| Hotline: 0983.970.780

Việt Trì kỳ vọng hết ngập úng, ô nhiễm

Thứ Tư 08/10/2014 , 09:27 (GMT+7)

Hết ngập úng, tạo cảnh quan môi trường trong sạch, có đường bê tông, có cầu cống cho xe và người qua lại…

Đó là những gì được thấy rõ nhất từ việc tỉnh Phú Thọ cho đầu tư xây dựng công trình nâng cấp hệ thống tưới tiêu SXNN và thoát nước đô thị, nước thải công nghiệp, sinh hoạt vùng Đông Nam TP Việt Trì.

Quyết định này được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt vào ngày 24/7/2007. Theo đó, có 30 hộ dân phải tái định cư và 70ha đất ở, đất SXNN của nhiều hộ dân thuộc các xã Dữu Lâu, Trưng Vương, Sông Lô nhường lại cho DA.

Người dân trong vùng DA tâm sự rằng, họ khát khao công trình này hằng mấy năm nay rồi. Bởi lẽ, từ khi TP Việt Trì được mở rộng thì toàn bộ khu vực Đông Nam nằm lọt thỏm trong TP. Đông Nam là vùng trũng và con kênh đào chảy qua đã không đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu trước sự phát triển của TP.

Vùng trũng của Đông Nam là nơi “tích nước” của những trận mưa lớn và cũng là nơi “tập kết” đủ các loại rác thải, nước thải, chất thải của nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy đổ về. Từ đó khiến cuộc sống của nhân dân trong vùng hết sức bức bối. Môi trường sống bị đe dọa, hàng trăm ha đất lúa và ao hồ thường bị hạn hán, ngập lụt cũng như chịu những cái chết trắng của chất thải.

Người dân kêu ca nhiều trong các cuộc lãnh đạo tiếp xúc. Từ đó, tỉnh Phú Thọ quyết định cắt giảm các khoản chi tiêu để dồn 680 tỷ đồng xây dựng công trình này. Việc đó để giải quyết các bài toán phát triển KT – XH ở khu Đông Nam TP Việt Trì mà trước hết là xóa được ngập úng.

Theo người dân sống ở đây, tại khu vực này, thời Pháp thuộc người ta đã xây dựng hệ thống tiêu tự chảy rồi. Sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1967, nhà nước đã cho xây trạm bơm Dữu Lâu với 22 máy bơm và đến năm 1980 có thêm trạm Hạ Giáp gồm 11 máy bơm với công suất 1.000 m3/h. Ông Lưu Xuân Trình, 80 tuổi, ở đội 3, xóm 2, xã Trưng Vương, TP Việt Trì kể cho chúng tôi biết: Ông là người sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến nhiều trận ngập lụt cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân.


Từ trạm tiêu Đông Nam nhìn khu TĐC của hàng chục hộ dân nhường đất cho công trình kỳ vĩ của TP Việt Trì

“Tôi nhớ sau khi đi bộ đội về, sống ở đây mấy chục năm thì có năm 1994, người ta cho tàu hút bùn vào đây. Từ đó đến nay chẳng thấy tàu hút bùn và cũng chẳng thấy có một chiến dịch nạo vét, sửa sang lại con kênh. Vì thế mà khu vực này người dân luôn đối mặt với ngập úng và ô nhiễm” – ông Trình nhớ lại.

Đề cập đến tuyến kênh đang được đầu tư xây dựng, ông Trình bày tỏ niềm vui khôn xiết. Ông nói, điều này đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Lúc GPMB, bồi thường thiệt hại, đa số nhân dân ủng hộ. Chỉ có một vài hộ là do tài sản và đất đai khá lớn nên lúc đầu họ còn chưa thống nhất được mức giá đền bù. Chứ chủ trương nhường đất, kể cả phải TĐC, dành lại đất đai tổ tiên cho DA, họ cũng sẵn sàng, không có gì là chống đối cả.

Về điều này, ông Đào Thanh Vũ – Phó trưởng BQL dự án NN-PTNT, đơn vị được Sở NN-PTNT giao trực tiếp quản lý, điều hành việc thi công công trình này cho biết: Dân cư sống ở 2 bên kênh đều SXNN nhưng vì ở giáp ranh với trung tâm TP nên đất rất có giá. Chính vì thế việc GPMB lúc đầu cũng có những khó khăn.

Theo ông Đào Thanh Vũ – Phó trưởng BQL DA NN-PTNT Phú Thọ thì khi công trình này hoàn thành sẽ giải quyết căn cơ các mục tiêu: Cung cấp nước tưới phục vụ SXNN 641 ha; tiêu nước phục vụ SXNN 831 ha; tiêu nước đô thị 1.630 ha; tạo điều kiện ổn định đời sống, SX của các hộ dân khu vực ven sông; phát triển giao thông và du lịch, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho TP Việt Trì.

Theo ông Vũ, đối với số hộ phải di dời nơi ở thì chính sách TĐC đã được thực hiện một cách thỏa đáng để người dân yên tâm. Khu vực TĐC cũng không cách xa so với nơi ở cũ nên sinh hoạt, làm việc của nhân dân hầu hết không bị đảo lộn.

Chỉ có một số ao nuôi cá của các hộ dân khác do chỉ giới xây dựng chỉ lấy hết một nửa nên việc thống nhất phương án xử lý có lúc kéo dài. Hiện trên tuyến thứ 3 có một số ao nuôi cá chưa giải phóng xong. Lý do là UBND tỉnh chưa ban hành được chính sách hỗ trợ, đền bù tài sản trên đất theo quy định trong Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2014. Vì thế, tuyến này còn vướng một vài hộ chưa giải phóng xong mặt bằng.

Năm 2010, hạng mục đê bao dài gần 3km và kè bờ sông dài 350 m đã hoàn thành. Việc hoàn thành các công trình này đã góp phần ngăn lũ, phục vụ có hiệu quả SXNN, nhất là vùng trong đê. Mặt khác, giao thông đi lại của nhân dân khá thuận lợi so với hàng chục năm trước. Nếu như trước đây, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn vì đường sá không được đắp và nâng cấp, mùa mưa hay bị lầy lội. Nay thì đường thông thoáng bằng bê tông rộng 5 mét, có cầu đi lại khá thuận tiện.


Một số hạng mục đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện ban giao, sử dụng vào đầu năm 2015

“Toàn tuyến chưa hoàn thiện nhưng đoạn qua nhà tôi dài hơn 2km thì đã cơ bản xong. Nhờ đó, sáng sớm và chiều tối nào, tôi và các cụ trong xóm rủ nhau đi bộ, tập thể dục trên con đường bê tông chạy dọc tuyến kênh” – ông Lưu Xuân Trình bày tỏ.

Tháng 10/2013, các hạng mục trạm bơm tiêu và trạm bơm tưới được hoàn thành. Trạm bơm tiêu được xây dựng kiểu buồng trạm, lắp 6 tổ máy bơm chìm, công suất một tổ máy là 2,0 m3/s do Đức SX. Bên cạnh trạm bơm xây dựng cống hộp tiêu tự chảy 2 cửa dài 38 m, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Đặc biệt, tại cửa vào bể hút được lắp đặt các máy vớt rác tự động. Còn trạm bơm tưới, được xây dựng 3 trạm, mỗi trạm lắp 1 máy bơm chìm công suất 1.550 m3/h.

Việc hoàn thành các hạng mục trạm bơm này đã giải quyết cơ bản tiêu lũ, thoát nước thải, hạn chế tối đa ngập úng phía trong đê. Đây được coi là niềm vui lớn nhất của nhân dân vùng Đông Nam. Bởi mùa mưa 2013 và những cơn mưa đầu mùa 2014 này, các hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng Đông Nam đã không bị mất mùa do ngập lụt như những năm trước.

Trong khi đó, các hộ đã TĐC thì xây dựng nhà khang trang 3 – 4 tầng kiên cố. Đứng ở trạm bơm tiêu của công trình nhìn sang khu TĐC của các hộ dân hiện lên một sức sống mới bởi sự giàu có và thoáng đãng. Trước đó, hầu hết nhà ở của họ là cấp 4 còn xập xệ, môi trường sống bị đe dọa thì nay mọi thứ đã đổi thay.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất