Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 10 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,33 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, xuất khẩu sắn tăng tới 63,2% về trị giá và tăng 46,3% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 13,9% về lượng nhưng tăng tới 46,5% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu hạt tiêu mặc dù giảm 5,7% về lượng nhưng tăng tới 44,2% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu nhân điều tăng 14,1% về lượng và tăng 13,5% về trị giá; kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 8,7%...
Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản giảm 0,8%; chè các loại giảm 3,4%.
Đà tăng của xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản hòa chung dòng chảy của kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thống kê của Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 10 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước (kim ngạch xuất tháng 9 giảm 0,8% so với tháng 8), và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tính đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7% và chiếm 26,04% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khu vực kinh tế nước ngoài ước đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 73,96% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm tỷ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 76,02 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44,68 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 16,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường EU ước khoảng 31,7 tỷ USD, tăng 8,9% và chiếm tỷ trọng 11,83% xuất khẩu của cả nước. Thị trường ASEAN ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 21,2%, chiếm 8,6% xuất khẩu cả nước. Thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%. Thị trường Nhật Bản ước đạt 16,09 tỷ USD, tăng 2,2%.
Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tổng giá trị trong tháng 10 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 92,5 tỷ USD, tăng 22,7%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 176,88 tỷ USD, tăng 31,3%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 89,43 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 33,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc đạt 45,52 tỷ USD, tăng 21,4%; ASEAN đạt 32,998 tỷ USD, tăng 34,8%; Nhật Bản đạt 18,04 tỷ USD, tăng 9%; EU đạt 13,76 tỷ USD, tăng 15,9%; Mỹ đạt 12,9 tỷ USD, tăng 13,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa của riêng tháng 10/2021 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 10 tháng đầu năm 2021 là do: (i) Các doanh nghiệp trong nước tăng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất; (ii) Giá cả hàng hóa thế giới tăng; (iii) Cước vận tải biển tăng.
Trong hai tháng cuối năm, Bộ Công thương khuyến cáo các Bộ, ban, ngành, khối doanh nghiệp chú trọng khai thác các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Đồng thời, các đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Công thương hứa tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... Ngoài ra, Bộ Công thương cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, nhằm phát triển dịch vụ logistics, giúp giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.