| Hotline: 0983.970.780

Viết từ nỗi đau da cam

Thứ Năm 01/12/2011 , 10:50 (GMT+7)

Có lẽ nhà văn Minh Chuyên là một trong những người đầu tiên ở nước ta lên tiếng về sự tàn khốc của chất độc da cam.

Nhà văn Minh Chuyên
Có lẽ nhà văn Minh Chuyên là một trong những người đầu tiên ở nước ta lên tiếng về sự tàn phá của chất độc da cam.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi bút ký “Đứa con màu da thú” của Minh Chuyên công bố trên báo chí khiến không ít người tưởng là chuyện… siêu tưởng. Thế nhưng, với một chút kiến thức chắt chiu được từ quân y và với sự nhạy cảm của nhà văn, anh vẫn kiên trì chứng minh có cái di họa chiến tranh khủng khiếp ấy bằng những trang viết “Nước mắt làng”, “Đứa con người lính”, “Mười lần sinh tử”…

Khi mới đọc những bút ký về chất độc da cam của Minh Chuyên, tôi cũng không tin có sự thật khủng khiếp và bàng hoàng như vậy. Càng đọc càng thấy rùng rợn. Và khi Hội Nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam lặn lội nửa vòng trái đất để đi tìm công lý, tôi đã cay xè mắt lúc mở lại những bút ký ấy. Minh Chuyên không văn vẻ tài hoa, nhưng sao người đọc run tay khi giở lần từng trang viết của anh?

Tôi đã tự hỏi nhiều lần và sau cùng mới ngộ ra, chính sự cảm thông của nhà văn đã làm đầy lên trắc ẩn, giúp mỗi dòng chữ đều lấp lánh nỗi xao xác, nỗi đau bất tận. Minh Chuyên trải lòng anh lên trang viết để kêu giùm những nạn nhân chất độc da cam nỗi niềm đớn đau rất gần tuyệt vọng. Minh Chuyên bảo: “Mình chỉ viết loanh quanh ở Thái Bình thôi mà đã kinh hãi như thế. Trên cả nước thì còn không biết bao nhiêu mảnh hồn nghiệt ngã vì chất độc da cam nữa!”.

Minh Chuyên nói đúng. Tôi từng đến những thôn xóm ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, nhìn thấy những bờ ao và bỗng nhớ những đứa trẻ ôm lưng nhau bò xuống nước vì không chịu nổi cơn hành hạ của chất độc da cam, đã được thể hiện trong bút ký Minh Chuyên, bất giác nghe lạnh buốt sống lưng và đau nhói lồng ngực. Ôi, những đứa trẻ dị dạng! Ôi, những đứa trẻ bất hạnh!

Tôi hỏi: “Từ đâu khiến anh thức dậy những trang viết về chất độc da cam?”. Đôi mắt khắc khoải của Minh Chuyên như nhòa đi, giọng anh chùng hẳn xuống: “Từ nỗi đau quá lớn của đồng đội mình. Một người lính nhập ngũ cùng đợt với mình năm xưa đã bị nhiễm chất độc hóa học, hai đứa con của anh đều ra đời với hình thù kỳ quái, không giống người mà cũng không giống thú. Người vợ của anh ấy phát điên bỏ nhà đi lang thang, còn anh ấy suốt ngày nhìn con thất thần. Có một đêm, mình ở lại nhà cùng bạn, nửa khuya anh ấy mê sảng hét lên: “Hãy cứu lấy con tôi. Trời ơi! Tôi là con người, tại sao con tôi lại không là con người? Tôi đi bộ đội, tôi đi cứu người. Các người hãy cứu con tôi với…”. Nghe như luồng điện chạy dọc cơ thể, mình đứng dậy băng đồng về nhà chong đèn ngồi viết. Vừa viết vừa nghe nhức nhối bên tai mình tiếng kêu khốn khổ của bà mẹ sinh ra những cục thịt đỏ hỏn, sinh ra những bó như giun đũa quắn lại với nhau, rồi ngất xỉu trong sự nghiệt ngã không thể chịu đựng. Tôi vừa viết vừa khóc! Viết như một món nợ phải trả cho đồng đội mình!”.

Nhà văn Minh Chuyên vốn kiệm lời, và không mảy may có ý định nói về bản thân. Thậm chí, nếu gặp anh trên đường phố tấp nập những người thành thị ngày càng khôn ngoan đã biết làm dáng làm vẻ hơn, thì bức chân dung anh lúc nào cũng bàng bạc như lầm lũi, như lấm láp, như nhẫn nhịn. Thế nhưng, những việc anh làm trong âm thầm cũng đủ khẳng định sự thao thức và tận tụy của anh với cuộc sống mỗi ngày.

Tôi nghĩ, riêng những trang bút ký viết về chất độc da cam của Minh Chuyên hoàn toàn là những bằng chứng có thể thuyết phục những người thiện chí yêu chuộng lẽ phải trên thế giới, khi nhìn lại di họa chiến tranh đã trút xuống đất nước và con người Việt Nam.

Một buổi chiều Sài Gòn vội vã giữa chuyến nhà văn Minh Chuyên đi làm phim tài liệu, tôi thăm dò ý kiến anh về chuyện dịch khoảng 10 trong số hơn 20 bút ký anh đã viết về chất độc da cam sang tiếng Anh, để nỗi đau thương vật vã của những nạn nhân dioxin đến được với những trái tim nhân ái khắp năm châu. Nhà văn Minh Chuyên gật đầu và cười, nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt chất phác của một người lính hậu chiến.

Bước qua tuổi sáu mươi, đã nhận hơn 30 giải thưởng văn học, truyền hình và báo chí, chắc có lẽ tiếng tăm hay sang hèn không làm Minh Chuyên bận tâm nữa. Bỏ lại sau lưng hàng ngàn trang viết và hàng chục bộ phim tài liệu gây tiếng vang, Minh Chuyên vẫn lặng lẽ dấn thân vào những cuộc khám phá mới về một Việt Nam hậu chiến.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất