| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Campuchia tăng cường hợp tác nông lâm thủy sản

Thứ Sáu 12/10/2018 , 14:23 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị AMAF lần thứ 40, AMAF +3 lần thứ 18, sáng ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Nông Lâm ngư nghiệp, Vương Quốc Campuchia cùng lãnh đạo một số đơn vị của hai Bộ đã có cuộc họp song phương.

Mục đích của cuộc họp nhằm bàn thảo cách thức thúc đẩy hợp tác nông, lâm, ngư nghiệp giữa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Nông Lâm ngư nghiệp, Vương Quốc Campuchia Veng Sakhon hội đàm

Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã chia sẻ những kết quả đạt được trong hợp tác, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước chặt chẽ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp có vai trò quan trọng, thậm chí là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế ở cả hai quốc gia. Nông nghiệp hai nước cũng có sự tương đồng, bổ trợ cho nhau. Chính vì thế, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam sẽ cố gắng hỗ trợ cao nhất để hai bên cùng phát triển nông nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Bộ trưởng Veng Sakhon bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vì nhiều giúp đỡ, hỗ trợ về hợp tác kỹ thuật cũng như giá cả đối với các mặt hàng nông sản của Campuchia như: hạt điều, sắn, cao su... Theo Bộ trưởng Veng Sakhon, giá sắn ở Campuchia bị giảm do dịch bệnh gia tăng, gây khó khăn cho đời sống người dân. Chính vì thế, phía bạn mong muốn Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để xử lý dịch bệnh, đồng thời tăng thu mua giá sắn ở vùng biên giới, nhất là tại tỉnh Tây Ninh.

Về vấn đề dịch bệnh trên cây sắn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ kinh nghiệm về xử lý bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam, đồng thời đề nghị giao đơn vị chức năng hai nước(Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp xử lý tận gốc dịch bệnh này. “Nhiều vùng ở Việt Nam đã phải hủy bỏ cây bị bệnh, luân canh trồng cây trồng khác trong một thời gian để xử triệt để bệnh khảm lá sắn” – Bộ trưởng chia sẻ và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, kể cả giống sắn mới cho Campuchia.

Bộ trưởng đánh giá cao một số nông sản Campuchia có tiềm năng để phát triển như: hạt điều, cao su... Bộ trưởng cam kết sẽ thúc đẩy Tập đoàn cao su Việt Nam đầu tư cơ sở chế biến đúng kế hoạch và thu mua mủ cao su với mức giá hợp lý nhất cho người dân trồng cao su tiểu điền. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về việc hợp tác trong lĩnh vực thủy sản trong việc gỡ thẻ IUU của Ủy ban Châu Âu (ECs).

Toàn cảnh buổi hội đàm

Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ phối hợp quản lý chặt chẽ và thống nhất việc cấp các giấy phép CITES để tránh có giấy phép giả, giấy phép bất hợp pháp nhằm lợi dụng để xuất khẩu. Về phía Việt Nam cam kết chỉ khi có giấy phép xuất khẩu của Campuchia  thì Việt Nam mới cấp giấy phép cho nhập khẩu.

Từ ngày 22-23/10 tới, tại TP. Hồ Chí Minh, hai nước sẽ tổ chức Đối thoại chính sách về thương mại gỗ và song phương với Chủ đề:“Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững” để hai bên cùng thống nhất nhất quán trong việc quản lý xuất nhập khẩu gỗ, không để thông tin và dư luận trái chiều ảnh hưởng tới quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước.

Về lâm nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, Việt Nam hết sức quan tâm đến lâm nghiệp, phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững. Tính đến năm 2017, độ che phủ rừngđạt 41,45% và Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững.

Qua thảo luận, hai Bộ trưởng đánh giá trong thời gian qua hai bên đã trao đổi thông tin hai chiều trong lĩnh vực lâm nghiệp và hợp tác tốt trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Trong thời gian tới, hai nước tiếp tục phối hợp trong thực hiện các công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng; quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng; quản lý lâm sản, trong khoa học nghiên cứu lâm nghiệp, …

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm