| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài 'Gánh nợ nần chờ bảo hiểm': Ngư dân sẽ khởi kiện?

Thứ Sáu 23/08/2019 , 08:55 (GMT+7)

Báo NNVN có bài viết “Gánh nợ nần chờ bảo hiểm” phản ánh ngư dân Nguyễn Văn Thân (xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) bị chìm tàu trên biển nhưng phải mỏi mòn chờ bảo hiểm gần 2 năm ròng rã…

07-51-48_nnvn__1-_ong_nguyen_vn_thn
Ông Nguyễn Văn Thân: ‘Nếu không thỏa thuận được, chúng tôi sẽ khởi kiện”.

Theo Hợp đồng bảo hiểm tàu cá (được lập ngày 18/10/2017), giữa Cty Bảo Minh Quảng Bình và chủ tàu Nguyễn Văn Thân, trong đó có điều khoản bảo hiểm mọi rủi ro thân tàu với số tiền 5,2 tỷ đồng. Mức phí bảo hiểm mà chủ tàu phải đóng gần 50 triệu đồng. Cũng trong bản hợp đồng này, mục “Mức khấu trừ: 2,5% số tiền bồi thường/vụ tổn thất…”.

Trước đó, gia đình ông Thân vay từ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Quảng Bình số tiền 5 tỷ đồng và vay mượn người thân cũng như dồn hết vốn liếng đóng con tàu có công suất 1.100 CV để đánh bắt vùng biển xa với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng.

Sau khi đóng tàu, gia đình ông Thân được Công ty Bảo hiểm Bảo Minh liên hệ ký hợp đồng. Tin tưởng, ông Thân đã ký hợp đồng bảo hiểm bằng 70% giá trị con tàu là 5,2 tỷ đồng.

Tháng 6/2017, ông Thân và bạn tàu đi chuyến đầu tiên thu về hàng trăm triệu đồng nên ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đi được 4 tháng có thu nhập cao và trả lãi vay ngân hàng đúng kỳ hạn. Giữa tháng 11/2017, trong chuyến khai thác biển Hoàng Sa, con tàu gặp nạn và chìm. Ông Thân cùng 6 ngư dân khác đã được lực lượng cứu hộ ứng cứu và đưa vào bờ an toàn.

Sau khi tàu chìm, ông Thân đã liên hệ với công ty bảo hiểm để được đền bù. Đồng thời làm đơn thẩm định, cấp nộp giấy tờ cho công ty bảo hiểm.

Ngày 21/8/2019, ông Thân cho biết Bảo hiểm Bảo Minh đã có thông báo bồi thường với số tiền gần 4.586.000.000 đồng (làm tròn số). Cũng theo thông báo này, bên phía bảo hiểm nêu rõ sẽ khấu trừ 520 triệu đồng tiền chế tài, tương đương với 10% với lý do vào thời điểm tàu gặp nạn, chủ tàu và các thuyền viên chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để cứu nạn và bảo vệ tàu. Cùng với đó, phía bảo hiểm cũng sẽ không bồi thường một số máy móc thiết bị trên tàu khác với số tiền trên 90 triệu đồng…

Theo ông Thân, nhiều điều khoản bên Bảo hiểm Bảo Minh khấu trừ chế tài lên đến hơn nửa tỷ đồng là con số quá lớn đối với gia đình ông. “Họ bảo chế tài bảo hiểm tôi phải chịu là 10% trên tổng tiền bảo hiểm. Số tiền đó cũng lên đến 520 triệu đồng. Trừ số tiền này là do tôi không áp dụng các biện pháp cứu tàu. Thế nhưng trên thực tế, tôi và các thuyền viên đã dùng hết mọi cách mà không được”- ông Thân nói.

Cũng theo ông Thân, khi phát hiện tàu gặp sự cố từ lúc 7 giờ sáng, anh em trên tàu đã cố sức cứu tàu nhưng không thành. Đến gần 12 giờ trưa thì tàu chìm hẳn. “Vậy mà kết luận là chúng tôi không cứu tàu là sao”- ông Thân thắc mắc.

07-51-48_nnvn__2-_thong_bo
Thông báo bồi thường của Bảo hiểm Bảo Minh.

Cũng theo nhiều người nhận định, con tàu mới đóng đưa vào sử dụng mới được 4 tháng. Con tàu và trang thiết bị có giá trị lớn hơn nhiều so với số tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, việc cố gắng cứu tàu là điều hiển nhiên phải làm. “Không cứu tàu thì làm sau hy vọng cứu được mạng người trên tàu”- ông Thân lý giải thêm.

Nói về việc Bảo hiểm Bảo Minh không bồi thường một số thiết bị trên tàu do chủ tàu và thuyền viên không tháo dỡ mang đi. Ông Thân cho rằng đó chỉ là ký thuyết chứ thực tế không thể thực hiện được. Khi tàu chìm, cả 7 con người bám vào một thuyền thúng để cầm cự mạng sống.

“Giả sử chúng tôi có tháo được số thiết bị (máy định vị, Icom, máy đàm, máy dò…) mang ra khỏi tàu thì có giữ được không. Không ai đủ sức cầm cự gần 4 giờ đồng hồ giữa sóng biển để tay ôm thiết bị, tay bám be thuyền thúng được. Cũng phải vứt bỏ đi để cứu mạng người chớ”- ông Thân nói thực tế đã xảy ra.

NNVN cũng đã trao đổi với lãnh đạo Công ty Bảo Minh Quảng Bình. Tuy nhiên, họ cho biết, mọi vấn đề giải thích, căn cứ đến mức bồi thường… đều do phía Bảo hiểm Bảo Minh quyết định. Qua trao đổi thư điện tử, ông Nguyễn Phú Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty CP Bảo Minh cho rằng: “Chủ tàu cần phản ánh trực tiếp với Bảo Minh để được bộ phận chuyên môn giải thích chi tiết. Trong trường hợp giải thích chưa thoả mãn có thể khiếu nại chính thức bằng văn bản. Sau khi khiếu nại nếu vẫn chưa cho là hợp lý thì chủ tàu có thể khiếu kiện lên cơ quan toà án theo qui định”.

Theo ông Thân, gia đình đang làm đơn khiếu nại gửi Bảo Minh về việc giải quyết những khoản tiền hơn nửa tỷ đồng bị từ chối bồi thường. Nếu trong trường hợp không được, ông Thân cũng sẽ kiện ra tòa án.

“Lúc đó, tôi cũng yêu cầu Bảo hiểm Bảo Minh bồi thường số tiền lãi vay ngân hàng mỗi tháng 40 triệu đồng trong khoảng thời gian 20 tháng mà bên bảo hiểm làm chậm trễ trong việc bồi thường con tàu”- ông Thân nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.