm ngặt, không phải dễ dàng gì có thể thâm nhập được ở thị trường này.

Vì vậy, việc tổ chức sản xuất trong nước để đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người Châu Âu sẽ là nhiệm vụ hàng đầu, hết sức khó khăn.

Châu Âu không chỉ có yêu cầu về chất lượng sản phẩm, yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... mang tính truyền thống nữa, mà cao hơn nữa, chúng ta còn phải từng bước nâng cấp để đáp ứng được các yêu cầu về phúc lợi xã hội trong quá trình sản xuất ra một hàng hóa nào đó.

Tức là trong quá trình sản xuất, cần phải minh bạch hóa thông tin, không được sử dụng lao động dễ tổn thương, ví dụ như người khuyết tật, người già, trẻ em vị thành niên, phụ nữ mang thai..., cũng như những yêu cầu đảm bảo về điều kiện phúc lợi xã hội khác như vệ sinh, an toàn lao động, chế độ tiền lương...