| Hotline: 0983.970.780

Viết thư cho Bộ trưởng

Thứ Ba 30/08/2011 , 09:24 (GMT+7)

Một buổi tối, người kỹ sư già Mai Xuân Tạnh nhận được cú điện thoại từ TPHCM. Đầu dây là một người phụ nữ đã luống tuổi xin gặp ông với giọng rất khẩn khoản…

Một buổi tối, người kỹ sư già Mai Xuân Tạnh nhận được cú điện thoại từ TPHCM. Đầu dây là một người phụ nữ đã luống tuổi xin gặp ông với giọng rất khẩn khoản…

>> Vợ chồng cọ dầu

Cơn say cọ dầu được bà Hồng chuyển hết vào cuộc điện thoại. Lần mò mãi bà mới tìm ra số máy của ông Tạnh đang sống tại TP Vinh (Nghệ An). Sau khi dời trại thí nghiệm cây cọ dầu Hương Sơn về nghỉ hưu, ông Tạnh sống khá ẩn dật, ít liên lạc với ai. Với ông, cọ dầu đã là câu chuyện quá khứ. Ông Mai Xuân Tạnh là một trong ba cán bộ đầu tiên tham gia chương trình nghiên cứu quốc gia về cây cọ dầu. Ông được Bộ Nông nghiệp (cũ) cử đi nghiên cứu cây cọ dầu ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Học xong về nước năm 1971, ông Tạnh được Bộ đưa về làm Giám đốc trại thí nghiệm cây cọ dầu ở huyện Hương Sơn (Nghệ Tĩnh cũ).

Kỹ sư Tạnh nhớ lại, cây cọ dầu không hề mới, trái lại nó được người Pháp đưa vào Việt Nam từ năm 1878 làm cảnh ở các vườn hoa và công sở. Hồi đó chẳng mấy ai để ý xem đó là cây gì. Năm 1962, lãnh đạo Trung ương chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp tổ chức nghiên cứu và phát triển cây cọ dầu. Cuối năm 1968, Bộ đã có công văn báo cáo về cây cọ dầu trình Trung ương do Vụ phó Vụ Trồng trọt Lã Xuân Đỉnh ký. Có thể nói đây là những văn bản pháp lý đầu tiên, từ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước cho đến Bộ chuyên ngành với mong muốn du nhập cây cọ dầu vào Việt Nam.  

Đồng chí Mai Xuân Tạnh thăm vườn cọ dầu của Cty TNHH Ruby

Nhớ lại năm 1967, nước ta nhập giống cọ dầu đu - ra của Trung Quốc. Cũng như nhập trâu sữa Cuba, ai cũng háo hức. Sau khi đưa cọ dầu về ươm tại 3 trại của các tỉnh Thanh Hóa, Hưng Yên và Nghệ An, đến tháng 3/1971 mới trồng thí điểm tại huyện Hương Sơn. Lăn lê bò toài ngoài trại với anh em công nhân, ông Tạnh cùng các chuyên gia Khoa Sinh, ĐH Sư phạm Vinh đã đi đến được cái đích của họ - chứng minh cây cọ dầu trồng ở Việt Nam có thể cho dầu. Mặc dù khi trồng giống đã quá già, mỗi năm có tới 5 tháng nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C, thậm chí có ngày dưới 15 độ làm cọ dầu sinh trưởng kém và không thụ phấn được nhưng cây cọ dầu vẫn khỏe mạnh, cho hơn 6 tấn buồng quả/năm…

Mừng quá, Bộ Nông nghiệp tổ chức hẳn một hội nghị chuyên đề về cây cọ dầu tại Hà Tĩnh, kéo dài 3 ngày và đi đến kết luận cọ dầu có thể trồng được từ nam Hà Tĩnh trở vào. Ai cũng thở phào. Sau hội nghị, một báo cáo được soạn thảo kỹ càng gửi lên cấp trên và được các đồng chí lãnh đạo Trung ương đồng ý đưa cây cọ vào sản xuất, kết thúc một quá trình tranh cãi, khảo nghiệm kéo dài.

Trong số nhiều người cùng xúm tay vào “đỡ đẻ” để cây cọ dầu được mẹ tròn con vuông có vị kỹ sư già Mai Xuân Tạnh. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi những cụm hoa cọ dầu đang xòe nở thì năm 1982 tỉnh Nghệ Tĩnh đã sáp nhập trại chăn nuôi hươu vào trại thí nghiệm cây cọ dầu và đổi tên thành xí nghiệp hươu Hương Sơn. Từ đó, cây con chồng lên nhau,  cuối cùng cây cọ dầu bị con hươu cho lộc quý lấn át, đè nén.

Ông Tạnh là người buồn hơn cả, tiếc cho cây cọ dầu mới nhập nội đã dang dở. Trong suốt những năm tháng sau này, trong giấc mơ của ông Tạnh vẫn ẩn hiện hình bóng loài cây mà ông đã gắn bó. Thời mở cửa người ta đi nhập lúa lai, ngô lai, bò lai, lợn lai…mấy ai còn nhớ đến cọ dầu. Và cho đến một buổi tối, ông Tạnh nhận được điện thoại của “vợ chồng cọ dầu”…

Biết ông Tạnh đã yếu lắm, sợ… không kịp nên bà Hồng bàn với chồng nhanh chóng mua vé máy bay mời ông Tạnh vào thăm vườn cọ dầu nhà mình. Tuổi già như ngọn đèn trước gió, leo lét, bập bồng. Ông Tạnh đã tưởng ôm theo giấc mơ cọ dầu về bên kia thế giới thì như có phép lạ, ông được đứng giữa vườn cọ dầu rộng vài chục héc - ta, cây nào cây nấy sai trĩu buồng quả. Đúng là cây cọ dầu bằng xương bằng thịt chứ không phải trong những giấc mơ.

Cọ dầu to, cọ dầu nhỏ, cọ dầu mẹ con, cọ dầu ông bà ông vải mọc ken dầy, xanh tốt. Vì trồng làm cảnh, cho vui mắt, và cũng trồng cho kín đất nên bà Hồng trồng cọ dầu không theo trật tự nào. Cây nọ chen lấy cây kia, thiếu đất mọc mà cọ dầu vẫn ra hoa đậu quả, cho những buồng trái nây đều như xếp vào nhau.

Ông Tạnh mừng mừng tủi tủi nói: "Tôi biêt vợ chồng anh chị muộn quá, sức khỏe tôi giờ yếu rồi. Không biết có giúp được anh chị việc gì không. Nhưng nếu cần lời khuyên gì về cây cọ dầu thì cứ nói với tôi". Ở lại Sài Gòn chẵn tuần, kể chuyện trên mây dưới gió về cây cọ dầu với ông bà Triều, hôm tiễn ông Tạnh ra sân bay bà Hồng cứ tiếc mãi. Thời gian không cho họ nhiều cơ hội nữa.

Nhưng không chỉ ông Tạnh đang ở tuổi xế bóng, vợ chồng ông Triều, bà Hồng cũng đã cảm nhận thấy tuổi già đang xồng xộc sau lưng. Khi khuất núi, Cty thuốc thú y để cho con cái nhưng vườn cọ dầu như đàn con trứng gà trứng vịt, cây lớn thì chưa đủ khôn, cây nhỏ thì bé bỏng thơ dại, ông bà bỏ chúng ra đi sao đành. Ngày 1/4 vừa qua, ngẫm nghĩ mãi ông Triều quyết định viết thư gửi Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng. Lá thư không dài nhưng đủ ý, nó bao quát cả chục năm trời ông bà đeo bám cây cọ dầu.

Bức thư viết: “Với trách nhiệm của một công dân Việt Nam, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi mong hai anh nghiên cứu cho phát triển cây cọ dầu ở Việt Nam để giúp nông dân có cơ hội xóa đói giảm nghèo, các doanh nghiệp có thể làm giàu được. Trồng được cọ dầu, đất nước có thể tiết kiệm ngoại tệ để nhập dầu cọ về làm dầu ăn (500.000 tấn/năm tương đương 500 triệu USD), và bã cọ dầu làm thức ăn chăn nuôi (165.128 tấn năm 2010 tương đương 18,5 triệu USD), góp phần ổn định năng lượng và lương thực cho đất nước”. Cuối thư, ông Triều còn trân trọng mời Bộ trưởng và Thứ trưởng bớt chút thời gian vào thăm vườn cọ dầu của Cty. Lá thư đã nói lên tất cả, nói hộ ông bà - những người yêu quý cây cọ dầu như chính con mình.

Mơ ước của bà Hồng là những vùng đất lung phèn, không trồng cấy được cây gì ở ĐBSCL có thể dành cho cây cọ dầu. Giống cây dừa, cọ dầu không kén đất, chịu được kham khổ. Mơ ước của đôi vợ chồng già yêu cây cọ dầu chỉ nhỏ bé, dung dị như vậy.

Có một niềm vui nho nhỏ - theo bà Hồng gần đây các nhà khoa học bên Viện dầu đã trở lại thăm vườn cọ dầu. Viện dầu đã bắt tay hai ông bà cùng nghiên cứu và thừa nhận cọ dầu trồng tại Việt Nam đã cho dầu. Mấu chốt cuối cùng đã vượt qua. Lãnh đạo TPHCM nghe chuyện vợ chồng già trồng cả trăm ngàn cây cọ dầu cũng đến tìm hiểu. Cây cọ dầu không bị hắt hủi, nó đã có chỗ đứng ở đất phương Nam.

Bà Hồng nói: "Cọ dầu không dám tranh chấp đất với cây cao su, tiêu, điều...Nó cũng không giành đất của cây lúa. Nó chỉ sống ở vùng đất hoang, phèn mặn không trồng cấy được gì. Ông nhà tôi đưa cọ dầu về trồng trên đất bazan ở Đạ Huoai (Lâm Đồng), rồi đất cát pha ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương... nó đều sống được. Nó là cây nhà nghèo, dễ sống lắm. Chỉ tiếc tôi không còn tiền mua thêm đất trồng cọ dầu. Nhìn chúng mọc chen chúc nhau, cây nọ tựa vai vào cây kia, giành chất dinh dưỡng của nhau khổ sở lắm". 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất