| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài 'Lãnh đạo ký bừa, dân chịu khổ': Vai trò Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh đến đâu?

Thứ Năm 14/03/2019 , 13:39 (GMT+7)

Báo NNVN ngày 25/10/2018 có bài “Hà Nam: Lãnh đạo ký bừa, dân chịu khổ” phản ánh việc UBND tỉnh Hà Nam vẫn ra quyết định hành chính khi tòa án đang thụ lý vụ kiện tranh chấp quyền lợi của các doanh nghiệp thực hiện dự án KCN Đồng Văn.

Sau quyết định này, đến nay vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Công an tỉnh Hà Nam cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nam và mới đây nhất Văn phòng Luật sư Hoàng Minh tiếp tục kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Hợi – Trưởng phòng Đăng kí Kinh doanh – Sở KHĐT Hà Nam.
 

Lạm dụng quyền lực

Như đã thông tin, Cty CP tập đoàn ATA là chủ đầu tư dự án KCN Đồng Văn và dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở phục vụ KCN này đã chuyển nhượng cổ phần cho Cty CP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam của ông Trần Anh Tuấn. Đến năm 2014, giữa hai bên đã xảy ra tranh chấp trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nên đã kiện nhau ra tòa. Trong quá trình theo đuổi vụ kiện tranh chấp mua bán chuyển nhượng cổ phần, ông Phạm Văn Ảnh đại diện cho tập thể cổ đông Cty CP Tập đoàn ATA và nguyên là cổ đông sáng lập tại Cty CP phát triển Hà Nam (CPPTHN) đã phát hiện Phòng đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT Hà Nam làm sai quy định trong quá trình thay đổi đăng ký kinh doanh (thay đổi lần 4) của Cty  CPPTHN và ở đây có dấu hiệu kê khai giả mạo và trái pháp luật. Ngày 4/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Sở KH-ĐT tỉnh Hà Nam.

Dự án KCN Đồng Văn

Vậy trong vụ án này  phòng ĐKKD Sở KHĐT đóng vai trò gì?  Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Trong thời hạn ba năm kể từ khi công ty được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác; nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng cổ phần đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty”. Vì Công ty CPPTHN được cấp giấy ĐKKD lần đầu vào ngày 12/8/2004, tính đến ngày 21/4/2007 là chuyển nhượng cổ phần chưa đủ thời gian ba năm.

Vì vậy, việc đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Công ty CPPTHN bắt buộc phải áp dụng theo khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tại khoản 5 Điều 84. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản hồ sơ dự án Khu Công nghiệp Đồng Văn II, Khu nhà ở phục vụ KCN Đồng Văn và nhận tài sản do ông Phạm Văn Ảnh bàn giao theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP. Ông Trần Anh Tuấn đã tìm cách hợp thức hoá thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Phòng Đăng ký kinh doanh mà không tổ chức họp Đại hội cổ đông.

Thực tế hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập của Công ty CPPTHN (được lưu giữ tại Phòng Đăng ký kinh doanh và Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam) lại cho thấy cả 03 (ba) cổ đông sáng lập cùng biểu quyết chuyển nhượng 100% cổ phần của mình cho 03 cổ đông không phải là cổ đông sáng lập. Việc cả ba (03) cổ đông sáng lập cùng biểu quyết chuyển nhượng 100% cổ phần của mình cho những người không phải là cổ đông sáng lập, nhưng vẫn được Phòng Đăng ký kinh doanh (mà cụ thể là ông Nguyễn Văn Hợi) cấp thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Công ty CPPTHN là trái quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005, trái với quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về ĐKKD.

Với trách nhiệm người đứng đầu Phòng ĐKKD khi xem xét hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập của Công ty CPPTHN, ông Hợi biết rõ hồ sơ không hợp lệ và thuộc trường hợp phải từ chối cấp thay đổi ĐKKD hoặc ít ra là phải trả lại hồ sơ cho Công ty cổ phần phát triển Hà Nam để bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Việc ông Hợi không từ chối cấp thay đổi ĐKKD, không trả lại hồ sơ để Công ty CPPTHN bổ sung theo quy định, mà vẫn cố ý cấp Giấy thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Công ty CPPTHN đã tạo điều kiện để ông Tuấn sớm có điều kiện trở thành cổ đông sáng lập và ra hàng loạt những quyết định đi trái với cam kết  trong Hợp đồng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Ông Hợi còn có dấu hiệu Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, cụ thể: trong việc cấp thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Công ty CPPTHN, ông Hợi đã tự ý giữ lại 5% cổ phần của Công ty cổ phần ATA. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có chủ sở hữu mới có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình vậy căn cứ vào đâu để ông Hợi lại tự ý giữ lại 5% cổ phần của Công ty cổ phần ATA khi cấp thay đổi ĐKKD lần 4 cho Công ty CPPTHN, khi không có sự đồng ý bằng văn bản của cổ đông Công ty cổ phần ATA ?!.

Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Văn Hợi  đến khi thay đổi ĐKKD lần thứ 5, ông Hợi lại  “tự động” cắt 5% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn ATA nói trên tại Công ty CPPTHN  để chuyển cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam khi cấp thay đổi ĐKKD lần 5 cho Công ty CPPTHN. Đặc biệt khi hồ sơ thay đổi ĐKKD còn thiếu tài liệu quan trọng đó là: Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, thiếu Quyết định của Đại hội đồng cổ đông, nhưng ông Hợi vẫn cố ý cấp thay đổi ĐKKD lần 5 cho Công ty CPPTHN. Hành vi này của ông  Hợi đã vi phạm nghiêm trọng Điều 7 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh; vi phạm khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005. Hành vi của ông Hợi còn xâm phạm quyền sở hữu của Công ty cổ phần ATA khi tự ý định đoạt 5% cổ phần của công ty  để chuyển cho người khác. Với những hành vi khách quan nêu trên của ông Hợi đã có  dấu hiệu “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.  Những sai phạm này đã được Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam thừa nhận tại công văn 1423 ngày 27/9/2018.
 

Hậu quả nặng nề

Nhờ sự tiếp tay của Phòng ĐKKD, ông Tuấn đã liên tục thay đổi ĐKKD và sớm nắm quyền quyết định doanh nghiệp khi chưa đủ điều kiện pháp lý và chưa hoàn thành các nghĩa vụ cam kết trong Hợp đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc những cổ đông sáng lập như ông Phạm Văn Ảnh bỗng dưng bị tước đi quyền lực cuối cùng để ràng buộc yêu cầu ông Tuấn phải thực hiện mọi cam kết trước khi thực sự chuyển giao toàn bộ doanh nghiệp.

Sẽ không có gì đáng nói và vụ án cũng không xảy ra, nếu sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng dự án, ông Trần Anh Tuấn thực hiện đúng cam kết trả lại tài sản để ông Phạm Văn Ảnh trả lại cho các nhà đầu tư đã ký 31 hợp đồng với Bên A vào các năm 2005, 2006 và đầu năm 2007. Nội dung hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/ HĐCNCP thể hiện việc ông Tuấn cam kết tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà Bên chuyển nhượng đã ký. Trên tinh thần đó, toàn bộ 31 hợp đồng mà cty CPPTHN đã ký với các nhà đầu tư đều được ông Tuấn cam kết thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Tuấn đã làm ngược với nội dung cam kết. Nhiều tài sản mà ông Phạm Văn Ảnh đã bàn giao cho ông Trần Anh Tuấn vào ngày 18/6/2007 đã bị ôngTuấn  chuyển nhượng cho người khác “diện tích đất mà Bên A đã ký 31 hợp đồng với các nhà đầu tư từ những năm 2005, 2006 và đầu năm 2007, trong đó có tài sản tại các Hợp đồng thuê lại đất số 25, 26, 27 và số 31 là thuộc sở hữu của Bên A”.

Theo  ông Phạm Văn Ảnh thì số tiền thanh toán theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần  chỉ tương ứng với 10% giá trị tài sản tại 31 hợp đồng mà ông Tuấn đã cam kết phải trả lại cho các nhà đầu tư, trong đó tài sản tại Hợp đồng thuê lại đất số 25, 26, 27 và 31 là thuộc sở hữu của ông Ảnh. Đơn cử một ví dụ về thiệt hại trong hợp đồng số 27, do Công ty TNHH MTV Hanstar thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn ATA (nay là Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam) ký Hợp đồng thuê lại đất số 27 với Công ty CPPTVN với mục đích thuê lại 25.000 m2 đất toạ lạc tại một phần lô E trong KCN Đồng Văn II, để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bao bì nhựa công nghiệp Hanstar. Thực hiện hợp đồng thuê lại đất số 27, Công ty cổ phần tập đoàn ATA đã thanh toán cho Công ty CPPTHN số tiền 2.887.200.000 đồng (có chứng từ kèm theo).

Ngày 20/6/2007, UBND tỉnh Hà Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 06121000.027 cho Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bao bì nhựa công nghiệp Hanstar. Tuy nhiên, sau khi trở thành cổ đông sáng lập giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ông Tuấn và Phạm Như Hùng – GĐ doanh nghiệp đã không bàn giao 25.000 m2 đất theo hợp đồng để Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam đầu tư xây dựng nhà máy bao bì nhựa Hanstar.

Thay vào đó, ông Tuấn lại cho doanh nghiệp khác thuê lô đất 25000 m2 này tức là cùng một diện tích 25.000m2 đất đã bị “định đoạt hai lần” đem cho hai người thuê và chiếm đoạt luôn số tiền mà Công ty cổ phần Tập đoàn ATA đã thanh toán. Hành vi của ông Tuấn đã làm cho dự án nhà máy sản xuất bao bì nhựa công nghiệp Hanstar bị chậm đầu tư. Dẫn đến hậu quả là ngày 08/08/2012, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định số 1053/QD-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó tại Điều 1 Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Cty CP ATA Paint Hà Nam.

Chưa hết, tại hợp đồng số 31, Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam ký Hợp đồng thuê lại đất số 31 với Công ty CPPTHN về việc thuê lại diện tích 71.900 m2 tại một phần lô L2 và Lô L4  trong KCN Đồng Văn II, để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch nhẹ hấp áp lực công nghệ cao. Thực hiện hợp đồng đã ký, Công ty cổ phần Tập đoàn ATA đầu tư cho Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam để thanh toán cho Công ty CPPTHN số tiền 2.887.200.000 đồng theo quy định tại đợt 1, khoản 4.1 Điều 4 của Hợp đồng thuê lại đất số 31.  Nhưng khi nắm quyền quyết định, ông Tuấn đã không bàn giao71.900 m2 đất tại lô L2 và Lô L4 trong KCN Đồng Văn II  cho Công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam thực hiện dự án. Diện tích đất này ông Tuấn cũng đem cho người khác thuê và cũng gây thiệt hại thêm cho công ty cổ phần ATA Paint Hà Nam hàng trăm tỉ đồng.

Như báo NNVN đã thông tin, trong năm 2017 và 2018  có nhiều lô đất thương phẩm đang tranh chấp tại dự án này đã được bán. Những lô đất này còn chồng lấn lên 69 lô đất ở Bản án số 01/2016/KDTM-PT đang thi hành án. Gây thiệt hại cho  nhiều nhà đầu tư khác nhau và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Có thể thấy, hành của ông Hợi trong việc cấp thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 cho Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Công ty cổ phần Tập đoàn ATA và cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần tại Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam. Tạo điều kiện cho ông Tuấn có tư cách cổ đông sáng lập và ông Hùng có tư cách giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Hà Nam. Giúp cho hai người này có đủ điều kiện thuận lợi chuyển nhượng tài sản của các cổ đông trong Cty Cổ phần Phát triển Hà Nam thu lợi bất chính.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.